9 năm và 21 tỷ
Ông Lương Ngọc Phi (SN 1948, trú tại phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất tỉnh Thái Bình và số tiền TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi cũng là số tiền lớn nhất mà cơ quan tố tụng phải bồi thường cho người bị oan sai từ trước đến nay.
Trước đó, ngày 1/5/1998, ông Phi bị khởi tố, bắt giam về tội “Trốn thuế” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Ngày 29/9/1999, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh này.
Ngày 26/4/2000, bản án phúc thẩm của TANDTC tuyên ông Phi không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và hủy bản án sơ thẩm đối với tội “Trốn thuế” để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, ngày 12/12/2003, VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Ngay sau khi được minh oan, ông Phi đã tiến hành đòi bồi thường với số tiền yêu cầu bồi thường là 54 tỷ đồng, chia đều cho hai cơ quan TAND tỉnh và Công an tỉnh.
Qua 6 lần tiến hành thương lượng về số tiền bồi thường không thành, ông Phi đã khởi kiện hai cơ quan này ra TAND TP.Thái Bình và đề nghị tách vụ kiện thành hai vụ riêng. Vụ thứ nhất đòi bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất được xét xử năm 2009 đã tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi trên 600 triệu đồng cho 35 tháng bị giam oan.
Vụ thứ hai đòi bồi thường thiệt hại về tài sản cũng như thiệt hại do không khai thác được tài sản thì mãi đến tháng 8/2013 mới được đưa ra xét xử. HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của ông Phi đòi Công an tỉnh bồi thường và tuyên buộc TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi số tiền hơn 21 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.
Nhận định về vụ án trên, tham dự Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua – 3/12, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) cho biết, đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông Phi bị bắt lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai. Quá trình khởi kiện và yêu cầu đền bù của ông Phi kéo dài từ năm 2004 đến năm 2013 cho thấy sự lúng túng, chậm trễ của Nhà nước trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan sai.
Sẽ phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường?
Tại hội nghị, nhắc đến vụ án oan của ông Phi, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh cũng rất tâm tư khi mà thời gian gần đây, lĩnh vực tố tụng hình sự phát sinh một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Điển hình là vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên hủy hai bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên ông Chấn phạm tội “Giết người” và phải chấp hành hình phạt tù chung thân.
Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh |
Bà Hằng phản ánh, Luật và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hiện không quy định rõ về trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng đương sự không cung cấp hồ sơ, tài liệu do bị mất, khiến việc giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bà Hằng kiến nghị cần quy định cụ thể hơn nhằm giải quyết những trường hợp này cũng như xác định những căn cứ định giá, giám định lại nếu hai bên không đạt được thống nhất trong xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại.
Đến từ VKSNDTC, bà Trần Thu Hiền đề xuất bổ sung quy định về thời gian cơ quan nhà nước phải ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ, công chức là trái pháp luật khi nhận được yêu cầu của công dân và quy định chế tài đối với cơ quan nhà nước chậm trễ trong việc ban hành văn bản này; đồng thời bổ sung chế tài đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu để yêu cầu bồi thường hoặc lợi dung việc yêu cầu bồi thường nhằm mục đích vu khống, vụ lợi, làm giảm uy tín của cán bộ, công chức và các cơ quan công quyền.