Cụ thể, có khoảng 50% lực lượng lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất tại miền Bắc và 65,8% lao động tại các khu vực miền Nam đang có nhu cầu về nhà ở. Đa số các nhà trọ của công nhân tại các khu công nghiệp đều rất chật chội, không an toàn và thiếu vệ sinh. Nhà cửa chật chội khiến người lao động không có hình thức giải trí trong thời gian rảnh rỗi là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực như uống rượu, cờ bạc, đánh nhau...
Còn ở thành phố, năm 2014 theo điều tra có khoảng 18,4% họ gia đình đang ở nhà đi thuê. Đối với các thành phố lớn, nhu cầu nhà ở càng trở nên cấp thiết, theo khảo sát năm 2015 có khoảng 22,2% số hộ ở TP HCM và 13% số hộ ở Hà Nội, 5,7% ở Bình Dương có nhu cầu mua nhà ở, bởi tâm lý người đi thuê nhà luôn bất an và lo lắng.
Nhu cầu là vậy, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, hiện nay thực trạng pháp luật về nhà ở cho người lao động di cư tại các đô thị, các khu công nghiệp còn nhiều bất cập như: pháp luật đất đai không có các quy định đề cập trực tiếp, trực diện đến việc giải quyết vấn đề đất đai để xây dựng nhà ở cho người lao động di cư tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung có các quy định về phân khúc nhà ở xã hội, tuy nhiên việc thực hiện cũng còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, dù người lao động di cư phần lớn có nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú (chiếm 53%) nhưng việc đăng ký hộ khẩu được quản lý chặt chẽ, ngay như TP HCM nơi được coi là thông thoáng nhất cũng có những gia đình sinh sống 20 năm không hộ khẩu, đã khiến người lao động không những mất cơ hội về nhà ở, mà còn đối mặt với việc bị vi phạm hợp đồng lao động và không nhận được các lợi ích khác như bảo hiểm y tế, thất nghiệp, nghỉ ốm, thai sản...