Vấn đề được phản ánh tại Hội thảo “Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Một số phát hiện và khuyến nghị từ các tổ chức xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức sáng qua (30/9).
Giao rừng không sổ đỏ
Hiện một số địa phương sau khi giao đất rừng cho người dân vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) - Kết quả tham vấn cho thấy có 12 cộng đồng (52% cộng đồng được khảo sát) chưa được cấp GCNQSDĐ sau khi được giao rừng.
Vì vậy, “cần có qui định cấp GCNQSDĐ khi giao rừng cho cộng đồng vừa để khẳng định về chủ quyền đất rừng được giao, vừa là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra” – nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp đồng tình.
Cũng có ý kiến quan ngại, giao sổ đỏ đất rừng tự nhiên cho dân thì nguy cơ mất rừng càng nhanh vì giao sổ hôm trước, hôm sau dân bán ngay. Nhưng thực tế, vì quyền sử dụng đất rừng rất hạn chế, sổ đỏ đất rừng tự nhiên không được “cắm” để vay vốn nên người dân cho là không có giá trị như sổ đỏ đất sản xuất nông nghiệp, đất thổ cư hay đất trồng rừng sản xuất. “Do vậy, tác động của hộ gia đình đối với rừng tự nhiên là rất ít, chủ yếu là hoạt động trông coi rừng” – ông Vũ Long, Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cũng phản ánh, sau 2 năm Bình Định thí điểm giao rừng tự nhiên cho người dân quản lý thì 100% hộ dân “làm đơn xin trả lại rừng” tự nhiên được giao với lý do “bảo vệ rừng mệt quá mà lại làm không công cho Nhà nước”. Song, nếu cho phép chuyển nhượng đất rừng tự nhiên được giao thì “sẽ thành rừng của đại gia thành phố, rừng của tư nhân” nên cần cân nhắc các quyền của chủ sở hữu đất rừng.
Bên cạnh đó, hiện vai trò của người dân, cộng đồng, chính quyền cấp xã, thôn là rất hạn chế trong qui hoạch, phát triển rừng nên kết quả qui hoạch ở nhiều nơi không phù hợp, gây nhiều khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý địa phương trong việc quản lý và sử dụng đất rừng.
Do vậy, cần tăng cường sự tham gia của đại diện cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong lập quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng để chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách liên quan đến phát triển và bảo vệ rừng, còn người dân, cộng đồng được giao rừng có thể thực hiện đầy đủ quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Chi trả dịch vụ môi trường rừng để chống mất rừng
Thống kê cho thấy, qua 5 năm thực hiện, tổng nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ước tính thu được 1.782 tỉ đồng (chiếm 0,8% ngân sách đầu tư lâm nghiệp).
Nhưng do thiếu các cơ sở pháp lý và các hướng dẫn chi tiết nên trong số các loại dịch vụ môi trường rừng (tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, hiện mới có 2 dịch vụ được thực hiện là dịch vụ phòng hộ đầu nguồn và dịch vụ du lịch sinh thái), việc giải ngân từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tới những người cung cấp dịch vụ môi trường rừng cũng đạt tỷ lệ khá khiêm tốn (46%).
Do đó, theo chuyên gia về lâm nghiệp, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng “cần chú ý đến dịch vụ môi trường rừng để buộc xã hội đầu tư lại cho môi trường rừng, chống mất rừng vì ngành lâm nghiệp không thể cứ xin tiền nhà nước khi đất rừng đã giao cho dân quản lý”.
Liên minh đất rừng (FORLAND) còn khuyến nghị cần luật hóa việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng rừng có nguy cơ bị xâm phạm chứ không chỉ hướng đến các diện tích rừng nằm trong các lưu vực thủy điện để hạn chế mất rừng như thực tế đang diễn ra.
Quan trọng hơn, cần phân tích lại cách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo lưu vực sông để rừng không bị “phân mảnh” cho việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc làm phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng do mức chi trả dịch vụ môi trường rừng chênh lệch giữa các diện tích rừng trong cùng một lưu vực sông.