Nhà đầu tư được phép khai thác quỹ đất được tạo ra từ việc hạ ngầm đường điện để bù đắp phần vốn đã đầu tư vào việc hạ ngầm. Thế nhưng, sau khi đã bỏ ra 200 tỷ đồng hạ ngầm, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể “đụng” tới quỹ đất.
Công nhân hạ ngầm lưới điện. (Ảnh minh họa) |
Từ năm 2009, Cty CP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận quy mô và cơ chế đầu tư Dự án thí điểm hạ ngầm đường điện 110KV tại khu vực đường Tô Hiệu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy.
Dự án cũng đã được các ngành thỏa thuận và góp ý về phương án kỹ thuật, thiết kế cơ sở. Cho đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành khối lượng đầu tư và xây lắp hạ ngầm đường điện với chi phí khoảng hơn 200 tỷ đồng. Theo quy hoạch mặt bằng đã được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận vào năm 2009 thì khu đất sẽ được khai thác xây dựng dự án công trình nhà ở thấp tầng với 37 căn hộ với khoảng 140 người dân.
Tuy nhiên, việc khai thác quỹ đất được tạo ra từ việc hạ ngầm đường điện bị trì hoãn do người dân không muốn một khu nhà sẽ mọc lên tại đây, mà muốn dành toàn bộ khu đất trồng cây xanh và khu vui chơi, giải trí chung.
Tiếp xúc với một số hộ dân tại đây, phóng viên được biết lý do phản đối dự án vì họ lo ngại việc “đổ” thêm 37 căn hộ tại đây sẽ khiến khu này tắc đường. Người dân còn lo ngại quỹ đất dành cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân hạn hẹp nên việc xây dựng khu nhà ở sẽ khiến cảnh quan môi trường nhếch nhác, điều kiện sống của người dân tồi tệ hơn.
Trước những kiến nghị này, chủ đầu tư đã chủ động đề xuất điều chỉnh Quy hoạch để phù hợp với đa số nguyện vọng của người dân. Theo đó, điều chỉnh dịch con đường nội bộ 7,5 m của dự án áp sát sau nhà của các hộ dân nhà F, F1 phố Tô Hiệu để họ thuận tiện giao thông. Hơn nữa, giá trị sinh lời đất của các gia đình cũng tăng lên đáng kể sau khi mặt sau các nhà sẽ ra mặt đường. Dự án cũng điều chỉnh dành khoảng 1.000 m2 làm vườn hoa, sân chơi cho khu dân cư. Thế nhưng, một số hộ dân ở đây vẫn chỉ muốn dành toàn bộ đất để làm vườn hoa, cây xanh.
Bà Chu Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Cty CP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng khẳng định, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đối với các khu vực cũ trong đô thị, được phép tăng bán kính phục vụ của các công trình công cộng (công viên cây xanh, trường học, nhà văn hóa) nhưng không tăng quá 100% so với các quy định về bán kính phục vụ đối với các khu quy hoạch mới. Việc có thêm 37 căn hộ sẽ không ảnh hưởng môi trường sống vì trong phạm vi này đã có các công trình công cộng như Công viên Nghĩa Đô (10ha), Nhà văn hóa Dịch Vọng, Sân vận động Nghĩa Tân... “Những kiến nghị của người dân là không có cơ sở” – bà Yến nói.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng cho biết, những kiến nghị nói trên của người dân đã được UBND quận Cầu Giấy và UBND TP trả lời bằng văn bản nhiều lần. Trong đó, cơ quan chức năng đã nêu rõ cơ sở pháp lý của dự án, nguồn gốc đất của các hộ và tiến độ giải phóng mặt bằng. Về nguồn gốc đất của các hộ, lãnh đạo UBND phường khẳng định, đây là đất nông nghiệp, do HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dich Vọng quản lý, HTX đã giao cho các hộ gia đình xã viên sử dụng và một phần do HTX quản lý. Diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường điện 110kV.
Thực tế, một số hộ đã lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vi phạm luất Đất đai và các quy định về hành lang an toàn lưới điện. Theo quy định, đất này sẽ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp.
Còn lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cũng khẳng định, dự án được thực hiện theo quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt. Việc chủ đầu tư dự kiến xin điều chỉnh quy hoạch và hiện đang đang tổ chức lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch là để phù hợp hơn với nguyện vọng của người dân. UBND phường sẽ tập hợp ý kiến để UBND quận báo cáo UBND TP quyết định.
“Ở dự án này, nhà nước quy hoạch thế nào thì đầu tư theo quy hoạch như thế, nhân dân phải chấp hành theo quy hoạch. Việc lấy ý kiến người dân là để cân nhắc, đảm bảo lợi ích hài hòa các bên và sự phát triển chung”, lãnh đạo UBND quận giải thích việc lấy ý kiến góp ý khi quy hoạch mặt bằng dự án đã được được phê duyệt.
Hà Linh
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu