Nhiều người, cuộc sống vợ chồng, con cái họ bị đảo lộn, thậm chí căng thẳng bởi một lý do rất lãng xẹt: Hàng xóm “chí phèo”!
Bên nhà bên “Chí”, bên nào nặng hơn? |
Khi biết chị Thu Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cần bán nhà gấp, gia đình, bạn bè ai cũng không khỏi ngạc nhiên. Vì chị Lan đang ở trong ngôi nhà 2 tầng đẹp đẽ, xinh xắn, ở gần “đường - trường - trạm” rất thuận lợi với cuộc sống “côi cút” của mẹ con chị.
Số tiền chị Lan tích cóp vừa đủ mua ngôi nhà mà không cần phải vay mượn thêm đồng nào. Chị luôn thắc mắc là vì sao ngôi nhà đó lại được chủ cũ bán rẻ so với giá thị trường một khoản tiền không nhỏ. Nhưng thắc mắc đó của chị Lan vụt qua đi, thay vào đó là nỗi hân hoan, vui sướng. Ngày chị chuyển tới, ánh mắt của những người hàng xóm nhìn chị ái ngại khiến chị hơi hoang mang, chột dạ.
Sống nhà mới được một tuần, trong một lần đi chợ, bà hàng xóm đầu ngõ ghé tay chị cảnh báo: “Chị đang sống cạnh nhà một “chí phèo” rồi đấy, khổ thân, hai mẹ con”. Bà hàng xóm bỏ lửng câu chuyện, tất cả bỏ đi, để lại trong chị gợn lên sự lo âu. Rồi lời cảnh báo của bà hàng xóm đã bắt đầu phát huy hiệu nghiệm. “Chí phèo” ấy là một người đàn ông tên là Nam, nhà sát vách của chị, khoảng chừng 55 tuổi. Nghe nói là bị vợ bỏ nên sinh buồn chán suốt ngày rượu chè. Nát rượu, ông Nam chửi rủa đời bạc bẽo, chửi rủa mình bất tài, chửi rủa hàng xóm vì trông ngứa mắt (!). Trong ngõ cụt đó, chỉ có mình chị và nhà ông Nam. Vì vậy, hàng xóm ở đây không ngoài ai khác là mẹ con chị.
Mỗi lần mẹ con chị ra khỏi nhà là bị chửi, về nhà lại bị chửi. Những lời cay nghiệt của ông hàng xóm “tấn công” chị làm chị hoảng loạn. Công việc của chị cũng vì thế mà ảnh hưởng. Rồi tới đêm, ông Nam lại gõ cửa, giật chuông để chửi khiến mẹ con chị không sao ngủ được. Con gái chị 7 tuổi cũng sợ hãi mỗi khi nhìn thấy ông hàng xóm có một không hai này. Sống nhà mới được hơn một tháng, chị Lan gầy đi ba cân, con gái chị học hành cũng bị sa sút. Nhiều lần, chị báo lên phường vì việc quấy rối này. Ông Nam cũng bị gọi lên phường nhắc nhở, phạt cảnh cáo nhưng rồi sự “khủng bố” tinh thần vẫn tiếp tục diễn ra mỗi khi ông Nam say xỉn.
Chịu không thấu, chị đành cầu cứu họ hàng, bạn bè giới thiệu người mua nhà. Để “bỏ của chạy lấy người”, chị sẵn sàng chịu lỗ 300 triệu đồng bán tháo ngôi nhà này. Rất may mắn cho chị là có người mua. Đó là người đàn ông 60 tuổi ở cùng với hai con trai gần 30 tuổi. Chị hy vọng, 3 người đàn ông này có thể “át tinh” được người hàng xóm “chí phèo” ấy.
Bị “lò bát quái” tra tấn
Không “bỏ của chạy lấy người” được như chị Lan, vợ chồng anh Hòa, chị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) đang sống trong cảnh lục đục cũng bởi hàng xóm. Số là, khi đi xem nhà để mua, chị Mai thấy trước mặt ngôi nhà ấy, hàng xóm bày la liệt bếp than đỏ lửa. Chị Mai ái ngại không muốn mua, nhưng rồi anh Hòa thuyết phục chị: “Mình cứ mua nhà đi, chuyển về đó, mình sẽ yêu cầu hàng xóm không được để bếp như vậy nữa”. Chị Mai biết chồng thích ngôi nhà đó nên đành gật đầu đồng ý.
Ở được vài hôm, nhà chị không khác “lò bát quái”. Bốn bếp than, hàng xóm làm hàng bán miến lươn lúc nào cũng đỏ lửa liên tục phả vào, “tấn công” nhà anh Hòa. Nhà chỉ có 25m2, lại ngõ cụt, gia đình anh Hòa không biết chạy đi đâu. Hai đứa con trai nhà chị, đứa lên 5, đứa lên 7 tuổi, ho rũ rượi bởi hít phải mùi của “lò bát quái” này.
Không chịu nổi sự khủng bố này, anh Hòa sang hàng xóm lựa lời yêu cầu hàng xóm dùng bếp ga thay bếp than, nhưng rồi nhận lại sự lạnh lùng, chống đối: “Nhà tôi làm hàng bán miến lươn, tích cóp từng đồng lãi, tiền đâu ra mà dùng bếp ga. Vả lại, tôi đun nấu thế này bao nhiêu năm nay rồi, có ai nói gì đâu. Anh chị mới chuyển về đây, cứ lắm chuyện. Nếu không thích ngửi thì đóng cửa vào, không ai cấm!”.
Tức nghẹn họng, anh Hòa yêu cầu một vài hàng xóm làm đồng minh để giải tỏa những “lò bát quái” này. Nhưng một lần nữa anh nhận sự từ chối bởi họ là anh em, họ hàng của nhau, hơn nữa nhà họ ở đầu ngõ, không phải hít mùi than như nhà anh.
Chưa hết, bốn cái bếp than đỏ lửa với sự có mặt của hai cái nồi nước hàng và hai chảo chiên lươn lúc nào cũng sôi sùng sục khiến anh chị luôn cảm thấy lo lắng. Hai đứa con trai chị đang tuổi ăn, tuổi chơi nghịch ngợm, anh chị sợ không may chúng bị ngã vào đó. Cứ nghĩ tới đó là anh chị thấy rùng mình, sợ hãi.
Anh chị Hòa cũng muốn bán ngôi nhà để chuyển đi nơi khác. Nhưng khổ nỗi, rất nhiều người vào nhà rồi lại lắc đầu bỏ đi. “Đi cũng dở mà ở chẳng xong”, ức chế, chị Mai liên tục cằn nhằn chồng vì sự chủ quan, vội mua ngôi nhà này để giờ cả nhà phải chịu trận. Còn anh Hòa chỉ còn biết ngậm ngùi thốt lên: “Hàng xóm ơi là hàng xóm”!
Thùy Dương