Khói bụi ô nhiễm chẳng khác nào tận thế ở Trung Quốc

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.
(PLO) -Trỗi dậy mạnh mẽ từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành quốc gia hùng mạnh chỉ sau Mỹ, Trung Quốc xứng đáng có một chỗ đứng trong những cuốn sách lịch sử. Tuy nhiên, lịch sử có lẽ cũng nên ghi lại cái giá quá nặng mà người Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục phải trả trong những năm tới đây do sự tăng trưởng quá nhanh của mình. 

Bụi gấp 100 lần tiêu chuẩn

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, người dân Bắc Kinh, Thiên Tân và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã phải chịu đựng đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài nhất từng được ghi nhận ở nước này. Trong suốt 8 ngày trời kể từ ngày 30/12/2016, họ đã phải trải qua 8 ngày nghẹt thở trong bầu không khí khói bụi dày đặc đến mức ánh mặt trời không thể xuyên nổi xuống đất. 

Tầm nhìn trong thời gian này giảm xuống ở nhiều nơi chỉ còn khoảng 1km, khiến nhiều thành phố được ví như đã biến mất trong làn khói bụi dày đặc. Tình trạng này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi người dân ở 70 thành phố phía nam của Trung Quốc đã phải trải qua những ngày khói bụi tương tự với lượng hạt bụi mịn PM2.5 gấp đến 100 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức y tế thế giới (WHO). 

Những đợt khói bụi mù mịt như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Trung Quốc. Hàng trăm chuyến bay phải hủy, hoãn. Các đường cao tốc buộc phải đóng cửa, không cho xe qua lại vì tầm nhìn quá thấp. Các bệnh viện chật cứng người do lượng người nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến ô nhiễm không khí trong thời gian này gia tăng đột biến, đặc biệt là trẻ nhỏ. 

Giới chức nhiều thành phố đã phải ban hành cảnh báo đỏ về ô nhiễm không khí, áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp như cấm ô tô ra đường, yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp dừng hoạt động… hòng cải thiện tình hình. 

Về phía người dân, hàng chục nghìn người đã phải bỏ trốn tới những thành phố có chất lượng không khí khá hơn hoặc thậm chí ra nước ngoài để “lánh nạn”. Hình ảnh những em nhỏ phải mặc áo khoác, đeo khẩu trang ngồi ngoài trời làm bài thi trong bầu không khí xám ngoét khi được được truyền đi một cách mạnh mẽ trên mạng internet ở Trung Quốc.

4.000 người tử vong mỗi ngày

Tình trạng ô nhiễm không khí từ lâu được xác định ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân Trung Quốc. Một nghiên cứu do trường Đại học California, Mỹ công bố hồi năm 2015 cho biết, cứ 6 trường hợp tử vong sớm ở Trung Quốc có 1 trường hợp do ô nhiễm không khí. 

Theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại học trên, mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 1,6 triệu người tử vong do các vấn đề về tim, phổi và đột quỵ do ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt bụi mịn, tức mỗi ngày có khoảng 4.000 người tử vong. 

Con số này cao hơn hẳn so với số liệu nghiên cứu do Viện đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc trường Đại học Washington thực hiện và được WHO công bố năm 2013, theo đó cho rằng ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân khiến 1,2 triệu người chết sớm ở Trung Quốc mỗi năm, là yếu tố nguy cơ nguy hiểm thứ 4 đối với sức khỏe con người, sau nguy cơ từ chế độ ăn uống, cao huyết áp và hút thuốc. 

Trưởng nhóm nghiên cứu Robert Rohde ở trường Đại học California cho biết có đến 38% người dân Trung Quốc sống ở những khu vực có chất lượng không khí được xếp vào nhóm “không lành mạnh” theo tiêu chuẩn của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. 

Còn nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Nam Kinh công bố vào cuối năm 2016 cho biết, phân tích khoảng 3,03 triệu trường hợp tử vong tại 74 thành phố ở Trung Quốc từ năm 2013 cho thấy có đến 31,8% trong số này có liên quan đến khói bụi, tức ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 1 trong mỗi 3 ca tử vong ở nước này. 

Ở một số nơi, việc hít thở không khí mỗi ngày cũng gây chết người như hút thuốc lá. Tại các thành phố có bầu không khí ô nhiễm nhất ở Trung Quốc như Thạch Gia Trang, Hàm Đan, mỗi nơi đều ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí trong năm 2013. 

Cơ quan năng lượng quốc tế hồi năm 2016 cũng công bố một báo cáo cho biết ô nhiễm không khí làm giảm khoảng 25% tuổi thọ của người dân ở Trung Quốc. Còn nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Nam Kinh thì cho rằng người dân ở miền bắc Trung Quốc có thể bị giảm khoảng 5,5 năm tuổi thọ do khói bụi.

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.

Thiệt hại lớn về kinh tế

Ngân hàng thế giới ước tính tổng thiệt hại do tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước tới nền kinh tế Trung Quốc là khoảng 6% GDP mỗi năm. Chi phí này bao gồm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, thiệt hại tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá hủy mùa màng do những đợt mưa axit… 

Tổ chức phi lợi nhuận RAND trong khi đó đưa ra con số lớn hơn nhiều. RAND cho rằng chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại đến 6,5% GDP mỗi năm. Chi phí này chủ yếu là do năng suất lao động của nền kinh tế bị kéo lùi đi do các nhà máy phải đóng cửa trong những ngày tình hình không khí trở nền tồi tệ.

 “Nghỉ ốm và khám bệnh đều phải được tính vào thiệt hại” – ông Anders Hove, giám đốc nghiên cứu nói. Ông này cho rằng mức độ tập trung hạt ô nhiễm cao có liên quan đến các bệnh mãn tính nguy hiểm như bệnh tim và ung thử phổi vốn rất tốn kém để điều trị. Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng nặng nề đến du lịch và các hoạt động giải trí ngoài trời vì chất lượng không khí xuống thấp khiến du khách không dám đến Trung Quốc. 

Mùa màng của Trung Quốc cũng bị thiệt hại theo, theo ông Hove. Khoảng 20% đất trồng ở Trung Quốc hiện bị ô nhiễm. Ở tỉnh trồng lúa lớn nhất của nước này là Hồ Nam, đất trồng đã bị nhiễm kim loại nặng từ các nhà máy thải ra, kéo theo việc chuỗi cung ứng thực phẩm cũng chịu ảnh hưởng. 

Theo các ước tính, đến năm 2060, ô nhiễm không khí có thể giảm quy mô của nền kinh tế của Trung Quốc khoảng 2,5% so với lẽ ra nó có thể đạt được do người lao động nghỉ ốm, mùa màng bị thiệt hại chi phí chăm sóc sức khỏe tăng.

Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), năm 2015, thiệt hại do ô nhiễm không khí trên toàn cầu là 21 tỉ USD và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 8 lần lên tới 176 tỉ USD vào năm 2060 do sự phát triển của các nước, trong đó có Trung Quốc. 

Chật vật tìm cách khắc phục

Vấn đề ô nhiễm không khí ở Trung Quốc được cho là xuất phát từ các yếu tố: sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nặng, sự gia tăng sử dụng than đá và sở hữu xe hơi. Để khắc phục tình hình, giới chức Trung Quốc thời gian qua đã tích cực thực thi nhiều biện pháp. 

Trong đó, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách kiểm soát xe hơi nghiêm ngặt với hệ thống xổ số để kiểm soát lượng xe mới cũng như giới hạn lượng xe được lưu thông trên đường phố vào những ngày nhất định. Ngoài ra, từ năm 2012, Trung Quốc cũng đã cấm đốt than ở các khu vực đô thị. 

Trước áp lực lớn từ người dân, chính phủ Trung Quốc năm 2013 đã bắt đầu thực thi Kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm không khí. Theo bản kế hoạch này, chính phủ cam kết giảm lượng tiêu thụ than đá ở nước này xuống còn 65% vào năm 2017, giảm 15 đến 25% lượng hạt PM2.5 vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đóng cửa hàng nghìn nhà máy gây ô nhiễm, đặc biệt là ở miền bắc nước này.

Dù vậy nhưng cho đến nay tình hình vẫn không được cải thiện là mấy. Phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã nhấn mạnh đến tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở nước này, đồng thời công bố một loạt các biện pháp khắc phục. 

Trong đó, bên cạnh việc quyết tâm đóng cửa các nhà máy điện than, ông Lý khẳng định chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các nỗ lực xử lý các phương tiện thải nhiều khí độc hại bằng cách đẩy nhanh tiến trình để đưa những xe cũ khỏi vòng lưu thông và khuyến khích sử dụng xe hơi chạy bằng các nguồn năng lượng sạch. Ông Lý cũng nhấn mạnh các luật và quy định về môi trường sẽ được thực hiện nghiêm túc và những quan chức không đảm bảo thực hiện các quy định này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.