Sau khi nhận được đơn kêu oan cho chồng là Phạm Văn Hải của bà Lê Thị Bình, trong đó có nội dung đề nghị chuyển thẩm quyền điều tra lên cơ quan điều tra cấp trên để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong quá trình điều tra lại vụ án, Cục cảnh sát hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát đã có công văn do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến ký Chuyển đơn kêu oan trên đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chia sẻ với PLVN về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật Interla cho biết: “Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, với rất nhiều đơn kêu oan của vợ bị cáo Phạm Văn Hải và những đơn kiến nghị của luật sư bào chữa được gửi đến các cơ quan chức năng, tôi tin sẽ có những phản hồi tích cực trở lại. Vụ án Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được làm sáng rõ, ông Hải sẽ được minh oan.
Bởi trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 21/5, đại diện VKSNDTC cũng nhận định: Kết quả điều tra không đủ cơ sở để xác định ông Hải có hành vi lừa đảo. Sau giờ nghị án, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án. Bên cạnh đó Tòa phúc thẩm cũng khởi tố tại Toà kế toán trưởng của Cty BĐS Hà Đông là Phạm Thu Thuỷ (vợ bị cáo Ngô Xuân An) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và xác định lại tội danh mà các bị cáo phạm phải là tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cấp sơ thẩm đã khởi tố, truy tố, xét xử”.
Lý giải về việc bà Lê Thị Bình cũng như Văn phòng luật Interla gửi kiến nghị chuyển thẩm quyền điều tra, luật sư Hòe cho rằng việc làm này là rất cần thiết, bởi ở cấp sơ thẩm, rất nhiều lần Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ được những vấn đề còn khúc mắc trong vụ án.
Tại Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung ngày 30/12/2013, TAND TP. Hà Nội đã yêu cầu: “Điều tra, xác minh và làm rõ về thời điểm (giờ, phút) Phòng giao dịch số 11 Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tây nhận 500.000.000 đồng (do chị Trần Thị Hoa nộp) và thực hiện tác nghiệp chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Đức Hoè (chồng bà Lan) ngày 29/3/2011”. Và trong chính Bản kết luận điều tra bổ sung ngày 20/02/2014, cơ quan điều tra đã kết luận về thời điểm tiến hành các thủ tục nói trên tại Ngân hàng là “hồi 15 giờ 50 phút 35 giây ngày 29/3/2011”.
Điều này hoàn toàn khác với thời điểm mà bị hại Mười và Phạm Thu Thuỷ đã khai nhận tại các bút lục trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên toà sơ thẩm. Bị hại Mười khai kết thúc việc giao nhận tiền cho vợ chồng Ngô Xuân An, Phạm Thu Thuỷ vào hồi 16h 30 ngày 29/3/2011; Phạm Thu Thuỷ khai sau khi nhận tiền của chị Mười thì Phạm Văn Hải chỉ đạo và chị Thuỷ đã chuyển tiền vào tài khoản của ông Hoè vào chiều cùng ngày 29/3/201”.
“Bằng suy luận thông thường cũng có thể thấy rõ nếu như sau 16h 30 phút thì không ngân hàng nào tiến hành giao dịch nữa, chưa kể đến nhiều chứng cứ khác chứng minh sự vô can của ông Hải trong vấn đề này. Thế nhưng Cơ quan điều tra, VKS và Toà án cấp sơ thẩm vẫn cáo buộc ông Hải phải chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt của bà Mười số tiền gần 2,3 tỷ đồng” – luật sư Hòe cho biết.
Còn trong Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung ngày 13/5/2014, TAND TP. Hà Nội đã yêu cầu điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ và làm rõ về hành vi có dấu hiệu phạm tội của Phạm Thu Thuỷ về việc nhận, chiếm đoạt và sử dụng số tiền 9,6 tỷ đồng của chị Mười, tuy nhiên cơ quan điều tra lại khẳng định Thuỷ không phạm tội.
Cũng trong Quyết định này, Toà án yêu cầu làm rõ về sự có mặt và vai trò tham gia của Hải về việc thảo luận, giới thiệu và hứa hẹn chị Nguyễn Thị Mười và chị Nguyễn Thị Thanh Yên đến trụ sở Công ty cổ phần bất động sản Hà Đông vào chiều ngày 27/3/2011. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã không hề xem xét đến lời khai của người làm chứng (là bà Yên và ông Đức) luôn khẳng định là không có mặt ông Hải tại thời điểm bà Mười đến giao dịch với An Thuỷ, ngược lại vẫn cáo buộc ông Hải chủ mưu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Mười.
Một nội dung đặc biệt quan trọng nữa trong Quyết định này là yêu cầu làm rõ thời điểm và mục đích, lý do, động cơ của việc bị cáo Hải xác lập các giấy tờ mà chị Mười đã nhận, cũng không được cơ quan điều tra làm rõ và có kết luận chính xác, khách quan. Thời điểm ông Hải lập bộ giấy tờ này là vào hồi tháng 9/2010, cách hơn nửa năm trời so với thời điểm bà Mười đến gặp vợ chồng An, Thuỷ để tiến hành giao dịch mua bán đất vào cuối tháng 3/2011 và thời điểm bà Mười được An đưa cho bộ giấy tờ này vào khoảng tháng 6/2011.
Thông báo về việc chuyển đơn của Cục Cảnh sát hình sự. |
Còn tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm, các cơ quan này đều quy kết ông Hải đã sử dụng số tiền 2,3 tỷ chiếm đoạt của bà Mười để chuyển tiền cho chị gái và mua xe ô tô Camry. Tuy nhiên, cáo buộc này là không chính xác bởi số tiền chi tiêu nói trên là của riêng gia đình và cá nhân ông Hải, không liên quan gì đến tiền mà vợ chồng An, Thuỷ chiếm đoạt của bà Mười. Bởi thời điểm Thuỷ chuyển tiền cho chị gái ông Hải xảy ra trước thời điểm mà bà Mười, bà Yên rút tiền xong ở Quỹ tín dụng và đến giao tiền cho An, Thuỷ. Hơn nữa, loại tiền mà Thuỷ chuyển đi là loại tiền lẻ gồm nhiều mệnh giá do bà Hạnh (chị gái ông Hải) thu gom từ việc bán hàng, từ việc huy động vay mượn, còn tiền bà Mười mang đến là tiền chẵn do được rút từ Quỹ tín dụng.
Ngoài ra còn có toàn bộ chứng cứ chứng minh nguồn gốc số tiền chuyển cho chị gái ông Hải và số tiền mua xe ô tô như: thông tin chuyển tiền tại ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tây; thông tin rút tiền tại ngân hàng VIB chi nhánh Ba Đình mà chị Phạm Thị Hoài (nhân viên của Thủy) là người làm chứng. Những căn cứ, chứng cứ này đã được các luật sư và gia đình ông Hải xuất trình nhưng hoàn toàn không được các cơ quan này xem xét, đánh giá và ghi nhận.
Về số tiền 9,6 tỷ đồng của bà Mười, cơ quan điều tra cũng không xác định được ai là người chiếm đoạt, chi tiêu. Cơ quan điều tra chỉ kết luận chung chung là ông Hải phải chịu trách nhiệm với số tiền gần 2,3 tỷ đồng còn An phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng trong khi trên thực tế thì Thuỷ là người trực tiếp chi hết toàn bộ số tiền của bà Mười…
"Hoàn toàn có thể thấy rằng cơ quan điều tra đã không khách quan, toàn diện khi tiến hành điều tra vụ án nên mới để xảy ra nhiều sai phạm như vậy. Điều này rất dễ dẫn đến sự mất niềm tin sâu sắc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động tố tụng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là những sai phạm này lại diễn ra ngay tại thời điểm Quốc hộ đang thảo luận và công luận đang rất quan tâm về vấn đề oan sai và nguyên tắc suy đoán vô tội. Cơ quan điều tra hoàn toàn không xác minh được sự thật vụ án, dù đã được trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Do vậy khi HĐXX cấp phúc thẩm đã ra quyết định huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại thì cần thiết phải có một cơ quan khác tiến hành điều tra để vụ án được xem xét, đánh giá và điều tra một cách khách quan nhất, toàn diện nhất, tránh oan sai cho người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm" - luật sư Hòe nói./.