Ai chịu trách nhiệm khi dân theo luật mà oan?
Trong phiên giải trình việc ban hành Thông tư 16 /2010/TT-BXD- quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, (do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25/2/2014), nhiều ý kiến yêu cầu truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng, trách nhiệm bồi thường của cơ quan ban hành trong việc gây thiệt hại cho người dân. Chất vấn bộ Xây dựng, các thành viên UBQH đã đặt câu hỏi giải quyết hậu quả như thế nào đối với hàng loạt căn nhà phải “ôm” thêm cả tường, cả cột, cả diện tích sử dụng chung…
Tiếp đến, trong cuộc họp báo Văn phòng Chính phủ thường kỳ vừa qua, báo giới cũng “nóng” lên về trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với thiệt hại lớn của những người mua nhà theo cách tính tim tường.
Đặc biệt, trước những cuộc họp này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đã có văn bản khẳng định Thông tư 16 về hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư và 2 công văn hướng dẫn khác của Bộ Xây dựng là trái thẩm quyền.
Phản ứng lại bức xúc của dư luận, Bộ Xây dựng vẫn luôn bảo vệ quan điểm khi khẳng định quy định tại Thông tư 16 đúng thẩm quyền của Bộ cũng như bảo đảm tính hợp pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không trái với Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự và Nghị định 71/2010/NĐ-CP.
Thông tư 16 chỉ là một ví dụ gần nhất trong số những văn bản pháp luật được ban hành... trái luật. Theo một con số thống kê, sau 10 năm triển khai công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trên cả nước đã kiểm tra được 3,6 triệu văn bản, phát hiện được hơn 90 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm. Đáng chú ý, trong số đó có khoảng gần 10 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ.
"Thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật gây ra chưa được quy định trong Luật"
Gần 10 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm nội dung là một con số đáng giật mình. Hệ quả của sự sai phạm đó đối với đời sống xã hội chắc chắn còn đáng giật mình hơn nữa. Tuy nhiên, việc xử lý các văn bản đó chỉ dừng lại ở mức "âm thầm hủy bỏ". Còn việc ai sai, ai thiệt không được tính đến. Người đặt bút ký ban hành cũng chưa bị xem xét trách nhiệm. Đặc biệt, cũng chưa có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại do văn bản gây ra.
Trở lại với vấn đề của Thông tư 16, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trần Văn Toàn rất chia sẻ với những bức xúc của người dân phải bỏ tiền mua cả diện tích dùng chung. Tuy nhiên, ông Toàn cũng khẳng định người dân không thể đòi Bộ Xây dựng bồi thường thiệt hại. “Theo Luật TNBTCNN, người dân không có quyền đòi bồi thường thiệt hại do hành vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật gây ra” – LS Toàn phân tích.
Phát biểu về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn khẳng định: “Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường Nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Đồng ý đây là việc cực kỳ khó nhưng vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền”.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) hiện hành chỉ quy định TNBTCNN trong lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp, các thiệt hại gây ra trong quá trình thi hành án dân sự và hình sự. Còn các thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật gây ra chưa được quy định trong Luật, nên nằm ngoài trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tại phiên họp Ban soạn thảo Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trên cơ sở hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004) mới đây, vấn đề về trách nhiệm bồi thường trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng được nêu lên.
Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết sẽ phải tính đến vấn đề này khi xây dựng Luật. Ông tâm tư: “Liệu quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới đây sẽ lồng ghép như thế nào về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách nhiệm bồi thường mà dân rất day dứt”.