Đề thi tránh học tủ
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 về cơ bản vẫn giữ ổn định về phương thức như năm 2017 là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khi được hỏi về chủ trương liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là không chỉ có nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 như năm trước, mà có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Đây là lộ trình đã được Bộ GD-DT công bố cách đây 1 năm. Ghi nhận thực tế của Bộ GD-ĐT tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các thầy, cô giáo, học sinh đều đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm.
Tuần qua, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa để thí sinh và thầy cô yên tâm ôn tập. Về đề Văn, cô Phạm Thu Phương, giáo viên hệ thống giáo dục trực tuyến cho biết, cấu trúc đề thi năm nay cũng vẫn giống như các năm trước. Tuy nhiên, về lượng kiến thức bao gồm cả kiến thức lớp 11 và kiến thức lớp 12. Trong đó kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học.
Nhìn chung, đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ Văn được công bố là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao hơn các năm trước. Vì vậy, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.
Theo thầy Nguyễn Danh Hướng, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) đề thi minh hoạ môn Lịch sử kiến thức dàn trải cả chương trình lớp 11 (khoảng 9 câu) và lớp 12 (khoảng 31 câu).
Trong khi đó, đề thi gồm 2 phần: kiến thức lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ thế kỷ XIX đến 2001. Câu hỏi về lịch sử thế giới có 11 câu chiếm gần 30%, câu hỏi về lịch sử Việt Nam có 29 câu chiếm hơn 70%. Đặc biệt, trong đề có câu hỏi đòi hỏi nhiều về khả năng tư duy của học sinh. Vì thế, đề thi phân loại được năng lực của học sinh nên phân loại được học sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.
Theo thầy Hướng, với đề minh họa môn Lịch sử, học sinh phải ôn luyện khối kiến thức sâu rộng, đầy đủ các chuyên đề, các dạng bài liên quan của cả chương trình 11 và 12. Đề thi cũng đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy và bao quát kiến thức tốt làm bài mới đạt được điểm cao.
Nhìn chung, các thầy cô đều đánh giá, đề thi đáp ứng được yêu cầu thi THPT quốc gia, vừa dùng để xét tốt nghiệp, có tính phân loại cao để làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học.
Để đạt được điểm cao tuyệt đối sẽ là những thí sinh rất giỏi, và như thế, “cơn mưa” điểm 10 như năm trước sẽ không còn nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là đề tham khảo, học sinh vẫn cần học hết kiến thức lớp 11, tránh học tủ (mặc dù một vài chương lớp 11 không xuất hiện trong đề thi). Nhiều khả năng đề thi thật có đủ câu thuộc toàn bộ 6 chương lớp 11. Kiến thức lớp 12 trong đề thì bao quát rộng, nội dung trong đề cũng không ra vào phần giảm tải.
Nhiều ngành học “nóng”
Việc Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi THPT quốc gia lên tới 9 môn, trong đó có cả môn như: Giáo dục Công dân để làm căn cứ tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ khiến cho công tác xét tuyển có nhiều thay đổi so với những năm trước đây.
Để đảm bảo nguồn tuyển cũng như chất lượng thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo, nhiều trường ĐH, CĐ đã xây dựng tổ hợp môn hoàn toàn khác biệt so với các khối thi “truyền thống”. Đơn cử: ĐH Tài chính-Marketing bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển D96 (Toán - Tiếng Anh - Khoa học xã hội) bên cạnh các khối truyền thống là A và D1.
Để chuẩn bị cho công tác xét tuyển và sự lựa chọn ngành nghề cho thí sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục tiên phong trong việc đổi mới công tác tuyển sinh với việc sử dụng thêm chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A Level và kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Schoolastic Assesment Test) để xét tuyển với những tiêu chí nhằm khẳng định uy tín, chất lượng của một đại học lớn hàng đầu của Việt Nam, thu hút nhiều học sinh tài năng theo học. Bên cạnh đó, việc dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm thi đánh giá năng lực do đơn vị tổ chức cũng vẫn được áp dụng như mọi năm.
Đồng thời, ĐH Ngoại thương công bố, ngoài việc xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, trường sẽ sử dụng thêm cách thức xét tuyển kết hợp dành cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Dự kiến, cách thức này sẽ được triển khai trước khi áp dụng việc xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký theo cách thức xét tuyển kết hợp, nếu không trúng tuyển có thể tiếp tục tham gia cách thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia.
Còn tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực hiện nay, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin, nhất là các chuyên ngành đang “khát” nhân lực như khoa học máy tính, an toàn thông tin - an ninh mạng... để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
Ngoài ra, nhà trường cũng dự kiến điều chỉnh phương pháp đào tạo, từ cách thức đào tạo truyền thống sang phương pháp dạy hỗn hợp: 30% số học phần được đào tạo online, số học phần còn lại được đào tạo trên giảng đường. Cách thức này nhằm tạo thuận lợi cho cả giảng viên và sinh viên trong việc tiếp cận bài giảng, giảm thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí.
Tăng cơ hội xét tuyển, không giới hạn số lượng nguyện vọng, đa dạng hình thức đào tạo nhằm mở rộng cửa cho thí sinh có nguyện vọng học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT là chủ trương chung của các trường trong mùa tuyển sinh năm nay.
Để đảm bảo nguồn tuyển, nhiều trường đại học tiếp tục giữ phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018, ưu tiên tuyển thẳng và xét tuyển học bạ cho những trường hợp học lực khá, giỏi.
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM năm nay xét tuyển theo 2 phương thức: Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 và ưu tiên xét tuyển thẳng.
ĐH Tài chính - Marketing sẽ xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT đối với học sinh các trường THPT trên toàn quốc có đủ 3 năm học THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng dành nhiều chỉ tiêu để tuyển thẳng học sinh các trường chuyên trong phạm vi cả nước.
Liên quan đến tổ chức kỳ thi quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2018, Bộ GD-ĐT cho biết, phương thức tổ chức kì thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.
Bộ sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Mở nhiều mã ngành mới
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ đại học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, có trên 100 ngành mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, lần đầu tiên, việc đào tạo giáo viên có thêm nhiều ngành mới như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như: Tiếng Khmer, Jrai, X’đăng... và có thêm ngôn ngữ Ả Rập bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác. Từ năm 2018, các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Khối ngành khác cũng có nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như: du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình…