Văn bản cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành giấy phép khai thác khoáng sản, đảm bảo tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, xác định mức giá tính thuế tài nguyên theo quy định.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Cty trên phải nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản thuế, phí đã kê khai đúng hạn, thanh toán các khoản nợ còn phải trả cho tổ chức, cá nhân đã bán hàng hóa, dịch vụ, trường hợp chậm nộp thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và bị tính phạt chậm nộp theo quy định. Nếu các Cty trên không thực hiện nộp thuế theo quy định thì các cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Kêu lỗ vẫn xin đào thêm vàng tấn?
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, hai Cty này nợ tiền thuế đến thời điểm đầu tháng 3/2015 đã lên đến hơn 352 tỷ đồng, với số tiền nợ thuế này tỉnh Quảng Nam không đồng ý gia hạn, miễn giảm.
Liên quan đến vụ việc, ngày 23/1/2015, ông Darin Lee, Giám đốc điều hành sản xuất của Tập đoàn Besra Việt Nam đã ký văn bản mới nhất cho biết, trong năm 2015 sản lượng vàng khai thác được tại hai mỏ Bồng Miêu – Phước Sơn sẽ hơn 533 ký vàng.
Trong đó, tại mỏ vàng Bồng Miêu kế hoạch sản lượng khai thác là 63.875 tấn; khối lượng khoáng sản nguyên khai đưa vào chế biến là 63.875 tấn. Khối lượng sản phẩm sau chế biến sẽ thu được 7.393 oz, tương đương 229 ký vàng. Hàm lượng sản phẩm sau chế biến là 50% đến 99,99%. Khối lượng vàng đi kèm thu hồi được là 2.993 oz.
Còn tại mỏ vàng Phước Sơn, khối lượng quặng khai thác được ít hơn nhưng khối lượng sản phẩm vàng sau chế biến lại cao hơn. Theo đó, sản lượng quặng khai thác được đưa vào chế biến là 34.800 tấn. Khối lượng sản phẩm sau chế biến đạt 9.800 oz, tương đương 304 ký vàng. Hàm lượng sản phẩm sau chế biến từ 50% đến 99,99%. Khối lượng vàng đi kèm thu hồi được là 4.900 oz.
Về số tiền nợ thuế hơn 352 tỷ đồng mà tỉnh Quảng Nam không đồng ý gia hạn, miễn giảm, ông Darin Lee trần tình, bởi năm 2013 mỏ vàng Bồng Miêu bị ảnh hưởng do thiên tai, do sức ép của việc cưỡng chế thuế, nên khối lượng khoáng sản nguyên khai đưa vào chế biến chỉ có 12.830 tấn, khối lượng vàng sau chế biến chỉ đạt 868 oz, tương đương 30 ký vàng. Khối lượng vàng đi kèm thu hồi được 595 oz, tương đương 19 ký vàng. Tổng doanh thu là hơn 216 tỷ đồng, nhưng chi phí hơn 283 tỷ đồng, “tính ra lỗ gần 70 tỷ đồng”.
Còn mỏ vàng Phước Sơn, năm 2014, tổng sản lượng quặng đưa vào chế biến là 35.260 tấn, khối lượng vàng sau chế biến là 10.710oz, tương đương 333 ký vàng. Khối lượng vàng đi kèm thu hồi được 4.973 oz, tương đương 154 ký vàng. Tổng doanh thu là hơn 87 tỷ đồng, tổng chi phí hơn 294 tỷ đồng và “lỗ hơn 207 tỷ đồng”.
Đào được 7 tấn vàng vẫn nợ đầm đìa?
Được biết, đến thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép Cty Vàng Phước Sơn xuất khẩu ra nước ngoài do chưa thanh toán các khoản nợ. Theo ông Lương Đình Đường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam thì các khoản nợ đối tác làm ăn, nợ khách hàng, nợ thuế nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội, nợ cung ứng thiết bị vật tư… do 2 Cty tự kê khai đến thời điểm này ước hơn 352 tỷ đồng.
Số nợ do ngành chức năng ấn định cao hơn rất nhiều con số trên. Toàn bộ tài sản máy móc, Tập đoàn Besra Việt Nam đều thế chấp cho 2 ngân hàng lớn có trụ sở tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Tại huyện Phước Sơn, Cty nợ thuế gần 200 tỷ đồng, trong đó nợ 3 doanh nghiệp tiền lưu trú, ăn ở, cung cấp vật tư xây dựng lên đến 24 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam khẳng định, dựa vào các quy định pháp luật hiện hành thì không thể gia hạn hay miễn giảm thuế cho “đại gia” vàng này được nữa. Quan điểm của ngành Thuế tỉnh Quảng Nam đối với số nợ khổng lồ 352 tỷ đồng là không chấp nhận đề xuất tháo dỡ cưỡng chế thuế của Tập đoàn Besra Việt Nam đối với Cty Vàng Phước Sơn.
Đối với nhiều người, câu chuyện chạy theo đòi nợ thuế “đại gia” vàng của tỉnh Quảng Nam để lại dư vị thật chua chát khi chính Tập đoàn Besra Việt Nam cho biết họ đã đào được gần 7 tấn vàng./.