Khoản tiền “nghĩa vụ” gây thắc mắc
Cầm tờ biên lai 2 triệu đồng vừa đóng cho quỹ dân số phường Vinh Tân (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), anh Trần Khắc Đạt (SN 1984, ngụ khối Quang Trung, phường Vinh Tân) nói: “Tôi thấy họ bảo phải “tự nguyện” nạp số tiền 2 triệu đồng mới được làm thủ tục khai sinh con thứ 3 là điều vô lý. Đã là tự nguyện sao lại đưa ra mức giá cụ thể. Đó giống như “tự nguyện bắt buộc”, do vậy tôi muốn lên tiếng phản ánh”.
Theo anh, ngày 8/5 khi vợ anh sinh con thứ 3 được chục ngày thì anh đến UBND phường Vinh Tân để làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho con. Tại đây, anh Đạt được hướng dẫn qua gặp cán bộ phụ trách dân số, kế hoạch hóa gia đình để “thực hiện nghĩa vụ, tự nguyện đóng 2 triệu đồng”, nộp đủ khoản tiền đó công dân mới được cấp giấy khai sinh.
“Nhận thông báo đó, tôi khá bất ngờ, vì từ trước đến nay vợ chồng tôi chưa bao giờ nghe các cán bộ đề cập đến vấn đề đó. Để mọi chuyện được rõ ràng, tôi đã yêu cầu cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình phường giải thích rõ hơn về quy định trên”, anh Đạt tường trình lại sự việc.
Sau đó, anh Đạt được các cán bộ đưa bản cam kết thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, trong đó có nội dung tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng. “Lúc đó, tôi có hỏi cán bộ: “Nếu tôi không nạp tiền thì có làm được giấy khai sinh cho con không”?
Họ trả lời: “Anh không nạp 2 triệu đồng chúng em vẫn làm, nhưng khi nào anh đóng xong nghĩa vụ thì mới đưa giấy khai sinh cho gia đình”. Họ không nói thẳng ra, nhưng như vậy chẳng khác gì không nộp tiền thì không được làm giấy khai sinh cho con”, lời anh Đạt.
Ngày hôm đó, phần do đang bận công việc, phần vì ngại chuyện đi lại nên sau một hồi đôi co, anh Đạt đã đóng tiền để được làm giấy khai sinh cho đứa con thứ 3.
Điều khiến ông bố này thêm thắc mắc là dù nói “tự nguyện thực hiện nghĩa vụ”, nhưng cán bộ phường lại đưa ra mức giá cụ thể. “Hai triệu đồng đối với gia đình tôi cũng không quá khó khăn gì, nhưng với nhiều hộ khác nhất là vùng nông thôn, cuộc sống khó khăn đó là khoản tiền không hề nhỏ. Do vậy, tôi nghĩ quy định này đã làm khó không ít gia đình, nhất là những hộ cuộc sống còn khó khăn”, anh Đạt nêu.
Anh dẫn chứng một cặp vợ chồng cùng khu phố anh đã phải to tiếng với nhau vì khoản tiền “tự nguyện bắt buộc” lên đến 4 triệu đồng cho hai đứa con thứ 3 và 4. Đã vất vả vì “vỡ kế hoạch”, nay lại thêm gánh nặng tiền “tự nguyện thực hiện nghĩa vụ”, một số người không khỏi bức xúc trước quy định này.
Được biết, không chỉ riêng gia đình anh Đạt mà nhiều hộ ở một số phường khác tại TP Vinh như: Hà Huy Tập, Đội Cung… cũng phản ánh trước đó họ từng phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng vào quỹ dân số kế hoạch hóa gia đình do vợ chồng sinh con thứ ba trở lên. Đóng xong nghĩa vụ thì cán bộ tư pháp hộ tịch phường mới cấp giấy khai sinh cho con.
Biên lai “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng anh Đạt nộp cho phường |
Chính quyền nói gì?
Trước những thắc mắc của anh Đạt, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết vấn đề người dân vi phạm kế hoạch hóa gia đình và họ phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng vào Quỹ Dân số của phường là thực hiện Nghị quyết 170 HĐND tỉnh Nghệ An ban hành tháng 7/2015.
Cụ thể, nếu người nào vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì “xử lý theo quy định của pháp luật, bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và quy ước, hương ước của địa phương, tổ chức đoàn thể cơ sở”.
Ông Mạnh cho biết, chính quyền thực hiện trên tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh và khoản tự nguyện 2 triệu đồng đóng vào Quỹ Dân số phường. Đây là vấn đề thực hiện theo chỉ đạo từ trên xuống.
Vị chủ tịch phường nói thêm: “Chúng tôi không có khái niệm hoặc ban hành giấy tờ gì liên quan đến người sinh con thứ 3 phải phạt cả. Nhưng ở Nghệ An đang thực hiện dựa trên Nghị quyết số 170 của HĐND tỉnh. Chúng tôi vận động các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ cam kết không sinh con thứ 3 theo tinh thần chung. Trong cam kết ấy, có một điều mở (sau khi sinh thêm con thứ 3) thì các gia đình vi phạm cam kết phải đóng một khoản kinh phí tự nguyện vào quỹ dân số của địa phương. Tuy nhiên, khoản đóng góp đó thì tùy thuộc vào quy định của từng địa phương”.
Còn bà Dương Thị Bích Ngọc, cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình phường Vinh Tân cho biết, trước tỉ lệ sinh con thứ 3 còn cao, hàng năm phường đều cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số. Trong năm 2016, tỉ lệ sinh con thứ 3 tại phường là 13,5%. Cũng trong năm này, tỉ lệ hộ gia đình cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của phường ký bản cam kết đạt 92%.
Trong bản cam kết đó có nội dung các hộ gia đình nếu vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì “tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng” cho ban dân số, kế hoạch hóa gia đình địa phương.
Bà Ngọc khẳng định, chính quyền thu tiền của người dân trên tinh thần tự nguyện chứ không hề ép buộc. Cũng không có chuyện phải đóng tiền mới được làm giấy khai sinh.
Tuy nhiên, theo như lời anh Đạt, cán bộ có giải thích rằng nếu không đóng khoản tiền “tự nguyện” thì vẫn làm giấy khai sinh, nhưng khi nào “đóng xong nghĩa vụ” mới được lấy giấy khai sinh về.
Được biết, trong năm 2016, phường Vinh Tân đã thu được hơn 50 triệu đồng tiền gia đình vi phạm chính sách dân số của 25 trường hợp. Có 2 trường hợp không đóng khoản tự nguyện này.
Bà Ngọc cho hay, dù bản cam kết này mang tính “tự nguyện” nhưng người dân cũng cần có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp vào quỹ dân số, kế hoạch hóa gia đình để tái đầu tư vì dân số tăng nhanh sẽ gây áp lực đến các vấn đề dân sinh, xã hội khác.
“Đây không phải là hình thức phạt nhưng trên thực tế có khó khăn và mâu thuẫn, chúng tôi chỉ thực hiện theo nhiệm vụ trên giao”, nữ cán bộ dân số phường phân trần.