Cần xem xét chứng cứ do luật sư cung cấp
Như PLVN đã từng thông tin tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã kết án các bị cáo Hàn Thị Phước (55 tuổi), Bùi Quốc Phòng (37 tuổi), Nguyễn Quốc Bình (36 tuổi), Đào Anh Tuấn (28 tuổi- đều trú tại Hà Nội) về tội “Vu khống” vì cho rằng họ đã bịa đặt chuyện bà Nguyễn Thị Hoa đặt ăn thịt nhím, đặt làm chuồng chim, chuồng gà rồi không trả tiền với mục đích hạ uy tín của bà Hoa.
Tuy nhiên, cho đến nay các bị cáo vẫn khẳng định việc bà Hoa quỵt tiền bữa thịt nhím (đặt ăn tại nhà riêng của một quan chức) là có thật. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, luật sư bào chữa còn cung cấp cho Tòa 2 đĩa DVD thể hiện việc các bị cáo đến nhà vị quan chức này để tìm lại đồ nấu ăn mà mình chưa kịp mang về. Nhưng kiểm sát viên (KSV) VKSND TP. Hà Nội lại kết luận rất mù mờ, cố tình lờ tịt tính xác thực về nội dung, hình ảnh của đĩa DVD này và cho rằng chúng không liên quan đến bữa thịt nhím. Thử hỏi, nếu không chế biến thịt nhím thì các bị cáo có được vợ quan chức này cho vào nhà để lục lọi tìm đồ nấu ăn của mình hay không?
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và hình ảnh trong đĩa DVD nói trên, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đều cho rằng bữa ăn thịt nhím tại nhà vị quan chức kia là có thật, có thời gian, không gian, địa điểm… cụ thể. Nếu nghi ngờ, tại sao cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không lấy lời khai những người trong gia đình của ông này hoặc xuống hiện trường (tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) để kết luận rõ có hay không có bữa thịt nhím. Vậy, lờ tịt chứng cứ quan trọng này mà Tòa cấp sơ thẩm vẫn cho rằng các bị cáo bịa đặt, có hành vi vu khống, hỏi có thuyết phục?
Ngoài chứng cứ về sự tồn tại của bữa tiệc thịt nhím thì việc bị cáo Nguyễn Quốc Bình đóng chuồng chim, mua chim cho bà Hoa và bà Hoa có nợ tiền công của Bình cũng là có thật. Tuy bà Hoa đã trưng ra chứng từ ghi tổng số tiền 60.365.000đ và cho rằng đã thanh toán cho Bình nhưng không rõ đây gồm những khoản nào, đã tính hết các khoản hay chưa? Toàn bộ chứng từ chỉ thể hiện đây là tiền ứng trước chứ không phải là hai bên đã quyết toán hết nợ với nhau. Giao dịch giữa hai bên không có hợp đồng bằng văn bản, chứng cứ chưa thể hiện được tổng tiền mà Bình làm cho bà bà Hoa là bao nhiêu? Hai bên cũng chưa đối trừ công nợ. Như vậy, làm sao Tòa có thể khẳng định bà Hoa đã trả hết nợ đối với bị cáo Bình được. Việc bị cáo Bình đòi tiền bà Hoa là có cơ sở chứ không phải vô căn cứ, thế mà Bình vẫn bị coi là bịa đặt?
Bắt buộc phải đối chất (?!)
Toàn bộ hồ sơ vụ án đều thể hiện có mâu thuẫn giữa lời khai bị hại và bị cáo. Thế nhưng, Điều tra viên (ĐTV) đã không để họ đối chất theo Điều 138 Bộ luật Hình sự mà vẫn tin vào nội dung tố cáo của bà Hoa để cáo buộc các bị cáo.
Trong 6 phiên xử sơ thẩm tại TAND TP.Hà Nội, bà Hoa vắng mặt cả 6 và ủy quyền cho luật sư “gánh cả hai vai”, vừa là người đại diện, vừa là người bảo vệ quyền lợi (việc ủy quyền cũng không hợp lệ).
Còn nhớ, tại phiên sơ thẩm ngày 30/9/2014, bị cáo Đào Anh Tuấn yêu cầu HĐXX “quá trình điều tra, ĐTV Vũ Huy Dũng có rất nhiều ép buộc và không đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của tôi trong quá trình lấy lời khai. Nay, tôi vẫn yêu cầu bà Hoa phải có mặt ở đây để làm rõ là chúng tôi có phạm tội hay không…?”. Ấy vậy mà HĐXX vẫn dõng dạc: “…Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của KSV, bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng…” để tuyên phạt các bị cáo về tội “Vu khống”.
Dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở lại vào ngày 11/5 tới đây để làm rõ sự thật và những uẩn khúc mà các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa làm được./.