Chân đạp rò, đuôi thò lò hang nhím…
Đó là câu “ngôn danh” về một con chó thầy thực thụ, anh Đặng Thanh, 48 tuổi người ở xã Quảng Châu (Q.Trạch, Q.Bình) – Một thợ săn rừng đã dã nghệ nhiều năm nay lý giải:
“Chân đạp rò (rùa-PV) đuôi thò lò hang nhím, ý nói một con chó săn rừng thì phải siêng năng, chăm chỉ phải là khắc tinh của rừng sâu. Chân đang đạp rò nhưng đuôi và mũi đánh hơi được một con nhím khác đang nằm trong hang, gọi là bắn một mũi tên mà trúng nhiều đích, một công đôi việc cũng là như thế.”
Cách lý giải của anh Đặng Thanh, nghe cứ ngồ ngộ, càng nghe chúng tôi càng khó hiểu. Anh Thanh phân tích: “Muốn nuôi được chó thầy thì đòi hỏi nhiều công đoạn lắm và cũng tùy thuộc vào tay người nuôi nữa, mới có thể thành thầy được.
Chó săn rừng về cơ bản, đế phải tròn vo; đực vắt đuôi về phía trái, cái vắt đuôi về phía phải; đuôi phải dính lưng thì đi săn mới bền được và mắt phải đỏ chó ấy săn mới lỳ; hai chân sau thẳng như thước nghĩa là con chó ấy chạy rất khỏe và lưỡi phải có đốm đen, đặc biệt chân chó không được đeo huyền đề (móng đeo to mọc ở phía sau chân chó, mắc lỉnh kỉnh rất vướng-PV) chứ đeo huyền đề vào rừng vừa mắc chân chứ chẳng làm được gì…
Những con chó săn đáp ứng về cơ bản những đặc điểm như trên thì vào rừng cứ thế mà đi săn. Ngoài ra, chó săn rừng có 2 hệ, một hệ mũi thấp, một hệ nữa mũi cao: Mũi thấp săn rắn, rùa những con thú dưới đất; hệ mũi cao săn chồn, khỉ, lợn rừng, chim… Con chó nào ẩn chứa hai hệ này thì là chó lộn dòng, loài chó pha (pha dòng-PV) này thì không ăn thua, nên vứt.”
Anh Đặng Thanh nhớ lại: “Mà cũng chẳng kể gì đâu, như cha Mẹt Liên (tên một người bạn săn rừng của anh Thanh trước đây-PV), lão nuôi chó có kể gì đâu chứ, thời xưa lão nuôi một con thành tài, đúng là khét tiếng xứ này luôn đi săn với “thầy” (chỉ chó thầy-PV) là sướng thôi rồi.
Anh nào đi đâu thì đi chứ cứ đạp rừng là từ từ theo từng khoi (khoi dịch tiết ra từ con lợn rừng-PV) lợn, cứ như vậy mà lần cho ra bằng được con thú đang nằm ẩn mình trong rừng, đi săn với thầy ấy khi nào cũng có hàng hết.
Nhưng lạ nghe nếu sáng ấy mà ngài đã ngần ngừ không ưa đi thì có ép ngài đi cũng không có gì đâu, còn đã thấy phe phẩy đuôi vào buổi sáng đó là đi sao rồi cũng trúng. Sau rồi cũng chết vì bị lợn rừng ăn thịt…”
Một chú “chó thầy” đang săn đêm giữa rừng rậm. |
Những chú chó săn cuối cùng
Cho đến bây giờ, cho dù con thú đã hết nhẵn loài chó săn không còn nhiều như trước nữa, cánh thợ săn khắp nơi cũng dần giải nghệ, không còn vượt bao dặm đại ngàn để săn thú. Thế nhưng ở vùng bán sơn địa thuộc địa phận xã Quảng Hợp này, một số nơi do cuộc sống còn khó khăn, xung quanh là bạt ngàn rừng núi ôm ấp, bởi thế cái lối săn bắt cổ xưa vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ.
Trong căn nhà ông Nguyễn Bình, (ở thôn Hung Dầu, xã Quảng Hợp) dù năm nay đã cận kề cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Bình vẫn giữ thói quen nuôi đôi, ba con chó săn trong nhà.
Ông Bình xuýt xoa: “Nuôi chó cũng như nuôi con người vậy, chó đổ bệnh và đau thì mình cũng xót cái bụng lắm! Năm nay trong nhà chỉ nuôi được 2 con đó, dòng chó nó cũng khó nuôi lắm mấy chú à! Mới hôm rồi mất một con…”
Nghe nói, lúc trước, ông Nguyễn Bình có nuôi được một con chó săn thành thầy chó có sức vóc rất to, có thể “cân” với một con heo rừng nặng 70 kg. Nhắc đến “người bạn” cũ, ông Bình trầm trồ: “Con ấy là cả vùng này có một không hai. Nó xuất sắc đến mức độ khi chết tui phải làm đám tang đúng nghĩa cho nó luôn. Mà cũng phải, già quá rồi chết là đúng, thời trước chỉ cần ra khỏi cổng là có thú không to thì nhỏ, chó mà dân săn rừng trong vùng đâu đâu cũng biết, nhiều thợ săn tìm đến trả mấy chục triệu cũng không bán.”
Theo như lời ông Bình thì một mai kia dòng chó săn rừng, nghĩa là dòng chó cổ - tổ tiên của loài chó sẽ dần bị lai căn để trở thành “chó hiện đại”. Và cái lối săn rừng cổ xưa đó cũng bị mai một.
Săn đêm với “chó thầy”
Chúng tôi có hẹn với ông Nguyễn Bình về một chuyến săn đêm cùng với “chó thầy” để được tận mắt chứng kiến toàn cục cuộc săn rừng khi sử dụng chó săn. Khoảng 21 giờ đêm, chúng tôi có mặt tại con đường mòn dẫn vào đập chứa nước Vực Tròn (thuộc xã Quảng Châu), đợi khoảng 5 phút thì một đoàn người nhá nhem ánh đèn soi như mọc lên trước mặt, tiếng chó sủa “ặc..ặc..” tứ phía.
Một người đàn ông lụ khụ đi về phía chúng tôi, trên vai có mang theo một công cụ giống như cây cung tên dài 2 m, mắc lỉnh kỉnh những tấm lưới (sau này tôi mới biết đó là cung vậy, khi phát hiện ra con mồi thì đám thợ săn vây cung ở các ngã đường để vào cuộc rượt đuổi), đó là ông Bình người chúng tôi đã hẹn.
Điểm săn đêm của chúng tôi là một khu đảo hoang, nằm lạc lõng giữa lòng hồ Vực Tròn. Trước kia khu đảo này rất rậm rạp, nhưng ngày nay người dân họ đã tận dụng để phát hoang trồng lên những cây công nghiệp lâu năm như thông và bạch đàn…
Ông Nguyễn Bình cho biết thêm, tại khu đảo này mới đây vài tháng nghe người dân trong vùng đi hái củi về bảo, có một con chồn bị lạc và khu đảo này vì thế nên chính con chồn đó là mục tiêu của đám chó săn đêm nay.
Lâu thay, cánh thợ săn điểm lên một câu khẩu lệnh quen thuộc: “Hú… dồ… cảng, cảng…” vang trời đến tai những con chó làm chúng hăng hơn, sung sức hơn. Sau một hồi lùng, săn trong khu đảo, con chó “bes” của ông Bình bắt được hơi một con thú nó cứ dồ lên sủa dồn trong đám cây gai rậm rạp.
Ông Bình và người con thoắt cái đã biến mất trong khoảng rừng rậm tôi theo chân không thể kịp, chỉ vẳng lại những tiếng vang trời: “Bes… bes… hú… cảng, cảng… hú… dồ, dồ…”. Những con chó khác càng hăng máu, sủa rống lên như đang có chuyện động trời.
Tôi cố gắng sức để chạy theo nhưng không thể kịp, trong lúc loáng quáng với ánh đèn, tôi bị sục hầm lăn nhiều vòng vào một lùm cây rậm rì, tứ bề toàn gai ngấy (một loại dây gai rất dày và nhọn hay mọc ở các khoảng núi hoang).
Đến nơi thì con mồi đã lao mình xuống lòng hồ và biến mất không một tăm hơi. Đám chó săn tức lên lồng lộng cứ lao mình ra khoảng nước cạn rồi lại bơi vào, liên tục như thế hàng giờ đồng hồ. Đám thợ săn, pha những ánh đèn pin xuống mặt hồ nhưng vẫn không thể lần ra dấu mồi.
Bỗng một thành viên trong đám thợ săn chặt lưỡi: “Thôi đừng lần mò nữa mà mệt, mất dấu rồi đó giờ nó đi xa lắm rồi chứ không còn đâu đó nữa đâu mà tìm, đêm nay đen quá mấy anh à! Đêm cũng khá khuya rồi, về mai còn đi làm nữa chứ trên đảo này, chúng ta đã cày nát rồi, chẳng còn lại gì nữa đâu…”
Tôi nhìn sang phía ông Bình, khuôn mặt bị màn đêm đen kịt ám loang lỗ chỉ thấy rõ khóe môi với đóm thuốc cháy đỏ. Ông bình thở dài: “Chẳng qua lâu thay thì đám thợ săn chúng tôi mới họp mặt cho có không khí thôi, chứ nay cũng ít đi săn rồi. Vì mỗi lần vác cung, ôm chó vào rừng là tốn nhiều công, để rồi lại lủi thủi về không như thế này cũng chán lắm! Cái nghiệp săn này chắc qua thời tụi tui chẳng còn ai theo nữa đâu”