Thẩm phán biến tội phạm thành tranh chấp
Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất không phức tạp nhưng đã bị kéo dài hơn 2 năm với nhiều vi phạm tố tụng gây bất bình cho đương sự và người dân, đặc biệt là cách giải quyết vụ án của thẩm phán.
Theo hồ sơ vụ kiện, bà Trần Thị Hoa khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải thực hiện nghĩa vụ giao và hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng cho bà 3 lô đất (ký hiệu H11- 48, H11- 49 và H11-50) mà bà đã ký kết hợp đồng mua của Công ty từ năm 2008.
Phía bị đơn là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư cũng xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng 3 lô đất trên với bà Hoa và bà Hoa đã thực hiện việc thanh toán đủ số tiền hơn 623 triệu đồng cho Công ty. Đồng thời, đầu năm 2013, Công ty đã giao 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân viên là ông Lê Phong làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Hoa. Thế nên, Công ty hoàn toàn không chối bỏ việc thực hiện hợp đồng này.
Với diễn biến như trên thì vụ kiện giữa bà Trần Thị Hoa và Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư thực chất là không có tranh chấp, vướng mắc gì. Chỉ có điều, 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất mà Công ty chuyển nhượng cho bà Trần Thị Hoa lại bị người thứ ba là ông Nguyễn Văn Thu nắm giữ, nhất quyết không trả cho Công ty. Lý do mà ông Nguyễn Văn Thu giữ giấy tờ này liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Lê Phong nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến các đương sự khác trong vụ kiện.
Theo đó, khi được Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư giao 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Hoa, ông Lê Phong không làm thủ tục cho bà Hoa mà đem số giấy tờ đến gặp ông Nguyễn Văn Thu và lừa dối ông Thu đây là “đất sạch” của Phong để gạ ông Thu mua. Tháng 6/2013, hai bên viết giấy tờ mua bán với nội dung ông Lê Phong bán cho ông Nguyễn Văn Thu 3 thửa đất này với giá 1,25 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ số tiền lừa bán đất cho ông Nguyễn Văn Thu, Lê Phong đã bỏ trốn.
Với hành vi này, Lê Phong đã bị khởi tố về tội lừa đảo và bị truy nã khi đã bỏ trốn cùng toàn bộ số tiền nhận của ông Nguyễn Văn Thu. Hậu quả là ông Thu bị mất tiền còn Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư và bà Trần Thị Hoa bị đình trệ giao dịch mua bán khi không có giấy tờ để hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Việc Lê Phong có hành vi lừa đảo đối với ông Nguyễn Văn Thu thì Lê Phong phải chịu trách nhiệm trong một vụ án hình sự. Thế nhưng, khi thụ lý vụ án, Thẩm phán Nguyễn Thành Quang đã ghép luôn hành vi lừa đảo của Lê Phong vào vụ án dân sự để giải quyết bằng việc cho ông Nguyễn Văn Thu tham gia tố tụng và được quyền đòi Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải trả số tiền mà Lê Phong đã chiếm đoạt. Bên cạnh đó, Tòa cũng yêu cầu Công ty phải có đơn phản tố để Tòa “hủy hợp đồng” giữa Lê Phong và ông Nguyễn Văn Thu để tòa giải quyết luôn một thể.
Đằng sau việc “biến hóa” hồ sơ của tòa án
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, đại diện của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư thì trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án này, thẩm phán thụ lý đã có một loạt việc làm “bất thường”, có dấu hiệu biến hóa hồ sơ để ưu ái cho đương sự là ông Nguyễn Văn Thu.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thu là bị hại của hành vi lừa đảo do Lê Phong thực hiện và “hợp đồng” mà Lê Phong ký với ông Nguyễn Văn Thu bản chất là thủ đoạn, hành vi lừa đảo của Lê Phong, không phải là giao dịch dân sự. Thế nhưng, thẩm phán lại cho là giao dịch giữa Công ty với ông Thu nên “bắt” Công ty phải làm đơn phản tố, yêu cầu Tòa hủy giao dịch này.
Điều đặc biệt, cách giải quyết vụ án của chủ tọa phiên tòa hoàn toàn trái pháp luật. Theo đó, ngày 5/10/2015, Tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định của pháp luật, thời điểm này không đương sự nào được đưa ra yêu cầu nữa. Ngày 18 và 19/11/2015, Tòa án đã mở phiên tòa xét xử và sau đó ngừng phiên tòa, yêu cầu bị đơn là Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải có đơn phản tố khiến cho đương sự phải khiếu nại đến Chánh án và Viện kiểm sát về hành vi ngừng phiên tòa không rõ lý do và không quyết định hoãn phiên tòa.
Tại sao Tòa lại “bắt” đương sự phải có đơn phản tố khi đã xét xử vụ án này? Câu trả lời nằm trong chính bản án của TAND TP Rạch Giá. Theo nhận định và quyết định của Tòa thì “giao dịch” giữa ông Lê Phong và ông Nguyễn Văn Thu ngày 13/6/2013 là “vô hiệu” ngay từ đầu vì lý do ông Phong là nhân viên của Công ty, không đủ thẩm quyền ký hợp đồng; hợp đồng không được công chứng, chứng thực. Do đó, Tòa hủy bỏ giao dịch vô hiệu này và Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Thu số tiền 875 triệu đồng (bằng 75% số tiền Phong đã chiếm đoạt của ông Thu).
Đến đây thì câu hỏi tại sao Tòa án lại bắt đương sự phản tố khi đã xét xử gần xong vụ án đã phần nào được hé lộ. Đó chính là việc Tòa “cột” trách nhiệm của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư đối với số tiền mà Lê Phong đã chiếm đoạt của ông Thu rồi bỏ trốn. Theo nhận định trong bản án, Tòa cho rằng, Lê Phong nhân danh Công ty để thực hiện giao dịch với ông Nguyễn Văn Thu nên giao dịch vô hiệu thì Công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Thu.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt, có dấu hiệu bất thường trong việc Tòa cho đương sự phản tố trái pháp luật với quyết định có lợi cho người liên quan của Tòa. Nếu không có yêu cầu phản tố hủy “hợp đồng vô hiệu” thì tòa không có cớ để xét “hợp đồng” mà Lê Phong ký với ông Thu và không có cớ buộc Công ty phải bồi thường cho ông Thu. Do đó, đơn phản tố chính là cái cớ để tòa ưu ái cho đương sự này và buộc đương sự khác phải gánh chịu hậu quả.
Việc Lê Phong dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ông Thu thì Lê Phong phải bồi thường mới đúng pháp luật. Việc TAND TP Rạch Giá buộc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Thu không chỉ là một quyết định trái pháp luật về dân sự khi buộc Công ty phải chịu tội thay Lê Phong mà còn biến hành vi phạm tội của Lê Phong thành dân sự, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm sau này mà còn gây mất lòng tin đối với việc xét xử của tòa án.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.