Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức và đây cũng là lần đầu tiên ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức theo quy mô quốc gia.
Theo đó, Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tổ chức vào lúc 9h ngày 1/10 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.
Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam. Ngay trước Lễ kỷ niệm, vào 7h30 cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu sẽ tổ chức Lễ viếng, dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.
Trước ngày diễn ra Lễ kỷ niệm, BTC tổ chức viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ân, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) và Khu lưu niệm Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vào tối 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huỳnh Thúc Kháng với quê hương” tại sân vận động huyện Tiên Phước.
Nhân dịp này còn diễn ra một số hoạt động đáng chú ý khác như: Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”; Hãng phim tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng bộ phim tài liệu với tiêu đề “Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ nhiệt thành lo nước thương dân” (phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình địa phương trước và trong dịp diễn ra Lễ kỷ niệm); Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng… cùng nhiều hoạt động nổi bật khác, diễn ra tại địa phương.
Hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định, tôn vinh trí tuệ, đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; tri ân những công lao, đóng góp to lớn của cụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đồng thời phát huy và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.