Khởi nghiệp từ dưa kiệu
Còn nhớ, anh Trần Minh Tân là người đầu tiên của huyện Tam Nông đoạt giải Ba tại vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần thứ 1 năm 2015” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - BSA phối hợp đơn vị chức năng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với Dự án “Dưa kiệu”.
Tiếp đó, anh Tân là một trong 10 gương mặt điển hình tiên tiến được chọn làm diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và quá trình khởi nghiệp của mình. Anh Tân đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen!
Qua trao đổi, anh Tân cho biết: Hằng năm, nông dân Tam Nông trồng hơn 100 ha cây kiệu tập trung nhiều tại xã Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Cường và thị trấn Tràm Chim. Từ đó, cây kiệu đã gắn bó với đời sống của người dân Tam Nông và là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu.
Tuy nhiên, đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả còn bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều yếu tố cung - cầu của thị trường. Có năm, nông dân mở rộng diện tích canh tác kiệu nhiều thì bị mất mùa - rớt giá; có năm nông dân thu hẹp diện tích trồng kiệu thì gặp trúng mùa - trúng giá hoặc mất mùa - trúng giá.
Sản phẩm dưa kiệu đen của anh Trần Minh Tân. |
Xuất phát từ thực tế nêu trên, anh Tân đã quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả và bền vững cho cây kiệu Tam Nông bằng việc xây dựng thương hiệu đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp để bán cho khách du lịch và người tiêu dùng ở đô thị. Công việc này bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Để có được sản phẩm dưa kiệu ngon, thơm, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách và người tiêu dùng, anh Tân đã đề xuất và được UBND xã Phú Hiệp chấp thuận, ban hành quyết định thành lập Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu, với bốn thành viên, do anh Tân làm tổ trưởng.
Với 11.000 m2 đất chuyên canh cây kiệu nguyên liệu, Tổ hợp tác đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thanh niên ở địa phương. Bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc và thu hoạch kiệu, anh Tân còn thực hiện thành công việc chế biến dưa kiệu đóng hộp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, Tổ thanh niên làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng của anh Tân đã xuất bán ra thị trường 500 hộp dưa kiệu các loại; vào dịp lễ, Tết tiêu thụ được hơn 1.000 hộp dưa kiệu…
Sản phẩm “kiệu đen Paparinka”. |
Sản phẩm “kiệu đen Paparinka” mới lạ
Với mong muốn nâng cao chất lượng và giá trị của củ kiệu tươi quê nhà Phú Hiệp, anh Tân hiện đang hợp tác cùng một người bạn nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm “kiệu đen Paparinka”!
Nguyên liệu chính sản xuất ra sản phẩm “kiệu đen Paparinka” vẫn là củ kiệu. Kiệu được mua về, cắt lá và rễ, rửa sạch, phơi khô rồi đưa vào máy để xử lý nhiệt độ và ủ lên men khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng mới cho ra sản phẩm “kiệu đen”. Sau đó, sản phẩm được đưa vào keo, đậy nắp, dán nhãn và cho vào hộp giấy thành phẩm “kiệu đen Paparinka”, với trọng lượng 150 gram, 270 gram... Do tỷ lệ hao hụt cao nên trung bình 10 kg kiệu tươi chỉ cho ra 200 gram kiệu đen thành phẩm với tỷ lệ 1/50.
Bước đầu, sản phẩm “kiệu đen Paparinka” của anh Tân đã được người tiêu dùng ưa chuộng, có nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp nhận phân phối sản phẩm. Bởi, đây là đặc sản địa phương, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không chất bảo quản, có hương vị đặc trưng, hậu ngọt nhẹ, thơm ngon, tốt cho xương, cơ và hệ tiêu hóa, giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đau tim, cải thiện khả năng miễn dịch…
Anh Trần Minh Tân chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp với kiệu đen. |
Anh Trần Minh Tân bày tỏ: “Cơ sở đang hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ vốn xây dựng kho chứa nguyên liệu, thành phẩm và mua sắm thêm các máy móc phục vụ sản xuất hiện đại, theo hướng công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…”.
Lãnh đạo chính quyền địa phương xã Phú Hiệp đánh giá rất cao dự án sản xuất “kiệu đen Paparinka” của anh Trần Minh Tân. Vì đây là dự án khá mới mẻ và có điều kiện tốt để phát triển “tài nguyên bản địa”, với vùng trồng kiệu truyền thống. Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa “kiệu Phú Hiệp” gồm các sản phẩm: Củ kiệu khô, củ kiệu chua ngọt, củ kiệu tươi, dịch vụ mua bán củ kiệu, dịch vụ quảng cáo, quảng bá sản phẩm...
Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để anh Tân tiếp tục phát triển dự án của mình. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho anh Tân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển dự án của mình.
Ở huyện Tam Nông có nhiều người luôn nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo và khởi nghiệp thành công, với nhiều mô hình hấp dẫn. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách cụ thể để nhân rộng những mô hình khởi nghiệp, góp phần vào tiến trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.