Thanh Hóa: Tính đúng đắn của hướng đi mới
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT trên địa bàn Thanh Hóa được tổ chức ở hai cấp (cấp trường và cấp tỉnh), diễn ra từ ngày 6/10 – 02/12/2017 với sự tham gia của 34.073 lượt học sinh tại 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vòng thi cấp trường có 33.875 lượt học sinh tham gia dự thi; trong đó có một số trường THPT đã vận động được đông đảo học sinh tham gia, như THPT Bá Thước (6.863 lượt thi), THPT Ba Đình (2.586 lượt thi), THPT Đông Sơn I (1.426 lượt thi), THPT Hà Trung (1.368 lượt thi), THPT Yên Định 1 (1.205 lượt thi), THPT Đào Duy Từ (1.126 lượt thi)...
Nhiều học sinh đã đầu tư thời gian, tự nghiên cứu, ôn luyện kỹ các kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT, đồng thời chịu khó tìm hiểu, cập nhật, mở rộng thêm các thông tin pháp luật. Kết quả có 7.191 lượt học sinh dự thi đạt điểm giỏi trở lên, trong đó có 885 lượt thi đạt 100 điểm; 4.433 lượt thi đạt 90 điểm. Qua 6 vòng thi cấp trường, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 30 học sinh đạt giải nhất, 60 học sinh đạt giải nhì, 90 học sinh đạt giải ba.
Ở vòng loại thi online cấp tỉnh, có 169 học sinh tham gia dự thi, trong đó có 40 học sinh đạt điểm giỏi. Ban Tổ chức đã chọn ra 29 học sinh đạt kết quả cao nhất đại diện cho 29 trường THPT tham gia vòng thi chung khảo cấp tỉnh. Tại Cuộc thi này, nhiều học sinh đã thể hiện khả năng tự rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư duy, bản lĩnh và kỹ năng xử lý tình huống pháp lý tốt. Kết thúc Cuộc thi, 9 học sinh xuất sắc có số điểm thi cao nhất được Ban Tổ chức Trung ương cấp giấy chứng nhận, bao gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 02 giải ba và 04 giải khuyến khích.
Qua Cuộc thi cho thấy, vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung và công tác PBGDPL trong nhà trường nói riêng; khẳng định tính đúng đắn cho hướng đi mới trong hoạt động PBGDPL cho học sinh. Cuộc thi không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của học sinh mà còn bổ sung kiến thức pháp luật để các em học tốt hơn môn Giáo dục công dân, giúp các em có cơ hội tiếp cận với pháp luật, từ đó giúp các em nhận thức được những chuẩn mực cần thiết, đúng đắn, để các em tuân thủ và chấp hành pháp luật tại gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội, giảm thiểu vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Bắc Ninh: Nghiên cứu nhân rộng cho các cấp học
Tại Bắc Ninh, ngày 26/12, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh năm 2017. Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Lê Đăng Việt, Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, với 44/44 trường của 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 42.480 thí sinh đăng ký, 31.978 thí sinh dự thi, 125.121 lượt dự thi.
Trải qua 6 vòng thi cấp trường, toàn tỉnh có 207 thí sinh của 38 trường đủ điều kiện dự vòng loại online cấp tỉnh. Tại vòng loại online có 184 thí sinh của 36 trường tham dự. Kết quả, có 13 thí sinh nằm trong top 100 toàn quốc, trong đó có em Trịnh Hoàng Minh, học sinh lớp 10 THPT Gia Bình 1 đạt 100 điểm, xếp thứ 18 toàn quốc. Tại vòng chung khảo cấp tỉnh, có 34 thí sinh của 34 trường tham gia và kết quả là có 4 thí sinh trong top 100 thí sinh có điểm cao nhất toàn quốc vòng thi chung khảo cấp tỉnh. Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 10 giải cá nhân (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích), Giấy chứng nhận cho 26 cá nhân đạt điểm số cao tại mỗi vòng thi và Giấy chứng nhận cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức Cuộc thi.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường đánh giá, Cuộc thi là hình thức hưởng ứng hiệu quả Ngày Pháp luật năm 2017 trên địa bàn tỉnh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật cho các em. Ông nhấn mạnh, kết quả đạt được trong năm 2017 là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021, đặc biệt là Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL trong giai đoạn mới. Lãnh đạo tỉnh hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của ngành Tư pháp, Giáo dục, sự hưởng ứng của nhà trường, giáo viên, học sinh trong toàn tỉnh để đưa công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bắc Ninh cùng sự phối hợp, hỗ trợ của Tập đoàn Giáo dục Egroup trong việc tổ chức thành công Cuộc thi. Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi của tỉnh cần tổng kết, đánh giá toàn diện các ưu điểm, hạn chế để rút ra kinh nghiệm, từ đó nghiên cứu nhân rộng mô hình này cho các cấp học, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương.
Ngoài ra, mỗi trường cần động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân có sự tham gia tích cực và kết quả tốt khi tham gia Cuộc thi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của Cuộc thi để nâng cao nhận thức của mọi người đối với công tác PBGPL nói chung và tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật trong nhà trường nói riêng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thành công của Cuộc thi là minh chứng chân thực khẳng định tính đúng đắn, hướng đi mới trong công tác PBGDPL, giúp các em học sinh cảm thấy pháp luật thật gần gũi, dễ hiểu và nằm trong những công việc thường ngày.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương cũng đã trao thưởng cho 5 địa phương có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Cuộc thi là Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định và Lâm Đồng.