Dùng thủ đoạn tước quyền khiếu nại của dân
Trong “Dự án xây dựng công trình chợ, hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu”, gia đình bà Quyến có 252m2 đất ruộng bị thu hồi. Bà quyết liệt phản đối dự án thiếu minh bạch, và không chịu nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt. Thế nhưng sau đó bà đành nhận tiền trong uất ức vì nếu không nhận, con trai bà sẽ không được Đảng ủy xã Dân Tiến xác nhận lý lịch để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Bà Quyến thuật lại, năm 2010, con trai đầu của bà là anh Lê Đức Thành (SN 1988) tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Nhờ phấn đấu rèn luyện tốt, đầu năm 2012 anh lính quân y này được Đại đội 10 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 8) cử Chính trị viên Đại đội về địa phương xác minh lý lịch để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bà Quyến kể: “Lúc đơn vị về xác minh lý lịch cho con tôi, Bí thư Đảng ủy xã Dân Tiến thời đó nói tôi không nhận tiền đền bù có nghĩa là “đã chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, “Mẹ chống đối thì con không thể vào Đảng được””.
Không đồng tình việc địa phương “đè dân” nhằm thu hồi đất thực hiện dự án thương mại như vậy, nên ban đầu dù bị gây sức ép, bà vẫn nhất quyết không nhận: “Tôi phân trần vì đền bù đất với giá quá rẻ nên tôi chưa đồng ý nhận tiền thôi, chứ không có ý chống đối gì cả, nhưng xã vẫn không xác nhận cho con tôi”.
Nữ cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, nhưng đành “thúc thủ” trước thủ đoạn o ép của địa phương |
Bà Quyến kể lại, thuyết phục, gây sức ép không thành, thế là ngay tại trụ sở UBND xã, cán bộ khi đó còn nói những lời cạnh khóe với gia đình bà: “Đời bà ăn mặn thì con bà sẽ khát nước”.
“Đến bây giờ, tôi vẫn còn rất tức giận vì câu nói này. Gia đình tôi từ trước đến nay ăn ở có mất lòng ai đâu? Vợ chồng chúng tôi đều là người có công với cách mạng, nhiều năm được thôn bình bầu là gia đình văn hóa tiêu biểu. Thế mà chính quyền địa phương lại nói tôi không chấp hành chủ trương. Mà rất nhiều người dân ở xã này phản đối, không nhận tiền đền bù rẻ mạt, chứ đâu phải riêng mình tôi”.
Góa phụ kể tiếp: “Chồng tôi qua đời từ năm 1994, một mình tôi nuôi hai con. Mẹ con tôi sống nhờ trồng lúa, thửa ruộng mà tôi bị thu hồi rất phì nhiêu, cho năng suất cao, nên lúc nghe tin “sét đánh” bị thu hồi giá rẻ thì tôi phản đối. Chính quyền nói thu hồi đất xây công trình này công trình nọ làm lợi cho dân, nhưng tôi thấy dân không được lợi gì cả. Ở đây họ “xẻ thịt” đất của dân để bán trục lợi”.
Quay lại sự việc của con trai bà Quyến, lúc đó vị Chính trị viên đi xác minh lý lịch cũng rất bất ngờ vì cách hành xử này của địa phương. Ông phân tích thuyết phục, mong muốn địa phương tạo cơ hội để anh bộ đội được sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng địa phương vẫn quyết không xác nhận.
Vợ chồng bà Quyến trong kháng chiến đều là lính quân y, đóng quân ở chiến trường Nam Lào, tỉnh Quảng Trị. Bà từng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Nữ cựu chiến binh này hiểu rõ việc được kết nạp Đảng trong Quân đội là vinh dự rất lớn với bản thân con trai bà cũng như với gia đình. “Địa phương nắm được điều đó nên đã dùng thủ đoạn tước đi quyền khiếu nại của người dân, dồn tôi vào đường cùng”, bà nói.
Câu chuyện mẹ bị địa phương nhận xét “chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” còn khiến con trai bà Quyến trăn trở. Đơn vị, đồng đội nghĩ gì trước nhận xét đó? Anh bộ đội điện thoại về nhà tâm sự với mẹ. Một tuần sau đó bà Quyến trăn trở mất ngủ, đành cúi đầu lên xã ngậm ngùi nhận số tiền rẻ mạt 70 triệu “đền bù”. “Vì tương lai của con nên tôi đành chấp nhận nuốt uất ức vào lòng”, bà Quyến kể. Câu chuyện xác minh lý lịch Đảng cho con trai bà sau đó được “hanh thông”. Hiện con trai bà đã được 5 năm tuổi Đảng, đã xuất ngũ, nhà không còn đất ruộng sản xuất nên xin đi làm công nhân cho một công ty.
Nhận tiền bồi thường vì là đảng viên
Câu chuyện địa phương này huy động tất cả các cơ quan ban ngành vào cuộc ép dân nhằm thu hồi đất sai luật cũng được nguyên Bí thư chi bộ thôn Yên Lịch xác nhận.
Trong sự việc này, nguyên Bí thư chi bộ thôn Yên Lịch, ông Dương Xuân Thành (SN 1943, ngụ đội 3, thôn Yên Lịch) cũng rơi vào tình thế khó khăn. Bản thân ông có gần 360m2 bị thu hồi thực hiện dự án. Với tư cách là người nông dân, ông vừa không chấp nhận dự án thiếu minh bạch, không chấp nhận “bán đất” với giá rẻ mạt 25,5 triệu đồng. Thế nhưng cuối cùng ông vẫn phải nhận tiền đền bù. “Bản thân là đảng viên, Bí thư, bị địa phương gây sức ép nhiều nên mới nhận tiền như thế để lấy tiếng “chấp hành pháp luật”, dù thực tế không đồng tình”, ông nói.
Ông Thành kể lại, khi dự án triển khai, gia đình ông cùng các hộ có đất bị thu hồi được mời họp, thông báo giá đền bù 71 ngàn đồng/m2. Cán bộ huyện chủ trì cuộc họp chỉ đọc quyết định thu hồi đất. Với tư cách vừa là Bí thư, vừa là người nông dân, ông đã trình bày rõ: “Người nông dân chỉ còn đất trồng lúa để mưu sinh, nay thu hồi giá rẻ mạt sẽ đẩy nông dân vào cảnh thất nghiệp, dự án lại mập mờ “công ích thì ít mà trục lợi thì nhiều””. Đa số các ý kiến khác của nông dân cũng không tán thành việc thu hồi ruộng để xây dựng “khu nhà thương mại”. Họ muốn giữ lại đất mưu sinh.
Là nông dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, cũng là cán bộ thôn, thế nhưng ngay cả ông Thành cũng không biết rõ dự án làm gì? nhằm mục đích gì? huyện quản lý dự án như thế nào? “Tôi chỉ nghe loa phát thanh đọc đi đọc lại quyết định thu hồi đất”, ông kể. Tại các buổi họp, cán bộ từ xã huyện tỉnh đều tuyên bố thẳng thừng áp đặt “người bị thu hồi đất không được thỏa thuận đền bù”.
“Người dân không được thông báo minh bạch các khoản thu chi. Chưa nói việc chủ đầu tư chỉ thông báo tổng diện tích thu hồi nhưng thực tế thu hồi, phân lô bán nền được bao tiền người dân không biết? Chưa hết, diện tích bờ chung, bờ thửa dôi dư ra cũng không được công khai, số tiền đó đi đâu?”, ông Thành trăn trở với những câu hỏi nhiều năm vẫn chưa được giải đáp.
Kể lại nỗi day dứt trong quá trình bị “vận động tuyên truyền”, vị bí thư chi bộ cho hay thâm tâm phản đối quyết liệt dự án, nhưng các đoàn thể liên tục tới vận động. Các đoàn thể vận động ông Thành “là đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật”, tức là phải nhận tiền bồi thường giá rẻ. Rất nhiều lần ông Thành bị nhắc nhở về việc này. “Tôi không chấp nhận dự án, không chấp nhận số tiền đền bù rẻ mạt. Nhưng vì bản thân là đảng viên, bí thư nên cuối cùng đành bất lực chấp nhận”, nguyên bí thư chi bộ thôn lý giải.
Dự án tới nay có đem lại lợi ích gì cho cộng đồng không? Ông Thành trả lời trước đây người dân có thắc mắc “sau này không còn đất sản xuất nữa thì làm sao?”. Khi đó cán bộ trả lời “sau này những hộ có đất bị thu hồi sẽ được giao lô, quầy buôn bán ở chợ”. Nhưng thực tế chỉ rất ít hộ tham gia kinh doanh ở chợ mới, muốn kinh doanh phải nộp phí. Người dân địa phương cũng ít vào chợ mới, trung tâm thương mại mua bán vì hàng hóa ở đây không đa dạng. “Bản thân tôi thấy dự án chỉ có lợi cho những người có lợi ích nhóm trong đó, có lợi cho những tay buôn đất sang nhượng trục lợi cả chục triệu đồng mỗi m2”, ông Thành nói.
Trong công trình “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu”, trên hồ sơ giấy tờ, văn bản báo cáo, cơ quan chức năng lặp đi lặp lại quan điểm “đã thực hiện đúng các thủ tục vận động thuyết phục dân”. Thế nhưng sự thật, theo lời vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Dân Tiến giai đoạn 2003 - 2014, tiếng nói của dân và một số tổ chức chính trị xã hội đã bị cấp trên bỏ qua, coi thường. Những ý kiến phản bác đã được Mặt trận Tổ quốc xã ghi nhận, phản ánh song không được giải đáp. Vị trí vai trò của cơ quan phản biện giám sát đã bị bỏ qua. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong số báo tới.
Đánh giá về sự việc, cụ Phan Tiến (SN 1936), nguyên Bí thư Đảng bộ xã Dân Tiến cho rằng khi dự án trên triển khai, chính quyền không hề tổ chức họp bàn toàn dân để thông báo mà chỉ mời các hộ có đất bị thu hồi là thiếu sót. Lí do vì dự án ảnh hưởng tới toàn dân, người dân có quyền được biết và giám sát.
“Người dân chỉ biết dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, thu hồi 155 ngàn m2 xây dựng chợ, trung tâm thương mại và phân lô bán nền. Tới nay báo PLVN đăng tải, dân mới dần biết dự án trên bồi thường hết bao nhiêu tiền? Phân lô bán nền được bao nhiêu tiền? Tiến độ dự án thực hiện tới đâu? Đem lại lợi ích cho dân thế nào?”, cụ Tiến nói.
Theo cụ Tiến, chủ đầu tư phải công khai thông tin để người dân giám sát theo pháp luật. Đặc biệt dự án này tồn tại nhiều khuất tất như nhập nhèm “công tư”, đền bù hồi giá rẻ rồi phân lô bán nền giá “1 vốn 40 lời”. “Nếu là UBND huyện làm chủ đầu tư thì càng phải minh bạch”, cụ Tiến ý kiến.
Cụ Tiến nói rất hưởng ứng các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Nhưng dự án đó phải thực hiện đúng luật, hợp lòng dân. “Nông dân chỉ có ruộng để mưu sinh. Việc thu hồi ruộng có phục vụ lại dân hay không, họ có quyền được biết. Tại sao đến nay vẫn khiếu kiện kéo dài? Tôi đề nghị cấp trên phải vào cuộc xem xét, kiểm tra thanh tra sự việc”, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Dân Tiến nói.