Theo dự kiến, ngày 24/5/2013, TAND tỉnh Hà Nam mới có thể tuyên án vụ án yêu cầu chia di sản mà Tòa đã xét xử trước đó 1 tuần vì lý do vụ việc “phức tạp”. Thực tế, cũng chính vụ án này, TAND huyện Lý Nhân chỉ tuyên án sau gần 30 phút nghị án. Sự việc trên khiến cho cả luật sư và đương sự không thể hiểu lý do chính của việc chậm tuyên án là gì?
Theo nội dung vụ án, anh Chu Văn Đạt khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế của bố anh là ông Chu Văn Giản, hiện đang do bà Trần Thị Mai quản lý, sử dụng. Bà Mai là người chung sống “như vợ chồng” với ông Chu Văn Giản từ khá lâu và theo lời khai của nhiều nhân chứng thì mối quan hệ “vợ chồng” này chỉ công khai từ khoảng năm 1990.
Trong thời gian chung sống như vợ chồng với ông Giản, bà Trần Thị Mai ở tại ngôi nhà của ông Giản tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân. Năm 2000, ông Chu Văn Giản qua đời, căn nhà và diện tích đất mà ông tạo lập đã được bà Trần Thị Mai và hai con tiếp tục sử dụng.
Theo hồ sơ sử dụng đất của ông Giản được tòa án thu thập thì ông Chu Văn Giản được cấp 44m2. Trong quá trình sử dụng đến năm 1995, ông Chu Văn Giản đã vượt lập và sử dụng 101m2. Thời điểm đó, chính quyền kiểm tra và xác định việc sử dụng đất của ông Giản là vượt quá diện tích được cấp. Sau khi ông Giản mất, năm 2006 ông Trần Văn Hùng, em trai bà Mai đã tự ý kê khai thừa đất trên cho bà Mai. Trên cơ sở này UBND huyện Lý Nhân đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mai.
Việc UBND huyện Lý Nhân cấp “sổ đỏ” không đúng pháp luật cho bà Mai đã khiến bà Chu Thị Đan, vợ ông Giản, và các con ông Giản khởi kiện đòi chia tài sản thừa kế của ông Chu Văn Giản mà bà Trần Thị Mai đang chiếm giữ, đồng thời đương sự cũng đòi hủy bỏ sổ đỏ cấp trái pháp luật. Vụ việc được TAND huyện Lý Nhân thụ lý giải quyết.
Theo nhận định của TAND huyện Lý Nhân tại bản án sơ thẩm ngày 30/10/2012 thì bà Trần Thị Mai chung sống như vợ chồng với ông Giản là bất hợp pháp, không phải là hôn nhân thực tế như trình bày của bà Mai. Mối quan hệ này không chỉ bị bà Đan phản đối bằng việc đánh ghen, gia đình ông Giản không chấp nhận mà còn vi phạm chế độ một vợ một chồng được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 quy định vì thời điểm chung sống “như vợ chồng” với bà Mai, ông Giản đã có vợ hợp pháp là bà Chu Thị Đan. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ngay bà Mai không có tài sản chung với ông Giản và cũng không được hưởng di sản của ông Giản.
Về di sản của ông Giản, bằng các tài liệu có được, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ rõ nguồn gốc và quá trình hình thành tài sản 101m2 đất. Theo đó, ông Giản sử dụng đất từ năm 1987, với diện tích 44m2. Trong quá trình sử dụng, ông Giản đã vượt lập và thửa đất nay là 101m2. Mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch nên thuộc trường hợp nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, trên đất có tài sản của ông Giản nên là di sản được chia theo quy định của pháp luật.
Với những đánh giá khách quan trên, Tòa án huyện Lý Nhân đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà Đan và Chu Văn Đạt, thực hiện việc chia thừa kế di sản của ông Giản cho những người thừa kế của ông. Đối với bà Trần Thị Mai, Tòa xác định việc chung sống như vợ chồng với ông Giản là vi phạm chế độ một vợ một chồng, không phải là “hôn nhân thực tế” nên không có tài sản chung và không được hưởng di sản, nhưng xét công sức quản lý, trông nom tài sản, Tòa đã trích khối di sản để chia cho bà Mai gần 340 triệu đồng.
Các tình tiết trong vụ an này đã rất rõ ràng. Thế nhưng, ngày 17/5/2013, khi TAND tỉnh Hà Nam xét xử thì phúc thẩm thì vụ án lại trở thành vụ án “phức tạp” khiến tòa phải kéo dài thời gian nghị án 1 tuần. Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, mọi chứng cứ và lý lẽ đã được các đương sự làm rõ tại tòa và VKSND tỉnh Hà Nam cũng đã đề nghị bác yêu cầu đòi quyền “tài sản chung” cũng như quyền thừa kế của bà Mai. Việc nghị án kéo dài đối với một vụ án như trên liệu có phải là chuyện “bình thường”?
Xung quanh vấn đề nghị án kéo dài khiến dư luận rất quan tâm, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Cty luật TNHH Fanci:
Luật sư Nguyễn Văn Tú |
Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật thì thời gian nghị án được kéo dài bao lâu?
- Theo nguyên tắc xét xử liên tục thì sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX phải nghị án và tuyên án. Do đó, hầu hết các vụ án thì HĐXX thường nghị án và tuyên án ngay trong ngày xét xử. Các trường hợp kết thúc việc tranh luận đã hết giờ làm việc thì mới kéo dài sang ngày hôm sau. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định, các vụ án phức tạp thì HĐXX được nghị án kéo dài nhưng không quá 5 ngày làm việc.
Theo ông, đây có phải là vụ án phức tạp hay không? Việc kéo thời gian nghị án trong vụ án này có phải là lạm dụng quy định kéo dài thời gian nghị án, thưa ông?
- Cũng với hồ sơ vụ án này, cấp sơ thẩm chỉ nghị án trong khoảng thời gian 30 phút và hồ sơ vụ án được cấp sơ thẩm thu thập khá đầy đủ, các tình tiết rõ ràng nên tôi cho rằng, đây không phải là một vụ án phức tạp. Các vụ án phức tạp thường thấy là các vụ án lớn, hồ sơ nhiều, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn và có nhiều tình tiết cần phải xem xét thì mới cần kéo dài thời gian nghị án. Hiện nay, cũng có nhiều vụ án mà khi tranh luận xong, HĐXX không tuyên ngay mà kéo dài thời gian nghị án đến ngày hôm sau hoặc nhiều ngày sau. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo dài không có căn cứ trên vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, dễ phát sinh tiêu cực vì đương sự có thể “tiếp cận” HĐXX trong thời gian kéo dài này. Tôi cho rằng, ý kiến này cũng cần phải xem xét.
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh