Bản án dân sự sơ thẩm của TAND Tp. Thái Nguyên được coi là có hiệu lực và đang chuẩn bị cưỡng chế thi hành, bỗng nhiên bị TAND tỉnh Thái Nguyên lôi ra xử… phúc thẩm vì cho rằng “chưa có hiệu lực”. Sự kỳ cục này xuất phát từ việc toà đã “trợ giúp” bị đơn để “làm lại cho rõ” nội dung kháng cáo. Và cho dù kháng cáo này là có thật thì việc mở phiên toà phúc thẩm cũng có nhiều khuất tất.
Cơ quan Thi hành án “kêu trời”
Theo Bản án sơ thẩm số 45/2009/ DSST (26/11/2009) của TAND Tp Thái Nguyên, chị Đinh Thu Thuỷ (phường Trưng Vương, Tp. Thái Nguyên) phải trả nợ cho anh Trần Văn Toản (phường Phan Đình Phùng, Tp. Thái Nguyên) hơn 887 triệu đồng. Ngoài ra, HĐXX còn quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo (về phong toả tài sản là ngôi nhà của chị Thuỷ) đến khi thi hành xong khoản nợ trên.
Không thấy thông báo về việc bản án bị kháng cáo kháng nghị, anh Toản có đơn yêu cầu thi hành án. Tháng 5/2010, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Tp. Thái Nguyên đã có Quyết định cho thi hành khoản thanh toán nợ nêu trên. Tuy nhiên, đến tháng 12/2010, khi đang chuẩn bị tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án thì cơ quan này nhận được thông báo của Toà Dân sự - TAND tỉnh Thái Nguyên rằng: “Đang tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm đối với vụ án” và “bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật”.
Nếu vậy thì Chi cục THADS Tp Thái Nguyên đã cho thi hành một bản án chưa có hiệu lực pháp luật? Một lãnh đạo cơ quan này cho hay: “7 tháng sau khi xử sơ thẩm mà không thấy có kháng cáo hoặc kháng nghị nên bản án đương nhiên là có hiệu lực. Việc chúng tôi cho thi hành bản án trên là đúng quy định”.
Hơn nữa, việc bản án có hiệu lực còn thể hiện qua việc TAND tỉnh Thái Nguyên từng có công văn yêu cầu hoãn thi hành án 3 tháng “để có thời gian xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” vào tháng 6/2010. Xem xét giám đốc thẩm tức là thừa nhận bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Tại sao sau đó 6 tháng, TAND tỉnh Thái Nguyên tự mâu thuẫn khi cho rằng, án sơ thẩm chưa có hiệu lực? Câu hỏi trên được bà Nguyễn Thị Thám - Chánh toà Dân sự TAND tỉnh Thái Nguyên- trả lời rằng: “Phải hỏi Chánh án Nhữ Văn Tâm- người ký công văn đề nghị hoãn thi hành án- mới biết được”
Sự thật về kháng của bị đơn?
Lý giải về việc xuất hiện phiên toà phúc thẩm, bà Thám cho hay: “TAND tỉnh đã yêu cầu TAND TP Thái Nguyên làm việc với bị đơn về nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm. Nếu bị đơn chỉ kháng cáo về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp thì sẽ không xử phúc thẩm. Nhưng chị Thuỷ xác định là kháng cáo toàn bộ bản án nên chúng tôi giải quyết theo thủ tục phúc thẩm”.
Đây thực sự là sự kiện hy hữu, không thấy được quy định trong luật bởi nội dung kháng cáo của đương sự không được thể hiện trong “Đơn kháng cáo” mà lại xuất hiện trong biên bản làm việc với…toà sau gần 1 kể từ khi có phiên xử sơ thẩm. Tại sao khi đơn kháng cáo không rõ, Toà án không yêu cầu bị đơn sửa đổi bổ sung và nộp ngay khi còn thời hạn kháng cáo? Rồi để Toà cấp phúc thẩm phải can thiệp mới có thể có được kháng cáo của bị đơn?
Theo dự kiến, hôm nay (24/12), TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên toà phúc thẩm nhưng theo thông tin từ Chi cục THADS thì đến thời điểm này, người kháng cáo vẫn chưa nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Nếu vậy thì việc chuyển hồ sơ của toà cấp sơ thẩm và thụ lý vụ án của toà phúc thẩm đã có sai sót nghiêm trọng vì hồ sơ thiếu biên lai nộp tạm ứng án phí phúc thẩm của bị đơn.
Kể cả có kháng cáo “ngược thời gian” thì bị đơn cũng phải bị coi là đã từ bỏ kháng cáo nếu không nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Không biết HĐXX phúc thẩm sẽ có phán quyết ra sao về kháng cáo “ngược” và “quên” án phí này?.
Khoa Lâm