[links()]Vụ việc đã được Công an huyện Phú quốc xác minh và báo cáo về Công an tỉnh Kiên Giang từ lâu nhưng tất cả đều rơi vào im lặng khiến dư luận tại Phú Quốc bức xúc và đặt nhiều nghi vấn…
Vợ chồng bà Minh hiện đang bị bệnh tật nhưng vẫn phải đội đơn đến Công an tỉnh Kiên Giang kêu cứu |
Sự im lặng khó hiểu của công an tỉnh
Vừa qua, PLVN liên tiếp “Lật tẩy màn kịch mua bán đất đảo ngọc của băng nhóm ‘quý bà áo đỏ”, đặt nghi vấn: Ai chống lưng cho băng nhóm bà Lý “áo đỏ” lộng hành? Hiện một số nạn nhân trực tiếp tục tố cáo hành vi lừa đảo của bà Lý.
Theo đó, ngày 23/7/2007 bà Lý ký hợp đồng bán cho ông bà Vũ (tên đã thay đổi theo yêu cầu của nạn nhân) cư ngụ tại quận 10-Tp.HCM 6.600m2 đất với giá 1,9 tỷ. Diện tích đất này là của ông Trương Thanh Long cư ngụ tại Đá Chồng-Bãi Thơm-Phú Quốc. Đất ông Long chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Trong hợp đồng qui định: bà Lý phải làm thủ tục đăng ký sổ đỏ mang tên ông Long và phải giao sổ đỏ này cho vợ chồng ông Vũ để người mua làm thủ tục sang tên tài sản qua mình. Khi diện tích đất trong hợp đồng mua bán được cấp sổ đỏ, theo hợp đồng bà Lý phải giao sổ đỏ này cho vợ chồng ông Vũ nhưng bà Lý không giao mà mang hai sổ đỏ này thế chấp cho người khác để vay tiền.
Xác minh tại Phòng Công chứng Phú Quốc thì hai sổ đỏ này được bà Lý làm hợp đồng ủy quyền cho ông Lê Bá Lộc cư ngụ tại phướng 15-Phú Nhuận-Tp.HCM và bà Nguyễn Thị Lan Thảo cư ngụ tại Dương Đông-Phú Quốc để vay tiền. Trong hợp đồng ủy quyền này ông Lộc và bà Thảo được quyền quản lý, sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê, tách thửa, đổi giấy, nhận giấy, nhận tiền bồi hoàn (nếu có). Với nội dung ủy quyền này thì bản chất là bà Lý đã lấy tài sản của vợ chồng ông Vũ bán cho người khác. Ông Vũ tố cáo thì bà Lý làm cam kết hứa đến hạn chót là ngày 30/3/2013 sẽ chuộc sổ về giao cho vợ chồng ông Vũ(?!)
Một điều tra viên (giấu tên) của Công an huyện Phú quốc cho biết: “Sau khi nhận đơn tố cáo của ông Khải tố cáo bà Lý lừa đảo (bà Lý bán cho ông Khải 3 thửa đất với tổng số tiền 6,4 tỷ nhưng lại mang 3 thửa đất này bán và cầm cố cho người khác) chúng tôi đã tiến hành xác minh. Kết quả xác minh cho thấy bà Nguyễn Thị Lý có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác, kết quả này đã được báo cáo về Công an tỉnh”. Vụ việc cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi dư luận tại Phú Quốc rất bức xúc khi thấy Lý “áo đỏ” vẫn ung dung đi lại giao dịch mua bán đất trên đảo.
“Người gác cửa" không tròn vai
Tổng cộng số tiền “cặp đôi” Nguyễn Văn Khanh và Nguyễn Thị Lý lừa đảo người dân các nơi sơ bộ đã lên đến 124,6 tỷ đồng. Tất cả số tiền này Khanh-Lý được mọi người tin tưởng giao cho đều vì tin vào những hợp đồng công chứng đặt cọc, hay là hợp đồng ủy quyền đất đai. Cơ sở pháp lý nào để công chứng viên Trương Thanh Danh- Trưởng phòng công chứng Phú Quốc công chứng tất cả các hợp đồng nói trên. Làm việc với PLVN ông Danh cung cấp một số hồ sơ công chứng để chứng minh cơ sở pháp lý của mình. Nhưng thật bất ngờ, đa số những hợp đồng đó đều dựa vào biên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất do cán bộ đo đạc lập ra.
Tìm hiểu tại Phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) huyện Phú Quốc thì những biên bản mô tả đó không có giá trị pháp lý gì. Ông Trần Văn Kiên- Phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phú Quốc cho biết: “Năm 2010, UBND huyện thuê Công ty Địa chính và công trình đo vẽ lại toàn bộ đất đai trên đảo để làm dữ liệu quản lý. Công ty này phát cho mỗi hộ dân một biên bản mô tả ranh giới thửa đất của mình. Biên bản này chỉ có giá trị tham khảo. Từ biên bản này đến việc xác lập quyền sử dụng cho người dân là một qui trình khắt khe. Người dân nào muốn đăng ký sổ đỏ thì phải ký giáp ranh tứ cận. Trưởng ấp ký xác nhận rồi nộp về xã. UBND xã lập hội đồng thẩm tra nguồn gốc đất, chữ ký giáp ranh tứ cận, thu thập thông tin, giấy tờ liện quan thửa đất xem có tranh chấp hay vướng qui hoạch không. Sau đó niêm yết công khai tại UBND xã 15 ngày. Đủ điều kiện mới đưa về Phòng TN-MT…”
Đơn cử một trường hợp: Ngày 23/6/2011 ông Khanh công chứng hợp đồng đặt cọc giữa ông Khanh và ông Lương Hoa Nam. Theo đó, ông Khanh bán cho ông Lương Hoa Nam 35171,4m2 đất với giá 4,2 tỷ. Thửa đất tọa lạc tại tờ bản đồ số 16, thửa 28. Trong biên bản mô tả đất không có chữ ký giáp ranh tứ cận của hộ dân nào ngoài chữ ký thửa đất giáp ranh số 1 của bà Hà Thị Tư, bà Tư là mẹ ruột của ông Khanh! Đặc biệt hơn, qua xác minh tại bản đồ địa chính thì tờ bản đồ 16 không có thửa số 28(?!)
Bình luận về tình huống này, một luật gia tại Kiên Giang nhận định: “Công chứng là thiết chế được coi như người “gác cửa” công lý, nhằm đảm bảo tính hợp pháp, an toàn của các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, góp phần sàng lọc, hạn chế yếu tố lừa đảo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp cá biệt của công chứng viên Danh, với các thông tin ban đầu như báo nêu cũng có thể thấy vị này đã không thực hiện không thực hiện đúng và đủ các quy trình, quy định tại Luật Công chứng, nên tạo kẻ hở cho hành vi lừa đảo”.
Ngọc Long