Thông điệp này được truyền tải trong triển lãm tranh/ảnh trực tuyến “Là con gái để tỏa sáng” do trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).
Triển lãm “Là con gái để tỏa sáng” trưng bày 65 tác phẩm tranh/ảnh, được chọn lọc từ gần 380 tác phẩm dự thi của những người tham gia đến từ 23 tỉnh, thành phố trên cả nước phản ánh những góc nhìn đa dạng, những câu chuyện chân thực về cuộc sống hàng ngày của những người bà, người mẹ, những nữ bác sĩ, y tá, và rất nhiều những người phụ nữ khác, với độ tuổi, công việc và vai trò khác nhau.
Điểm chung của họ là luôn nỗ lực và cống hiến hết mình cho hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội. Đã đến lúc, chúng ta cần phải có cái nhìn công bằng hơn, rằng nữ giới và nam giới đều có những giá trị, vai trò riêng, đều có khả năng đóng góp cho gia đình và xã hội. Và bất cứ ai, không phân biệt giới tính hay độ tuổi, công việc hay vị trí xã hội, đều xứng đáng được công nhận và trân trọng vì những giá trị và đóng góp của họ cho cuộc sống này.
Triển lãm phản ánh những góc nhìn đa dạng, những câu chuyện chân thực về cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ |
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng triển lãm trực tuyến này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về những tác động tiêu cực của việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Trẻ em gái phải được hưởng quyền và cơ hội như trẻ em trai. Là con gái để tỏa sáng”.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm CSAGA chia sẻ: “Triển lãm trực tuyến là một hình thức truyền thông mới tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Thông qua triển lãm này, chúng tôi hy vọng người dân và các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, sẽ nhận thấy vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, không tước bỏ cơ hội được sinh ra của các em gái, để các em gái được sinh ra tự nhiên vì mọi bé gái xứng đáng được công nhận và trân trọng”.
Tại nhiều gia đình Việt Nam, quan niệm con gái là con người ta, con trai mới là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên vẫn ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ. Nếu không sinh được con trai, gia đình đó sẽ không nhận được sự tôn trọng của dòng họ, hàng xóm. Do con gái sau này thường sẽ về ở nhà chồng khi đi lấy chồng, nên họ cũng lo lắng không có người chăm sóc khi về già, không có người thờ cúng khi qua đời. Do mỗi gia đình thường chỉ có từ 1-2 con, nên nếu thai nhi là gái, nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn phá thai, để mong đợi có bé trai cho lần sinh tiếp theo. Những bé gái đã không có cả cơ hội được chào đời.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, nếu so với tỉ số giới tính khi sinh theo quy luật sinh đẻ tự nhiên, thì Việt Nam thiếu khoảng 45.900 bé gái được ra đời mỗi năm. Cụ thể hơn, cứ 100 bé gái sinh ra, thì có tới 111,5 bé trai ra đời, cao hơn hẳn quy luật tự nhiên là 105 – 106 bé trai/ 100 bé gái. Việt Nam là một trong ba nước Châu Á có tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, kể từ năm 2004. Nếu tình trạng này không thay đổi, dự tính Việt Nam sẽ dư thừa 1.5 triệu nam giới vào năm 2034 và 2.5 triệu nam giới vào năm 2059.