Chuyện thật mà như đùa này, lại là những lời cam kết, khẳng định của các “bậc thầy”, “chuyên gia” giảng dạy bộ môn này. Vậy thực hư khóa học làm giàu có thật sự hiệu quả hay chỉ là những chiêu trò, lừa đảo?
Sự thật đằng sau khóa học làm giàu
Thời gian gần đây, khắp các mạng xã hội, băng quảng cáo, diễn đàn hay các khu vực quanh cổng trường đại học đều xuất hiện thông tin quảng cáo, giới thiệu về các khóa học làm giàu. Kèm với đó là những lời mời chào ấn tượng và hấp dẫn như: “Trở thành triệu phú ngay cả khi đang ngủ”, “Kiếm trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay”, “Không thành công không phải trả tiền”, “Đánh thức giấc mơ triệu đô của bạn”,… Đây chính là lời cam kết cho những khóa học làm giàu đang “mọc lên như nấm” thời gian gần đây.
Mô hình khóa học làm giàu giờ không còn quá xa lạ với xã hội ngày nay. Các khóa học này thường diễn ra từ vài buổi đến vài chục buổi tùy theo nhu cầu của người học với mức lệ phí khác nhau. Thông thường, lớp học càng đông thì mức phí càng giảm, song thấp nhất khoảng 2,5 triệu đồng/khóa, có những lớp lên đến chục triệu đồng. Trong quá trình học, các học viên còn được mời mua tài liệu tham khảo về các bí quyết làm giàu với giá không hề rẻ.
Những người chủ trì, trực tiếp giảng dạy các học viên thì đều tự xưng là “bậc thầy”, “chuyên gia” trong lĩnh vực làm giàu. Với mỗi khóa học, nội dung đào tạo đều có mô típ chung là nói “trên trời, dưới biển”. Từ những nguyên tắc, công cụ, cách thức kinh doanh, xen kẽ vào đó các câu chuyện kể về những triệu phú nổi tiếng của thế giới đi lên từ hai bàn tay trắng, cách kiểm soát bản thân ở mỗi cá nhân và khả năng khơi dậy niềm hứng khởi, sự say mê trong công việc…
Qua những lời lẽ hùng biện đầy hấp dẫn, thuyết phục, hầu hết những người tham gia khóa học đều rất hứng thú và sôi sục ý chí muốn làm giàu. Những câu chuyện được vẽ ra từ các “bậc thầy” làm cho học viên cảm thấy như chỉ cần giơ tay ra là nắm được bí quyết làm giàu, cơ hội đổi đời như đang sáng bừng lên trước mắt. Điều này càng đánh vào tâm lý, khi mà đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối và những người đang thất nghiệp, tìm kiếm cơ hội đổi đời nhanh chóng…
Chính những đòn đánh vào tâm lý ham giàu như vậy, khiến cho nhiều học viên sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để theo học hết khóa này đến khóa khác. Họ điên cuồng lao vào các khóa học làm giàu, từ bất động sản, chứng khoán, nghệ thuật giao tiếp, sức mạnh ngôn từ,... Khóa học này chưa kết thúc, khóa học khác đã được mời chào với những lời hứa hẹn làm giàu nhanh chóng hơn.
Lý giải cho lý do khiến cho các học viên cứ mải miết, kiên nhẫn đổ tiền học hết khóa này sang khóa khác. M.N (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã học được ba khóa rồi, thật ra đến giờ thì mình vẫn chưa giàu những mình vẫn kiên trì học. Vì tôi sợ rằng chỉ còn một chút nữa là có cơ hội biết được cách làm giàu mà lại bỏ lỡ thì phí phạm lắm”. Đây cũng chính là tâm lý của hầu hết các bạn tham gia khóa học và cũng là lý do khiến cho các bạn thi nhau mắc bẫy của những “bậc thầy”.
Tuy là giảng viên nói thì dễ, học sinh nghe cũng dễ nhưng việc bắt đầu thực hành thế nào lại là điều không đơn giản. Liệu có bao nhiêu người học xong khóa học lại có thể thực sự làm giàu được không? Hay còn rơi vào cảnh nhẵn túi vì học theo làm giàu? “Nghe thì dễ nhưng làm thì rất khó. Học xong bạn của em đã mang bán xe máy, máy tính xách tay, thậm chí vay tiền của bạn bè để lấy vốn… làm giàu. Song chỉ được thời gian ngắn, giàu chẳng thấy đâu mà số vốn ban đầu cũng hết sạch” – T.Đ (Nam Định), học viên từng học khóa làm giàu chia sẻ.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều bạn học làm giàu đâu không thấy mà lại thấy học làm con nợ. Có nhiều trường hợp chỉ bắt đầu với việc đăng ký tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” tham gia một khóa học chia sẻ kinh nghiệm làm giàu miễn phí, ai có thể ngờ, chỉ sau vài tháng, số tiền bỏ ra để tham gia các khóa học làm giàu siêu tốc đó đã lên đến hàng trăm triệu.
Có một nghịch lý là có những người trong khi bản thân đang phải “chạy ăn từng bữa”, lo tìm việc làm nhưng vẫn sẵn sàng vay mượn, bỏ ra hàng triệu đồng để học làm giàu. Chỉ đến khi những khoản nợ khổng lồ đè nặng lên vai, nhiều người mới giật mình tỉnh ngộ. Rằng chính họ - những học viên của khóa học làm giàu đã giúp cho những “bậc thầy” giàu lên chứ không phải giúp cho chính mình!
Cảnh báo khóa học lừa đảo. |
Những mánh khóe, chiêu trò
Phải công nhận một điều rằng, nếu không bàn đến tác dụng “vô thưởng vô phạt” của các khóa học làm giàu thì cách chúng lôi kéo được lượng lớn học viên thực sự rất đáng nể. Chiến lược của chúng là sử dụng mánh khóe, chiêu trò khiến cho nhiều “con mồi” sa bẫy các khóa học làm giàu.
Miễn phí là bước khởi đầu chính là chiêu thức đầu tiên. Hầu hết các khóa học làm giàu đều sử dụng cách này, đây là cách thu hút “con mồi” nhanh nhất. Với tâm lý thích miễn phí, khi nhìn thấy quảng cáo một khóa học làm giàu miễn phí lại còn vào dịp cuối tuần. Liệu ai có thể từ chối, khi mà họ nghĩ rằng “Đâu có mất tiền đâu, tội gì không đăng ký học thử?”. Vậy là họ dễ dàng đưa ra quyết định sẽ đến khóa học với niềm tin chắc chắn rằng: Sẽ thu được kiến thức mà không mất gì. Vậy là với bước khởi đầu này, các khóa học đã thu hút được hàng trăm học viên mỗi khóa.
Đây cũng chính là bước đệm để các “bậc thầy” kiếm tiền. Tiếp đó là đòn quyết định, sử dụng các chiêu thức đánh vào tâm lý ham muốn làm giàu của học viên. Đặc điểm chung của các khóa học làm giàu là biết cách xây dựng chương trình, sử dụng hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng đám đông,... để nâng cảm xúc người tham gia và để họ dễ dàng chi tiền.
Trong các khóa học mẫu, chuyên gia sẽ nói về câu chuyện thành công của những người có xuất phát điểm thấp hơn, từ đó đánh vào tâm lý không muốn thua kém của học viên. Trong đám đông luôn có “chim mồi” do ban tổ chức cài vào, để tung hô ca ngợi về khóa học. Và theo hiệu ứng đám đông, nhiều người đã “dính bẫy” tâm lý và đưa ra quyết định đóng tiền một cách nhanh chóng.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa Quản lý giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một bài phỏng vấn với VTVT24 đã chia sẻ: “Ai chẳng muốn giàu có hơn? Đó là tâm lý rất bình thường của mỗi người. Lợi dụng tâm lý đó cùng với những chiêu trò đánh vào tâm lý khác, những học viên đã lao vào trong mê muội, đánh mất nhận thức của mình, cảm thấy sung sướng vì mình đang dần trở thành người thành công, giàu có. Điều này khiến con người ta dễ hưng phấn, dễ ra các quyết định. Có điều, những quyết định vào lúc này thường không chính xác”.
Vậy là với những chiêu thức thuần thục được thực hiện hết khóa học này đến khóa học khác. Các “chuyên gia”, “bậc thầy” đã thu được rất nhiều tiền từ học viên. Vậy nhưng, những gì học viên thu lại được chỉ là mớ lý thuyết rỗng tuếch, không có căn cứ khoa học. Hoàn toàn chỉ là giáo trình “tự biên tự diễn” từ các giảng viên tự xưng. Vậy những chuyên gia giảng dạy là ai? Họ đã làm giàu như thế nào? Họ có thành tựu gì xuất chúng xứng đáng để chúng ta học tập? Kinh doanh trên lĩnh vực nào, thành công ra sao? Là những câu hỏi chẳng ai giải đáp.
Chúng ta chỉ thấy những bức tranh hào nhoáng về tri thức, tiền tài, danh vọng của “chuyên gia” được dựng lên hết sức mập mờ. Thực chất, “chuyên gia” là người lợi dụng khả năng ăn nói, cách thu hút sự chú ý để lùa được vô số những “con mồi” vào các lò luyện của họ. Nói cách khác, cách làm giàu không thể hiện trong những câu đạo lý, lý lẽ, kinh nghiệm mà họ truyền đạt mà chính xác nó nằm ở chỗ hành động của họ - làm giàu nhanh bằng cách lấy tiền học phí mà mọi người đóng khi tham gia khóa học.
Rõ ràng ước muốn giàu có là chính đáng nhưng để có được nó luôn là một cuộc hành trình cần có sự nỗ lực, học hỏi và kiên trì. Nếu như bỏ ra vài triệu mà có thể giàu được thì cả thiên hạ đã giàu. Hãy luôn nhớ rằng sẽ không có công thức tuyệt đỉnh nào giúp bạn giàu lên chỉ sau một khóa học, chỉ có sự trải nghiệm của chính bản thân bạn mới là người thầy tốt nhất.