Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện, theo đó nếu các bên trong quan hệ dân sự không khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án trong thời hạn luật định thì mất quyền được Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Quy định này được đánh giá là không đảm bảo lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự và là căn cứ để Tòa án từ chối giải quyết các vụ việc dân sự theo thời hiệu.
Có thể từ chối việc hưởng quyền
Theo Điều 154 và Điều 155 BLDS hiện hành, thời hiệu trong quan hệ dân sự có 4 loại gồm thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Việc quy định các loại thời hiệu này gắn liền với mục đích quy định một thời hạn để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, thực hiện, bảo vệ quyền của mình.
Tuy nhiên, quy định về thời hiệu khởi kiện không đảm bảo lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự và là căn cứ để Tòa án từ chối giải quyết các vụ việc dân sự theo thời hiệu. Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự được sửa đổi năm 2011, Tòa án sau khi thụ lý vụ việc mà thấy vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ thời điểm quan hệ được xác lập cũng không phù hợp với thực tiễn.
Khắc phục hạn chế trên, Dự thảo BLDS sửa đổi quy định thời hiệu trong BLDS chỉ có thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, còn thời hiệu tố tụng được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự.
Theo đó, người được hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ có quyền từ chối việc hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó có mục đích để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc có mục đích khác vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội. Người có quyền hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đều có thể viện dẫn thời hiệu làm công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, không phụ thuộc vào việc người được hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ đã từ chối việc hưởng quyền, miễn trừ nghĩa vụ.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi còn quy định về thời điểm bắt đầu thời hiệu theo nguyên tắc thời hiệu bắt đầu từ thời điểm phát sinh quyền yêu cầu hoặc thời điểm người có quyền biết hoặc phải biết về điều kiện xác lập quyền yêu cầu và có nghĩa vụ; quy định các căn cứ để áp dụng thời hiệu chung khi luật không quy định… Trong một số quan hệ cụ thể, việc áp dụng thời hiệu cũng được sửa đổi, bổ sung như quy định thời hiệu tuyên bố hành vi pháp lý vô hiệu tương đối là 2 năm, quy định không áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản.
Không thể tiếp tục “xé lẻ” thời hiệu
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho Tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác trong giải quyết yêu cầu của các chủ thể dân sự. Một số ý kiến đồng tình với ông Hà đã phân tích: Việc không quy định thời hạn để yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết vụ việc dân sự có thể dẫn tới những vụ việc này bị kéo dài, khó khăn trong thu thập chứng cứ và xử lý hậu quả. Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định của BLDS hiện hành là tiếp tục quy định thời hiệu như là thời hạn để cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, thực hiện, bảo vệ quyền của mình.
Ngược lại, theo một số ý kiến, quy định như Dự thảo là phù hợp, bảo đảm được nguyên lý chung đã được ghi nhận trong thông lệ quốc tế về ý nghĩa của thời hiệu với tư cách là công cụ pháp lý để các bên trong quan hệ dân sự thực hiện, bảo vệ quyền của mình đối với bên kia.
“Mặt khác, khắc phục được bất cập trong quy định hiện hành là dễ tạo ra cơ sở pháp lý để Tòa án có thể căn cứ vào đó để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không đưa ra phán quyết cụ thể về xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ, không bảo đảm lẽ công bằng cho các chủ thể” - Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm lý giải thêm.
Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, quy định về thời hiệu đang xé lẻ trong nhiều văn bản khác nhau và tới đây cần được quy định thống nhất. Nhưng trước ý kiến cho rằng thời hiệu giải quyết việc dân sự phù hợp với luật tố tụng hơn là luật dân sự, Bộ trưởng nêu quan điểm: “Đâu là thời hiệu tố tụng thì phải nghiên cứu và cách tính thời hiệu rất quan trọng để dễ dàng áp dụng trong thực tế”.