Nhiệt điện than và nỗi kinh hoàng mang tên khói bụi ở Trung Quốc

Một nhà máy điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc.
Một nhà máy điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc.
(PLO) -Trung Quốc hiện là một trong những nước đi đầu trong việc loại bỏ việc sử dụng nhiệt điện than để giảm thiểu những hậu quả do nguồn năng lượng này gây ra sau một thời gian dài gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, kinh tế, con người…

Hướng tới năng lượng sạch

Mùa đông vừa qua, cả một vùng rộng lớn ở phía bắc Trung Quốc bị lớp sương khói dày đặc bao phủ. Khoảng 460 triệu người, tương đương dân số của cả Mỹ, Canada và Mexico cộng lại, phải sống trong bầu không khí có chỉ số ô nhiễm ở mức cao kỷ lục. 

Theo các ước tính, 1 trong 7 trường hợp tử vong sớm ở Trung Quốc là do ô nhiễm không khí. Vào mỗi đợt tình trạng ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn, hàng nghìn người đã phải nhập viện, trong đó có nhiều người bị mắc các bệnh về hô hấp. 

Thủ phạm chính của tình trạng này, theo một nghiên cứu do trường Đại học Harvard dẫn đầu thực hiện và được công bố hồi đầu năm cũng như các nghiên cứu trước đó, là do ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng và nhất là những nhà máy nhiệt điện than. 

Đứng trước thực trạng trên, giới chức Trung Quốc thời gian qua đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những thiệt hại của tình trạng ô nhiễm do nhiệt điện than gây ra. Hồi tháng 1 vừa qua, Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc thông báo hủy 103 dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đã được quy hoạch hoặc đang trong quá trình xây dựng nhằm tránh những khoản đầu tư tốn kém cũng như dần đưa nước này khỏi phụ thuộc vào một trong những phương thức sản xuất điện gây ô nhiễm nhất này. 

Các dự án bị hủy nằm rải rác ở 13 tỉnh của Trung Quốc, trong đó chủ yếu là khu vực phía tây và phía bắc giàu than đá của Trung Quốc. Theo dự kiến, tổng công suất của các dự án nhà máy nhiệt điện than này khi hoàn thành sẽ là 120 gigawatt, lớn gần gấp 3 lần so với tổng công suất của tất cả các nhà máy nhiệt điện than của Đức. Cùng với tuyên bố này, giới chức Trung Quốc cũng cho biết sẽ đầu tư 360 tỉ USD vào các nguồn năng lượng tái tạo trong vòng 5 năm tới.

Trong phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong năm 2017, Trung Quốc sẽ đóng cửa, dừng hoạt động hay dừng triển khai xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 50 gigawatt. 

Theo một số nguồn tin, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đưa con số về việc giảm công suất điện than, cho thấy đây sẽ là một trong những trọng tâm trong các cải cách kinh tế mà Trung Quốc sẽ thực hiện trong năm 2017.

Đến cuối tháng 3, sau khi ông Lý đưa ra lời hứa sẽ “khiến bầu trời Trung Quốc xanh trở lại”, thủ đô Bắc Kinh đã thông báo đóng cửa nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn cuối cùng của thành phố, đưa Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc dùng hoàn toàn “năng lượng sạch”. 

Theo tính toán của giới chức Trung Quốc, kể từ năm 1999, Nhà máy nhiệt điện Huaneng Bắc Kinh cung cấp cho thủ đô của Trung Quốc 845.000 kilowatt điện trong khi đốt đến 1,76 triệu tấn than đá mỗi năm.

Bên cạnh đó, giới chức Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ không cấp phép cho bất cứ dự án nhiệt điện than mới nào trong tương lai. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than và thay thế bằng cá nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên, từ đó giúp cắt giảm 10 triệu tấn than thải mỗi năm.

Đánh giá cao các động thái của giới chức Trung Quốc, Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard cũng cho biết, đến năm 2030, ước tính số trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc là khoảng 9.000 người.

Khói bụi mù mịt do ô nhiễm ở Trung Quốc
Khói bụi mù mịt do ô nhiễm ở Trung Quốc

Xu hướng chung

Còn tại Anh, theo tờ Independent, nhiều nhóm hoạt động vì môi trường hồi tháng 2 vừa qua đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối kế hoạch trợ cấp 10 triệu bảng cho nhà máy điện Aberthaw ở xứ Wales. Nhà máy nhiệt điện than này giới thiệu họ là một trong những nhà máy nhiệt điện than hoạt động hiệu quả nhất ở Anh, cung cấp điện cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh và Những người bạn của Trái Đất cho biết nhà máy Aberthaw là cơ sở công nghiệp phát thải lượng nito oxit cao thứ 3 ở khắp châu Âu. 

Trong khi đó, nhà máy này sản xuất ra lượng điện đủ cung ứng cho 1,5 triệu hộ gia đình. “Hàng người người đã tử vong sớm do tình trạng ô nhiễm do nhà máy Aberthaw gây ra mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm đó cũng đã khiến hoạt động sản xuất của xã hội bị tổn hại khi hàng chục nghìn người phải nghỉ ốm.

Tình trạng ô nhiễm cũng chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hen, viêm phế quản ở trẻ em, viêm phế quản mạn tính ở người lớn, hiện tượng trẻ sơ sinh nhẹ cân. Trong 45 năm kể từ khi nhà máy này bắt đầu hoạt động, chỉ riêng ô nhiễm từ nhà máy điện này đã có thể gây ra cái chết của hơn 3.000 người ở xứ Wales và 18.000 nếu tính cả Anh” – báo cáo cho biết.

Tháng 9 năm ngoái, Tòa án công lý châu Âu cũng đã ra phán quyết khẳng định nhà máy này đã thải ra lượng khí nito ô xít độc hại cao gấp đôi so với tiêu chuẩn hợp pháp trong suốt 7 năm trời.

 “Chính phủ đã đặt mục tiêu loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2025 nhưng lại đồng ý đổ hàng triệu bảng tiền thuế của người dân vào nhà máy đã bị kết luận là gây ô nhiễm. Điện than chắc chắn là cần thiết để đảm bảo việc cung ứng điện trong suốt quá trình chuyển giao nhưng chỉ trong một mức độ phù hợp. Việc khuyến khích những đối tượng đã bị kết luận là gây ô nhiễm như vậy là sự phản bội sức khỏe của cộng đồng và những người đang đấu tranh vì việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng carbon thấp” – ông James Thornton, Giám đốc điều hành tổ chức hoạt động vì môi trường ClientEarth nói.

Hãng tin BBC cuối tháng 3 vừa qua dẫn báo cáo Boom and Bust 2017 do một số nhóm vận động xanh công bố cho biết số dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới đã giảm 48% trong năm qua trong khi lượng dự án khởi công xây mới giảm 62%. 

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2006 đến 2016, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 85% các nhà máy nhiệt điện than được xây dựng trên thế giới. Song, chỉ trong vòng 12 tháng của năm 2016, tại 2 nước này đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách nhiệt điện than. Ở Trung Quốc, nguyên nhân của việc giảm này là do chính sách của chính phủ. 

Còn ở Ấn Độ, nguyên nhân được cho là nằm ở việc các ngân hàng lưỡng lự trong việc cấp vốn cho các dự án nhà máy nhiệt điện than. Trong năm qua, 13 dự án nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ đã bị hoãn. Còn ở châu Âu và Mỹ, trong vòng 2 năm qua, gần 120 nhà máy nhiệt điện than lớn đã bị đóng cửa. 

“Việc dừng xây dựng ở nhiều dự án nhà máy nhiệt điện than như vậy hiếm khi xảy ra. Chính phủ Trung Quốc và các ngân hàng ở Ấn Độ dường như đã nhận ra được rằng việc xây dựng quá nhiều nhà máy nhiệt điện than là một sự lãng phí lớn về nguồn lực” – báo cáo viết. 

Paul Massara, một chuyên gia về năng lượng, cho rằng sự  gia tăng nhận thức về ô nhiễm không khí do than đá gây ra, tác động của các chính sách chống biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh về giá cũng như tốc độ phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo đang khiến các nhà máy nhiệt điện than trở nên dư thừa trước khi được xây dựng.

Theo báo cáo có tên “Gánh nặng bệnh tật do việc tăng phát thải từ nhà máy nhiệt điện than ở Đông Nam Á” do nhóm các nhà nghiên cứu của Harvard đứng đầu tiến hành, tình trạng ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực hiện một trong những nguyên nhân dẫn tới các trường hợp tử vong của người dân, với khoảng 20.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm vì lý do này.

 Báo cáo nhấn mạnh, nhu cầu điện của khu vực Đông Nam Á đang tăng mạnh và dự kiến vào năm 2035 sẽ tăng 83% so với năm 2011. Phần lớn nhu cầu đó sẽ được lấp đầy bằng nhiệt điện than. Theo ước tính, nếu các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than hiện có ở các nước Đông Nam Á được tiến hành theo kế hoạch thì con số sẽ tăng lên thành 70.000 trong 13 năm tới. Các nguyên nhân tử vong được dẫn chiếu chủ yếu là ung thư phổi, đột quỵ và các bệnh về hô hấp. 

Cũng theo báo cáo này, Indonesia, Việt Nam và Myanmar sẽ là những nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, tình trạng ô nhiễm có liên quan đến than đá tại Indonesia dự kiến sẽ khiến 24.400 người thiệt mạng mỗi năm vào năm 2030. Con số này ở Việt Nam là 19.220 trường hợp và Myanmar là 4.030 ca tử vong.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.