Khởi nghiệp từ việc mở quán café tuy không phải là hình thức kinh doanh mới mẻ, nhưng cùng với những mô hình kinh doanh mới, các cách làm mới đã biến những quán café đơn thuần thành những mô hình hiện đại hơn, phá cách hơn và linh hoạt hơn, mà trong đó phải kể đến là hình thức café take-away.
Ưu điểm của hình thức này là có thể kết hợp với quán café thông thường để làm thành một dịch vụ gia tăng của quán, tức là ngoài việc sử dụng đồ uống tại chỗ thì khách có thể gọi đồ và mang đi. Ngoài ra, café take-away cũng có thể đứng độc lập, chỉ chuyên phục vụ đồ uống cho khách “di chuyển”, gọi đồ, mang về.
Với cách làm thứ hai thì hình thức này không cần mặt bằng quá lớn, do đó sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá chi phí về diện tích, không gian quán. Chính vì thế nhiều ứng viên kinh doanh đã quyết định lựa chọn hình thức này để khởi sự kinh doanh. Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý khi bắt tay vào làm café take-away:
1. Địa điểm
Địa điểm luôn là yếu tố quan trọng dù địa điểm đó không chiếm quá nhiều diện tích. Với take-away, một quán café có thể không to, không quá hoành tráng và bề thế nhưng bù lại là thuận tiện cho cung đường di chuyển của khách, thuận tiện cho việc dừng/đỗ xe, dễ tìm, dễ nhìn thấy và “bắt mắt” được khách hàng, từ đó gợi mở được nhu cầu của khách vãng lai là điều hết sức cần thiết.
Một trong những địa điểm mà giới kinh doanh café thường quan tâm là khu vực gần trường học, gần các khu dân cư, tòa nhà thương mại, các khu phố đi bộ… hoàn toàn phù hợp với tiêu chí tiện lợi, nhanh chóng khi gọi đồ của khách hàng.
Và như vậy, diện tích được cho là lý tưởng để có thể mở một quán café take-away thường dao động trong khoảng từ 12-16m2 hoặc lớn hơn, tùy vào ý đồ của người kinh doanh.
2. Chất lượng và danh mục thực đơn
Mô hình café mang về, để việc kinh doanh không bị chết yểu như nhiều trào lưu khác đã từng xuất hiện như trào lưu chè khúc bạch, trà chanh, người kinh doanh nên chú ý đến chất lượng sản phẩm, nhất là với hình thức kinh doanh này, giá cả đồ uống thường khá rẻ, dễ dẫn tới tâm lý hồ nghi từ phía khách hàng lo ngại café trộn hóa chất, nước tạo màu/tạo mùi, café trộn đậu nành.
Hơn nữa, thực đơn nên được bổ sung sao cho đa dạng, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu sử dụng của khách mua mang về. Ngoài cafe là thức uống chủ đạo, bạn cũng nên cung cấp nhiều loại đồ uống khác mà giới trẻ ưa thích như các loại thức uống đá xay, thức uống làm từ trà hay đồ uống dinh dưỡng…Nhiều quán kết hợp cả việc bán các loại quả dưới dạng gọt sẵn, làm sản phẩm bán kèm cũng rất tiện lợi cho khách.
3. Xác định nguồn vốn đầu tư và chi phí
Tùy vào quy mô của quán mà bạn cần xác định vốn đầu tư và chi phí bỏ ra. Có 2 loại chi phí bạn cần quan tâm khi kinh doanh quán cafe take away:
• Chi phí cố định: Chính là tiền thuê mặt bằng kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, chi phí đăng ký kinh doanh, thiết kế trang trí quán, tiền mua nguyên vật liệu trong thời gian đầu, phí dành cho quảng cáo quán cafe và những chi phí phát sinh khác.
• Chi phí hàng tháng: Tiền phải chi trả cố định hàng tháng như tiền nhân công, điện nước, tiền nguyên vật liệu, thuế, cùng các khoản phải đóng góp khác.
4. Chiến lược marketing cụ thể
Hiện nay, kênh quảng cáo, marketing được đánh giá là hiệu quả đối với mô hình này là thông qua phương pháp: quảng cáo trực tiếp và thông qua mạng xã hội.
• Quảng cáo trực tiếp: Bằng việc PR hình ảnh, thực đơn hấp dẫn trực tiếp tới những đối tượng khu vực xung quanh quán trong phạm vi bán kính 3-5km sẽ góp phần thu hút được sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh đó, hình ảnh của quán sạch sẽ, bắt mắt, ấn tượng cũng là điểm ấn tượng ban đầu gây thiện cảm cho khách hàng trước khi quyết định sử dụng sản phẩm của quán.
• Quảng cáo trên mạng xã hội: Tuyên truyền, thông tin qua Facebook để nhiều người biết đến quán hơn cũng là cách làm được nhiều người lựa chọn khi khởi sự quán café take-away.