Nỗi đau âm thầm
Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam kể rằng, mỗi buổi sáng tại chùa Giác Ngộ nơi thầy trụ trì có một bà lão khoảng ngoài bảy mươi tuổi đến lễ, lạy trước tượng Bồ tát Quan Thế Âm.
Một hôm sư thầy quan sát thấy sau khi lễ Bồ tát, bà ngồi trầm ngâm với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thắc mắc, thầy Nhật Từ hỏi: “Điều gì khiến bà buồn đến độ phải khóc trước Đức Bồ tát Quan Thế Âm như vậy?”.
Bà trả lời: “Những đứa con của tôi đã trưởng thành, đều là kỹ sư, tiến sĩ. Chúng có cuộc sống ổn định và chu cấp rất chu đáo cho tôi. Chồng tôi cũng là người chồng lý tưởng, ở ông không có điểm gì đáng chê trách”. Sư thầy hỏi tiếp: “Vậy bà khóc vì cái gì?”.
Im lặng một lúc, bà mới chia sẻ rằng, thuở thanh xuân bà yêu một chàng trai nghèo, hai bên rất tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên gia đình bà không chấp nhận gả con vì không môn đăng hộ đối. Cha mẹ buộc bà phải lấy người chồng hiện tại. Khi bà lên xe hoa, người tình cũ viết cho bà một lá thư tuyệt mệnh trước khi tự tử.
Bà âm thầm ôm nỗi đau đó suốt mấy chục năm không dám nói với chồng, cũng không tâm sự với các con. Mỗi ngày đối diện trước bàn thờ Phật, bà thầm niệm chư Phật và Bồ tát Quan Thế Âm độ hương hồn người yêu tha thứ cho bà và siêu sinh thoát tử.
Có người chồng chung thủy, có được những người con hiếu kính, nói theo dân gian đây là mẫu gia đình lý tưởng, ấy thế mà, tâm của bà lúc nào cũng canh cánh nghĩ về người xưa. Bởi vì người đó đã ra đi và nguyện giữ trái tim chung tình của mình chứ không muốn bước với người nào khác, chỉ để chờ một kiếp sau…
Ở góc độ cuộc đời, đây là câu chuyện về mối tình buồn, nhưng ở góc độ suy nghĩ của người phụ nữ cho thấy bà tin rằng người yêu vì quá yêu thương mình nên sẽ chờ mình ở kiếp sau. Bản thân bà cũng thầm hẹn kiếp sau sẽ trả cho người yêu món nợ nhân duyên của kiếp này.
Hẹn gặp ở kiếp sau
Dân gian nói rằng, những người “hẹn nhau ở kiếp sau” như vậy, muốn thực hiện được lời hẹn ước thì phải không uống canh Mạnh Bà. Vậy canh Mạnh Bà là gì?
Văn hóa phương Đông (Phật giáo và Đạo giáo) đều cho rằng sau khi thọ mệnh, con người ta sẽ phải trải qua một chặng đường, rồi sau đó mới quyết định vong linh có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi: hoặc là lên trời hưởng phúc lành, hoặc đầu thai làm người hoặc loại động vật nào đó, hoặc bị xuống mười tám tầng địa ngục như trong truyền thuyết để chịu khổ hình.
Chặng đường mà mỗi người phải đi qua sau cái chết, đầu tiên là qua Quỷ Môn quan, rồi đến một con đường gọi là đường Hoàng Tuyền, hai bên đường nở rộ một loại hoa đẹp, chỉ thấy hoa nở không thấy lá xanh, người cõi dương gian gọi là hoa Bỉ Ngạn (hoa của cõi bên kia). Con đường này cần phải đi rất lâu rất lâu, đến cuối đường có một con sông nhỏ gọi là Vong Xuyên Hà.
Trên sông có một chiếc cầu đá gọi là cầu Nại Hà, đối diện bên kia của cây cầu có một gò đất gọi là Vọng Hương đài. Bên bờ sông còn có một tảng đá, gọi là Tam Sinh thạch (đá ba đời), ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người.
Đi qua cầu Nại Hà, đứng trên Vọng Hương đài nhìn nhân gian một lần cuối cùng, sau đó mới đi vào cõi âm tào địa phủ. Bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ gọi là đình Mạnh Bà. Ở đó có một người đàn bà tên Mạnh Bà trông chừng và đưa cho mỗi người qua đường một chén canh Mạnh Bà. Uống canh Mạnh Bà sẽ khiến người ta quên hết tất cả mọi chuyện.
Trong cuốn “Ngọc lịch sao truyện” có ghi chép rằng, Mạnh Bà sinh sống vào thời kỳ Tây Hán. Từ nhỏ bà đã học tập các loại sách của Nho gia. Sau khi lớn lên, bà chuyên tâm niệm tụng kinh Phật. Lúc sinh sống trên đời, bà tuyệt không nhớ về quá khứ, cũng không nghĩ những chuyện của tương lai mà chỉ toàn tâm toàn ý khuyên bảo mọi người đừng sát sinh, nên ăn chay.
Đến năm 81 tuổi, bà vẫn là một thiếu nữ trinh trắng. Người đời gọi bà là “Mạnh Bà A Nãi”. Sau đó, bà tiếp tục vào trong núi tu hành và cuối cùng đắc đạo thành Tiên. Vào thời Đông Hán, trên thế gian có nhiều người biết được chuyện kiếp trước và kiếp sau nên thường xuyên tiết lộ Thiên cơ (điều bí mật không thể tiết lộ). Vì vậy, Thượng thiên đặc mệnh cho Mạnh Bà làm thần ở âm phủ.
Mạnh Bà dùng những dược liệu của trần gian để điều chế thành một loại canh giống có tên là canh Mạnh Bà hay còn gọi là cháo lú.
Canh Mạnh Bà còn có một loại truyền thuyết nữa là, mỗi một người trong dương gian đều có một cái chén của mình ở tại nơi này, canh Mạnh Bà trong chén, thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của bản thân người ta khi còn sống. Mỗi một người khi còn sống, đều sẽ chảy nước mắt: hoặc vui, hoặc buồn, hoặc đau khổ, hoặc căm hận, hoặc sầu não, hoặc yêu thương …
Mạnh Bà thu giữ từng giọt từng giọt nước mắt của họ lại, đun nấu thành canh, khi họ rời khỏi nhân gian, đi đến đầu cầu Nại Hà, sẽ cho họ uống, quên hết yêu hận tình thù khi còn sống, kiền tịnh sạch sẽ, bắt đầu tiến nhập vào lục đạo, hoặc là tiên, hoặc là người, hoặc là súc sinh…
Mỗi một người đều phải đi qua cầu, Mạnh Bà đều sẽ hỏi có uống canh không, nếu muốn qua cầu, thì cần phải uống canh. Còn không uống canh, thì không qua được cầu Nại Hà, không được đầu thai chuyển kiếp. Nhưng không phải ai cũng tình nguyện uống canh bởi có những điều mà họ không muốn quên.
Vong Xuyên hà còn được gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, những trận gió tanh hôi tạt thẳng vào mặt. Vì để kiếp sau có thể gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này nên có người không uống canh Mạnh Bà mà chấp nhận nhảy vào Vong Xuyên hà bao đau đớn, đợi nghìn năm mới có thể đầu thai.
Trong nghìn năm đó, họ sẽ nhìn thấy người mà mình yêu thương nhất trong kiếp này đi trên đầu, nhưng không thể nói chuyện với nhau, vì mình thấy họ, nhưng họ lại không thấy mình. Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung không hề giảm đi, còn có thể nhớ được chuyện của đời trước, vậy thì có thể trở lại nhân gian, tìm kiếm người mà mình yêu nhất trong đời trước.
“Mạnh Bà thang”
Câu chuyện chặng đường sau cái chết và chén canh Mạnh Bà đúng sai thực hư thế nào không ai có thể chứng minh nhưng nghìn đời nay những người đã và đang yêu nhau vẫn tin như vậy. Và cũng vì lòng tin này mà họ lấy câu thề bồi: “Qua cầu Nại Hà không uống canh Mạnh Bà. Để kiếp sau còn nhớ, kiếp sau còn mãi đi tìm” để hẹn ước với nhau, để hứa với nhau một mối tình chung thủy.
Không chỉ lưu truyền trong dân gian, chén canh Mạnh Bà còn đi vào văn chương nghệ thuật. Tác giả Âu Dương Sảnh đã có truyện ngắn “Mạnh Bà thang” lấy được nước mắt của bao thế hệ người đọc.
Chuyện kể rằng có người con gái chết tức tưởi vì tai nạn giao thông trước lễ cưới chỉ một tháng. Khi xuống âm phủ cô được Mạnh Bà đưa cho chén canh bảo uống. Nhưng cô không uống vì vẫn nhớ lời hẹn thề với người yêu. Đau xót thay sau khi từ chối chén canh, cô tận mắt chứng kiến người yêu mình đã vội quên lời thề, có nhân tình mới.
Buồn đau, trở lại gặp Mạnh Bà lần nữa, những tưởng cô sẽ uống chén canh để quên đi, nào ngờ cô cầm lấy bát canh, lòng bộn bề suy nghĩ. Rồi bỗng cô hất bát canh xuống Vong Xuyên giang và chạy vụt qua cầu Nại Hà. “Đừng!” - Mạnh Bà kêu lên. Nhưng đã quá muộn, cô chạy lên chiếc cầu hình cầu vồng. Khi đến giữa cầu, bỗng cô trượt chân, ngã xuống sông Vong Xuyên.
Cả người cô rơi xuống. Nhưng đôi môi cô vẫn cười. Một giọt nước mắt trong suốt rơi trong không trung. Thân hình nhỏ bé của cô bị dòng nước sông đục ngầu nuốt trọn.