Đến cuối năm nay, “đại gia” vàng nợ thuế thứ hai cũng sẽ “hoàn thành” biện pháp cưỡng chế này và tình hình cũng không sáng sủa hơn…
Mọi cách đòi nợ
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, tính đến 31/5/2015, Cty TNHH Vàng Phước Sơn còn nợ hơn 296 tỷ đồng tiền thuế (trong đó thuế của doanh nghiệp (DN) này là hơn 267 tỷ đồng, thuế nộp hộ nhà thầu là 29 tỷ đồng); Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu còn nợ gần 88 tỷ đồng tiền thuế (trong đó thuế của DN này là gần 69 tỷ đồng, thuế nộp hộ nhà thầu là gần 19 tỷ đồng).
Báo cáo mới nhất của Cục Thuế gửi UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, riêng Cty Vàng Phước Sơn, tính đến tháng 6/2015 tổng số tiền thuế nợ và chậm nộp (bao gồm cả nghĩa vụ của DN và nộp hộ các nhà thầu) là trên 302,5 tỷ đồng, trong đó nợ trên 90 ngày phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật là trên 289,9 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 2841 ngày 28/4/2014 về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, thời hạn cưỡng chế của Cty Vàng Phước Sơn là 1 năm, từ ngày 7/5/2014 đến ngày 6/5/2015.
“Từ năm 2014 đến nay, Cục Thuế Quảng Nam đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định gồm: Trích tiền từ tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, cưỡng chế kê biên tài sản… nhưng vẫn chưa thu được tiền nợ vào ngân sách nhà nước”- Văn bản do ông Ngô Bốn, Cục trưởng ký khẳng định.
Được biết, sau khi Cty Vàng Phước Sơn hết thời hạn cưỡng chế hóa đơn, Cục Thuế Quảng Nam đã có công văn gửi 2 ngân hàng đang giữ tài sản thế chấp của Cty Vàng Phước Sơn đề nghị giải chấp đối với tài sản còn lại mà ngân hàng đang nắm giữ để Cục Thuế cưỡng chế theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên phúc đáp từ 2 ngân hàng này cho thấy việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên sẽ rất phức tạp và khó có thể thu hồi được do toàn bộ tài sản của Cty Vàng Phước Sơn đã thế chấp tại các ngân hàng thương mại; tiền, tài sản bên thứ ba đang nắm giữ quá ít.
Do đó phải áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo là cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề đối với Cty Vàng Phước Sơn…
Rút giấy phép cũng không xong
Ngày 4/9/2015, tức là sau 4 tháng hết thời hạn cưỡng chế hóa đơn đối với Cty Vàng Phước Sơn, Cục Thuế Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư để Cục có căn cứ tạm thời dừng việc tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ thuế của DN này…
Ngày 25/9/2015, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Phước Hoài Bảo ký công văn phúc đáp đã dẫn Điều 48 Luật Đầu tư 2014, cho biết trong 8 trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án, Cty Vàng Phước Sơn không thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Còn theo các Điều 201, 203 Luật DN 2014 và quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 201- Trường hợp DN bị giải thể khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN: Việc giải thể DN được thực hiện như sau: Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng DN đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN đồng thời với việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký DN…
“Hiện nay, Cty TNHH Vàng Phước Sơn hoạt động theo Luật Đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy đăng ký kinh doanh và Công ty chưa thực hiện việc tách Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định mới nên việc thông báo tình trạng DN đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN là chưa thực hiện được…”- Văn bản của Sở KH&ĐT cho biết.
Được biết, ngoài Cty Vàng Phước Sơn đã hết thời hạn thực hiện cưỡng chế hóa đơn từ tháng 5/2015, Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu, “đại gia” vàng nợ thuế thứ 2 của Quảng Nam cũng sắp hết hiệu lực của biện pháp cưỡng chế này vào tháng 12 tới (theo Quyết định 7138/QĐ-CT ngày 28/11/2014 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam). 5 tháng đầu năm 2015, “đại gia” vàng này cũng mới chỉ nộp được hơn 5,2 tỷ đồng cho số thuế nợ gần 88 tỷ đồng đến thời điểm 31/5/2015…
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật BASICO:
“Vẫn có thể chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư!”
Tuy Luật DN và Luật Đầu tư không chỉ rõ việc xử lý trong trường hợp này nhưng có thể căn cứ vào Điểm d Khoản 1 Điều 48 về “Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư” và Điểm đ Khoản 2 Điều 47 về “Tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư”, Luật Đầu tư năm 2014 quy định một trong các trường hợp mà cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư là: “Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm”.
Như vậy, nếu nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp thuế nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.