Một trong những nội dung được đưa ra lấy ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo liên quan đến vấn đề người thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL). Theo Thường trực Tổ biên tập, Đề án đổi mới nêu định hướng người thực hiện TGPL sau năm 2025 chỉ có luật sư cung cấp dịch vụ TGPL. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp thì vẫn còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng người thực hiện TGPL là luật sư và trợ giúp viên pháp lý tồn tại song song. Loại ý kiến thứ hai cho rằng người thực hiện TGPL là luật sư và trợ giúp viên pháp lý nhưng sau năm 2025, người thực hiện TGPL chỉ là luật sư.
Sau khi nghiên cứu, Thường trực Tổ biên tập cho rằng “đời sống” của một Luật thường khoảng từ 7 – 10 năm. Đến năm 2025, căn cứ vào khả năng thực hiện TGPL của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư, nếu có thể khẳng định được việc giao cho đội ngũ luật sư thực hiện TGPL thì lúc đó lại tiếp tục sửa Luật. Thường trực Tổ biên tập cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta và sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý hiện nay, việc tiếp tục kế thừa chức danh trợ giúp viên pháp lý là hợp lý.
Tuy nhiên, để đa dạng hóa người thực hiện TGPL, đa dạng hóa cách thức huy động luật sư tham gia thực hiện TGPL, Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) quy định 2 phương thức tham gia thực hiện TGPL của luật sư. Cụ thể, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng cộng tác với Trung tâm TGPL nhà nước. Đây là cơ chế linh hoạt nhằm tạo sự chủ động cho Nhà nước trong trường hợp số lượng vụ việc nhiều hoặc tính chất phức tạp… Phương thức còn lại thì luật sư là thành viên của tổ chức tham gia TGPL, thực hiện TGPL theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý TGPL/Trung tâm TGPL nhà nước với tổ chức tham gia TGPL.
Kiên trì quan điểm của Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh cho rằng, vẫn cần bổ sung người thực hiện TGPL là các tư vấn viên pháp luật, luật gia để thực hiện tư vấn pháp luật. Bà Thanh phân tích, việc hiểu chất lượng tư vấn của luật sư tốt hơn của tư vấn viên là không chính xác. Bà Thanh cho rằng: “Một luật sư mới hành nghề chắc chắn không thể tư vấn bằng một ông Giám đốc Sở Tư pháp về hưu chẳng hạn”.
Đồng tình với bà Thanh, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn phát biểu: Tương tự với định hướng mở rộng đối tượng được TGPL, nếu mở rộng được người thực hiện TGPL thì càng tốt. Ông Phàn e ngại, sau năm 2025 mà chỉ có luật sư thực hiện TGPL là trái với tư tưởng thu hút nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động TGPL.
Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Dương Đăng Huệ lại đồng tình với đề xuất của Thường trực Tổ biên tập. Theo ông Huệ, việc quy định người thực hiện TGPL là luật sư và trợ giúp viên pháp lý nhằm hướng đến nâng cao chất lượng công tác này.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan, hoàn thiện Dự thảo Luật, đảm bảo tiến độ xây dựng Dự án Luật. Riêng đối với vấn đề người thực hiện TGPL, Thứ trưởng khẳng định, trong mọi trường hợp, người thực hiện TGPL phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như nhau. “Không được nhân nhượng với chất lượng hoạt động TGPL, không thể để đối tượng được TGPL đã nghèo, đã khổ lại thêm một lần khổ đau” – Thứ trưởng quan niệm.