Nhiều chính sách … làm khó doanh nghiệp
Tại tọa đàm, các DN đã đưa ra rất nhiều câu hỏi mà DN đang vướng mắc, phản ánh những bức xúc tồn tại hiện nay trong cơ chế, chính sách pháp luật như: Vấn đề chồng chéo các văn bản pháp luật; những bất cập của chính sách thuế; giải quyết khi tranh chấp kinh tế xảy ra; muốn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài DN Việt cần làm những thủ tục gì; trách nhiệm pháp lý của thành viên hoặc cổ đông do chậm góp vốn; làm thế nào để thu nợ một cách nhanh nhất; làm gì để bảo vệ DN khi bị mạo danh thương hiệu… Cùng với đó là những thắc mắc về chính sách thuế mới; quản lý kinh doanh trên mạng; trong xu thế hội nhập toàn cầu DN sẽ phải thay đổi như thế nào để phát triển và phát triển bền vững…
Hiện vấn đề nhiều DN gặp phải và cũng khó giải quyết chính là mạo danh thương hiệu (TH). Doanh nhân Nguyễn Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Cty Golden Sun phản ánh, DN của chị có phân phối một sản phẩm độc quyền về TH, nhưng bị một cá nhân đặt làm một sản phẩm tương tự như vậy. Trong trường hợp đó, làm thế nào để bảo vệ hàng hóa độc quyền của mình – chị Thủy đưa ra câu hỏi. Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho hay, đây là một thực trạng rất phổ biến hiện nay. Trong đó TH bánh kẹo bị vi phạm rất nhiều, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai cũng vậy.
Để minh chứng cho nhận định của mình, Luật sư Thái dẫn ra câu chuyện một DN trẻ mở công ty sản xuất nước đóng chai nhưng không đăng ký, cuối cùng phải ngậm ngùi mua lại TH của một DN đi trước với giá 500 triệu đồng. Và lời khuyên mà Luật sư Thái đưa ra là các DN phải tự cứu mình bằng cách tuân thủ các quy định của pháp luật về nhãn hiệu, TH. Có như vậy khi tranh chấp xảy ra mọi việc mới dễ dàng được giải quyết. Tìm hướng giải quyết cho DN trong tình huống bị giả mạo TH, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, TH chính là hình ảnh của công ty đó trong công chúng, người tiêu dùng. Đó là tài sản vô hình nhưng rất quý giá. Bởi vậy DN cần xây dựng TH của mình.
Đối với vấn đề kinh doanh trên mạng. Các DN và luật sư đều phản ánh loại hình kinh doanh này là xu hướng tất yếu. Vấn đề đặt ra ở đây là Nhà nước phải có các giải pháp để quản lý được thị trường này. Làm sao để không thất thu một khoản thuế vô cùng lớn cho đất nước, cũng như tạo nên một thế kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN…
Luật sư – doanh nghiệp luôn đồng hành
Một trong những vấn đề được giới DN quan tâm và gặp nhiều vướng mắc hiện nay là mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thực tế, không ít DN đã phải “dở khóc, dở cười” khi phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn mỗi năm để đóng các loại bảo hiểm này cho nhân viên của họ. Tuy nhiên, họ lại không mấy mặn mà vì nhiều lý do. Có trường hợp DN vì chiều lòng và muốn giữ chân người lao động đã phải đồng ý cho họ mua bảo hiểm ở một công ty bảo hiểm nước ngoài. Làm như vậy, theo các luật sư họ đã vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo Luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, vi phạm quy định về đóng bảo hiểm cho người lao động có nhiều chế tài xử lý. Theo Điều 3 Bộ luật Hình sự mới quy định về bảo hiểm, trường hợp cố tình không đóng, không đóng đầy đủ, đã bị xử lý hành chính sẽ bị xử lý hình sự. Bởi vậy, các DN cần tuân thủ nghiêm túc các quy định, tránh trường hợp bị xử lý hình sự sẽ rất đáng tiếc.
Một câu hỏi cũng được các DN khá quan tâm đó là: Khi có tranh chấp xảy ra DN sẽ nhờ cơ quan nào đứng ra hỗ trợ, giải quyết? Trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Thực phẩm IMC cho biết, khi có tranh chấp xảy ra công ty ông sử dụng cả kênh báo chí, trọng tài, luật sư, thậm chí xã hội đen. Tuy nhiên, DN thường có xu hướng lựa chọn luật sư. Bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Cty Bánh mứt kẹo Bảo Minh cũng chia sẻ, có lần công ty bà bị lợi dụng thương hiệu. Sau khi phát hiện, bà đã nhờ luật sư tư vấn giải quyết theo hướng thương thuyết, hòa giải, nhờ đó đối tác chấp nhận thay đổi giấy phép kinh doanh.
Tóm lại, luật sư vẫn là con đường cơ bản giải quyết hiệu quả nhất khi tranh chấp xảy ra. Theo Luật sư Huỳnh, tranh chấp có nhiều loại (tranh chấp dân sự, hành chính, đầu tư…) và luật sư luôn là người bạn đồng hành của DN, dù là tranh chấp nào. Họ sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc tư vấn và hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của DN và người dân. Trong lĩnh vực thương mại, ông Huỳnh cho biết, một ngày DN phải trải qua hàng chục giao dịch khác nhau, luật sư sẽ có vai trò giúp DN thương lượng, hòa giải giữa họ, tuy nhiên người phân xử vẫn là Nhà nước…
Còn rất nhiều bức xúc liên quan đến hệ thống pháp luật DN mong muốn chia sẻ, hỗ trợ giải quyết nhưng trong khuôn khổ của chương trình buổi tọa đàm không thể chuyển tải, phản ánh hết được. Kết thúc tọa đàm ý nghĩa này, ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là vô cùng quan trọng. Chính vì lẽ đó, càng ngày chúng ta càng phải ý thức hơn việc chấp hành quy định, chính sách của pháp luật.
Và đó cũng chính là tôn chỉ, mục đích của Cuộc thi Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật phát triển bền vững” với mong muốn hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về DN ngày càng hoàn thiện để tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích, động viên DN phát triển. Với vai trò của mình, trong thời gian tới, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, với nhiều chủ đề khác nhau, nhằm kết nối DN và luật sư để cùng nhau phát triển bền vững trên tinh thần thượng tôn pháp luật.