Những nỗi khổ ly hương
Chị Thắm 28 tuổi làm nghề đồng nát rời quê lên Hà Nội gần bảy năm. Ở quê trông vào đồng ruộng rất khó để nuôi được các con, nên bắt buộc hai vợ chồng chị phải rời xa quê nhà lên thành phố kiếm thêm thu nhập. Công việc của chị là thu mua phế liệu.
Nói về ước mơ của mình, chị Thắm không mong gì hơn là cuôc sống ở Hà Nội an bình cả về an toàn giao thông lẫn những vấn đề khác cho phụ nữ hoặc trẻ con, để những người thu mua phế liệu như chị phải đi đêm về hôm mưu sinh thấy yên tâm hơn.
Chị Hằng 29 tuổi cũng lên thành phố kiếm việc làm như chị Thắm nhưng chị chọn nghề giúp việc theo giờ. Chị rất quen thuộc với Hà Nội vì chị đã ra đây làm từ năm 15 tuổi. Trưởng thành, lập gia đình, sinh con, chị lại tiếp tục gửi con bà ngoại để đi kiếm sống vì quê nhà Nam Định thuần nông, không có nhiều công việc để làm.
Đi giúp việc gặp trẻ con, chị rất nhớ những đứa con của mình nhưng đành chịu vì không thể về nhà thường xuyên được. “Thỉnh thoảng vào những kỳ nghỉ hè, ông bà cho cháu lên chơi, tôi cũng cho con tới những khu vui chơi như công viên Thủ Lệ hay những khu trung tâm thương mại. Mới vừa rồi tôi cho con ra công viên Thủ Lệ chơi” – chị kể.
Khác với chị Hằng, Phương 20 tuổi làm nghề bán hàng online có con cùng ở Hà Nội. Nhưng dù thế, chị cũng không có nhiều thời gian đưa con đi chơi vì mải làm và hạn chế chi tiêu. Chị kể: “Tôi bắt đầu lên Hà Nội được 2 năm làm công việc bán hàng online. Dù biết ở quê công việc đó cũng làm được nhưng hiện tại vẫn rất khó làm ăn, lên Hà Nội sẽ tiện kho hàng hơn và khách hàng trên Hà Nội cũng nhiều hơn.
Nhiều khi tôi cũng muốn cho con đi chơi nhưng chỗ tôi đang thuê ở khu vui chơi dành cho trẻ em không có. Đi chơi ở các công viên xa thì phương tiện chỗ tôi đi cũng ít, bắt xe buýt thì cũng phải đi bộ mất một đoạn, nếu gọi xe grab thì nó cũng hơi tốn so với thu nhập. Thế nên tôi cũng rất hạn chế cho con đi chơi, đa số là vào thời gian rảnh cuối tuần mới dẫn các con đi được”.
Không vướng bận gia đình, cô gái 23 tuổi tên Minh làm nghề vẽ túi lại có nỗi khổ của riêng mình khi hòa nhập cuộc sống thị thành để làm việc. Cô cho biết, cô luôn cảm thấy ngại tiếp xúc với mọi người vì có cảm giác họ luôn nhìn và bàn tán về mình.
“Tôi đã từng bị nói là đổi cái giọng nói đi, lên Hà Nội mà nói giọng khó nghe lại dùng từ địa phương thế ai hiểu. Mỗi lần nghe như thế, tôi thấy khá là phũ phàng. Mong muốn của tôi là mọi người xung quanh cởi mở hơn với những người ở vùng miền khác. Bản thân tôi thấy không đến mức phải soi xét nhau như thế”…
Ước mơ an toàn
Hàng năm ở Việt Nam có hơn 6 triệu người di cư từ nông thôn lên thành thị. Trong đó, nhóm trẻ trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 1/3 tổng số người di cư, một nửa trong số đó là phụ nữ. Một số định cư lâu dài tại các thành phố, tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chỉ là nhập cư tạm thời để làm việc. Họ thường làm các công việc gọi là 3D: dirty (bẩn thỉu), dangerous (nguy hiểm) và difficult (khó khăn).
Đây cũng là lý do để Dự án TRYSPACES hình thành nhằm nghiên cứu về trải nghiệm không gian công cộng hướng đến hành vi, thói quen của người trẻ tuổi (16-30 tuổi) trong việc sử dụng không gian công cộng tương tác với các quy tắc xã hội của thành phố, từ đó khám phá mối quan hệ giữa sự hiện diện của thanh thiếu niên ở các không gian công cộng, không gian vật lý và không gian trên mạng và cách họ trải nghiệm sự hiện diện này.
Dự án được thực hiện từ năm 2017-2023 ở bốn thành phố lớn là Hà Nội (Việt Nam), Paris (Pháp), Montreal (Canada) và Mexico (Mexico). Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Xây dựng, Manzi, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Health Bridge là những đối tác tham gia dự án tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ dự án TRYSPACES nghiên cứu về trải nghiệm không gian công cộng của những người trẻ trong đô thị, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với HealthBridge Việt Nam tổ chức thực hiện và sản xuất bộ phim tài liệu “Lên thành phố - Making our place” về cơ hội tiếp cận không gian công cộng cho nhóm nữ lao động nhập cư tại Hà Nội.
Bằng phương pháp tiếp cận mới trong nhân học, bộ phim “Lên thành phố” được ra mắt sau 3 tháng sản xuất (tháng 12/2019 đến tháng 2/2020), đi sâu khai thác câu chuyện chân thật của 7 nữ lao động trẻ nhập cư từ 16-29 tuổi, đến từ các tỉnh: Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Họ là Thắm, Hằng, Phương, Minh… với nghề đồng nát; người giúp việc gia đình theo giờ; là nhân viên bán hàng quần áo; bán hàng online hay là nhân viên gội đầu của một salon tóc nho nhỏ.
Với những người phụ nữ này, Hà Nội có thể là đích đến nhưng cũng có thể chỉ là điểm dừng chân trong cuộc đời để trải nghiệm, trưởng thành và mưu sinh với ước mong thay đổi số phận và tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Trong quãng thời gian ở Hà Nội, họ gánh trên vai biết bao những mong muốn đang theo đuổi và đối mặt với biết bao nhiêu những khó khăn đang níu chân.
Bên cạnh nỗi lo về sinh kế, những người phụ nữ trẻ cũng mang khát khao hòa nhập với cộng đồng, có cơ hội nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, thư giãn tại không gian công cộng và các điểm vui chơi trong thành phố…
Và hơn tất cả là một không gian công cộng an toàn, thân thiện và bình đẳng trong việc các nữ lao động trẻ nhập cư tại các thành phố lớn tiếp cận các dịch vụ. Bởi xây dựng và hòa nhập với cuộc sống ở chốn thị thành, nếu chỉ trong thời gian ngắn thôi cũng là một nhiệm vụ đầy thử thách với những người phụ nữ trẻ này.
Truyền cảm hứng để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn
Bộ phim “Lên thành phố - Making our place” sản xuất năm 2020 trong khuôn khổ dự án TRYSPACES cũng chính là một sản phẩm góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng và lan tỏa thông điệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong chung tay hành động để xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Tháng 10/2020, bộ phim tham dự Better Cities Film Festival 2020 (Liên hoan phim Những thành phố tốt đẹp hơn 2020) và vinh dự nhận giải thưởng The Best Next Gen Award (Phim tài liệu về Thế hệ tương lai xuất sắc nhất). Phim nằm trong số 25 phim đạt giải thưởng trong tổng số gần 90 phim từ các quốc gia trên thế giới tham dự.
Các giải thưởng được đánh giá và lựa chọn thông qua một hội đồng giám khảo quốc tế uy tín là những người nổi tiếng. Tiến sĩ Chris Elisara chia sẻ: “Trong đại dịch này, chúng tôi cần những câu chuyện như thế này nhiều hơn nữa để nâng cao tinh thần và truyền cảm hứng xây dựng những nơi tốt hơn cho một tương lai tốt đẹp hơn”.