Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cùng với sự ổn định của ngành nông nghiệp trong Quý 4. Kinh tế tăng trưởng 6,68% trong Quý 4 và 6,21% trong cả năm 2016.
Mục tiêu lạm phát 4% là không dễ dàng
Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, các chuyên gia của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đang đặt ra là một ngưỡng cao, đòi hỏi quyết tâm lớn và điều kiện thuận lợi mới đạt được.
Do đó, “chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô” – TS.Nguyên Đức Thành, Viện trưởng VEPR trình bày.
Trước mắt, VEPR dự báo tăng trưởng cả năm đạt khoảng 6,4% trong khi lạm phát cuối năm có thể đạt mức 5,9%. Cũng theo báo cáo, năm 2017, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại, và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng.
Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung.
Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.Vì vậy, các chuyên gia nhận thấy, điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến chế tạo.
Cùng với đó, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên. Báo cáo nhận định, điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và tiếp tục đầu tư phát triển, và cuối cùng là mức nợ công ngày càng tăng cao.
Do vậy, theo ông Thành, “chúng tôi cho rằng Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước như khu vực hội, đoàn thể...”.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ cần “thận trọng ứng phó với những cú sốc mới từ bên ngoài” có thể ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam như FED tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, giá dầu thô có thể tăng trở lại, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể giảm do Tổng thống mới đắc cử của Mỹ phản đối ký kết TPP…
Xuất khẩu sẽ chỉ tăng nhẹ
Trước đó, theo Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu do Standard Chartered công bố hôm 13/1 có tựa đề “Welcome to the jungle” (tạm dịch: Chào mừng đến với rừng nhiệt đới), Ngân hàng Standard Chartered dự báo năm 2017 tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt 6,6%, sau khi bị chậm lại trong năm 2016 do ảnh hưởng của hạn hán. Mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xây dựng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm 2017.
Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ: “Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo ra nhiều tiến triển tích cực trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.”
Còn ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ chậm lại một chút trong năm 2017 nhưng sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 10 tỷ USD.
Cùng với đó, dự báo của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chỉ tăng nhẹ do ảnh hưởng của sức cầu yếu từ các thị trường như châu Âu và Mỹ, lạm phát sẽ gia tăng, đạt trung bình 4,3%, lãi suất chính sách (policy rates) không thay đổi và tỷ giá điều chỉnh nhẹ, tiền Đồng chịu áp lực trong trung và dài hạn…