Tự tay cưới vợ hai cho chồng…
Bà Đàm Thị Cần, sinh năm 1935 ở Thái Nguyên, là người dân tộc Thái trắng, hiện đang sống ở một ngôi nhà nằm gọn lỏn trong chợ Kinh Bắc, TP Hải Dương. 82 tuổi nhưng giọng nói của bà vẫn sang sảng, đầy sức mạnh. Bà kể, 14 tuổi bà đã đi làm cách mạng, làm liên lạc viên cho các cơ sở bộ đội ở quê nhà.
Sau đó bà xin vào làm liên lạc viên cho Sư đoàn 50. Rồi được sư đoàn cử đi đánh trận Điện Biên Phủ, sống với bà con dân bản như người nhà, cùng họ phát nương, trồng ngô khoai sắn. 21 tuổi bà ra quân, về xuôi lấy chồng mà không có bất cứ giấy tờ gì được mang về, để được công nhận là một người lính tiền khởi nghĩa.
Từ biệt các bản làng Tây Bắc, bà… lạc về xuôi và dừng chân, lấy chồng ở Hải Dương. Cuộc sống vốn cực nhọc của thời chiến tranh xưa cũng không quên ghé qua nhà bà. Nhưng bà đặc biệt cơ cực hơn vì một nách 8 đứa con, chồng bà đã cho đi lấy vợ hai từ năm bà 40 tuổi.
Kể lại câu chuyện tưởng như đầy nước mắt này, bà Cần vẫn đầy quả quyết: “Tôi thương chồng, con tôi lắm. Tôi đã không nhờ được chồng cái gì rồi, ông ấy lại không biết thương tôi, đi thương người khác. Ông còn bảo, ông chỉ cần ăn một quả cà hẩm, sống trong một túp lều gianh là đời ông thấy hạnh phúc. Tôi nghe mà thương bản thân mình nên tôi gọi người yêu của ông lên, làm 5 năm mâm cưới, xong là thôi”.
Cưới xong bà một mình nuôi con nhưng vẫn lo lắng cho cả 2 vợ chồng nhà họ, thậm chí còn lo lắng cho 3 đứa con của họ hơn cả cho ông, rồi bà xin cho bà hai một chỗ ngồi bán hàng ở chợ để họ có thu nhập. Cuộc sống khổ cực vẫn bám riết lấy 9 mẹ con bà Cần nhưng bà không một lời kêu ca, vẫn tằn tiện làm lụng quần quật nuôi con khôn lớn.
Ngày mới về Hải Dương, bà xin làm cấp dưỡng ở một công ty xây dựng, sau đó bị đưa đi làm đá, phá rừng, san mặt bằng cho Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch. Bà vẫn lam làm, không nề hà bất cứ công việc gì nhưng xin mãi không được chân biên chế nên bà bỏ công ty. Về nhà, bà kiếm sống qua ngày bằng những siêu nước vối bán rong ở chợ mỗi ngày.
Chạy chợ mỗi ngày nuôi 8 đứa con…
8 đứa con của bà sớm ý thức được hoàn cảnh vất vả của mẹ nên xúm tay vào giúp mẹ nhiều. Đứa học sáng thì đun, xách nước vối buổi chiều đi bán cùng mẹ; đứa học chiều thì xách buổi sớm. Cứ thế mấy mẹ con cũng có lương thực, thực phẩm để rau cháo qua ngày.
Bà nhớ lại: “Cũng may, bà con làng xóm thương bà vất vả nên thường ưu ái bà hơn, bà không phải xếp hàng lấy thực phẩm, bà chỉ cần xuất hiện là được trao ngay, để bà có thời gian đi bán nước nuôi con - một người ở cửa hàng lương thực đã từng phân bua với hàng dài những người chờ lấy tem phiếu như thế”. Bà cảm động lắm.
Giọng bà sôi nổi hẳn lên, kể về một lần bà đánh con giữa chợ để dạy con bài học về trung thực, sống có đức, có tâm. Đó là lần một đứa con gái của bà chỉ đun một siêu nước vối nhưng lại gánh theo 2 xô nước lã pha vào, bị bà phát hiện được. Không nói một lời, bà liền đổ cả gánh nước ra giữa chợ rồi vác đòn gánh đánh cho con một trận tại chỗ để con hiểu phải sống như thế nào cho tốt. Có lẽ cũng nhờ bài học này mà các con cái bà, dù vất vả, khó khăn vẫn khôn lớn thành người.
Những ghi nhận của cấp Trung ương với các hoạt động từ thiện nhân đạo của bà Cần. |
Đang bán nước vối bà nghe tin HTX Vôi tuyển người làm. Bà bỏ chợ xin làm tại HTX. Bà được cắt cử chân chạy kiểm hàng đầu vào, phải xuống tận mỏ đá để kiểm kê chất lượng đá. Rồi vác đá, nung vôi, vào lò, ra lò… công việc nào bà cũng hoàn thành tốt. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau HTX lại không có việc. Bà xoay xở xin được chân bán cơm cho anh chị em xã viên.
“Kỳ lạ lắm cô ạ. Ngày đấy nghèo khổ nên mọi người thương nhau lắm. Tôi đong gạo nợ, mua thức ăn chịu rồi bán nợ hàng tháng cho xã viên. Cứ đến kỳ lương anh chị em xã viên mới có tiền trả cho tôi, tôi mới lại mang tiền trả cho bà hàng thịt, bà hàng rau” - bà Cần hào hứng nhớ lại.
Gần như không việc gì bà không kinh qua, đội đá, đội vôi nặng nhọc bà cũng làm, chợ búa đủ các mặt hàng bà cũng bán, từ nước vối, cơm canh đến hoa quả gọt sẵn. Bà kể, ngày xưa, mỗi ngày bà bán được cả 15 kg cá làm sẵn và vài chục quả dứa gọt hàng đêm để bán sáng hôm sau. Tần tảo mỗi ngày cũng đến ngày bà thoát được đói nghèo, con cái lớn khôn.
Và sẻ chia với những mảnh đời nghèo khó…
Bắt đầu từ năm 2000, bà bắt đầu nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn quanh mình và manh nha gom góp quần áo cho bà con gần xa hoặc mang cho bà con yến gạo khắp các phường quanh quẩn khu vực nhà bà. Giúp được ai là bà thấy nhẹ lòng, lại nhớ về những cơ cực ngày xưa của mình và không ngừng xúc động khi thấy họ đón nhận tình cảm của bà.
Sau đó, khi đã làm quen công việc chia sẻ với những mảnh đời nghèo khó, bà bắt đầu đi làm từ thiện xa hơn, từ Điện Biên, Sơn La, Hà Giang đến các tỉnh miền Trung như Quảng Bình. Mỗi lần đi bà thường mang theo vài chục thùng quần áo, ít tiền phòng thân và những vật dụng cần thiết cho bà con như dầu con hổ, lương khô và cả những lá cờ Tổ quốc.
Bà bảo, bà chưa bao giờ quên những ngày tiền khởi nghĩa nên trân trọng lá cờ Tổ quốc lắm. Vì trân trọng lá cờ nên bà đặt may cờ tặng bộ đội Trường Sa, Hoàng Sa, tặng các chiến sĩ hải quân ở Hải Phòng rồi biếu nhân dân cả phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương để họ cùng treo trong những dịp lễ, Tết…
Hiện giờ trong nhà bà còn 120 thùng quần áo đã được đóng cẩn thận, chỉ chờ có dịp là lên đường. Tính đến thời điểm này, một mình bà đã gom góp và gửi đi được gần 400 thùng quần áo, mỗi thùng 8 kg đã được phơi thơm nắng. Những công lao, tấm lòng của bà đã được các cấp từ cơ sở đến Trung ương ghi nhận. Trong nhà bà không còn chỗ để treo bằng khen nhưng bà vẫn miệt mài làm những công tác thiện nguyện, lại kiêm luôn chức vụ Chi hội phó Hội Cựu chiến binh Tổ 13, phường Trần Hưng Đạo.
Bà tâm sự, tất cả những cơ cực nhất bà đã bỏ lại sau lưng, bây giờ chỉ mong muốn có cách nào đấy để làm thủ tục nhận thành tích tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa để đến lúc nhắm mắt xuôi tay bà cũng yên lòng… Các bạn trong Hội Cựu chiến binh của bà cũng đã tìm cách về lại mặt trận Điện Biên, đến các ban ngành, đoàn thể để tìm cách giúp bà nhưng không có kết quả. Bởi những người bạn chiến đấu của bà đều đã sang bên kia thế giới…