Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp hôm qua (7/3), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 tổng thu NSNN thực hiện đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng (9,4%) so với dự toán; tăng 69,37 tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Tổng chi NSNN năm 2015 là 1.262,87 nghìn tỷ đồng, bằng 110,1% (tăng 115,77 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đầu năm, tăng 99,37 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Với kết quả nêu trên, bội chi NSNN năm 2015 là 256 nghìn tỷ đồng trong phạm vi dự toán điều chỉnh. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương đều được đảm bảo, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không phải sử dụng đến 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp Quốc hội đã cho phép. Tuy nhiên, do cân đối NSNN năm 2016 tiếp tục chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm, vì thế trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn 10 nghìn tỷ đồng bán cổ phần sở hữu nhà nước chưa sử dụng chuyển sang năm 2016 để có nguồn thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 là 1,846 triệu tỷ đồng.Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4,0 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm (2016 – 2020).
Tuy nhiên, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN phải thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên đầu tiên cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và 5 năm của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.