Khi mới được đầu tư xây dựng, “Cụm công nghiệp sạch” Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định) hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn đi vào hoạt động, “Cụm công nghiệp sạch” này khiến hàng trăm hộ dân sống xung quanh phải khổ sở bởi tình trạng ô nhiễm môi trường.
Người dân dùng chướng ngại vật chắn ngang đầu đường Điện Biên Phủ để hạn chế các phương tiện ô tô tải lưu thông qua lại. |
“Cụm công nghiệp sạch”… không sạch
Năm 2003, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) Nhơn Bình với tổng diện tích trên 26 ha và giao cho Cty CP Dịch vụ phát triển hạ tầng P.B.C (Cty PBC) làm chủ đầu tư. Năm 2005, cơ sở hạ tầng CCN Nhơn Bình được xây dựng hoàn thành với tổng kinh phí trên 55 tỉ đồng.
Theo tiêu chí của một “Cụm công nghiệp sạch”, CCN Nhơn Bình được bố trí các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất thuộc những ngành hàng như may mặc; hàng điện tử; cơ khí chế tạo máy; lắp ráp ô tô; vật liệu xây dựng; hàng nông sản xuất khẩu; thủ công mỹ nghệ…
Bên cạnh đó, trong quy trình cấp phép đầu tư, các DN đều được yêu cầu nêu rõ thành phần chất thải và công nghệ xử lý, thu gom sơ cấp tại nhà máy; khi đi vào sản xuất, tất cả các DN có nước thải đều phải xử lý cục bộ tại nhà máy; sau đó mới cho thải vào hệ thống nước thải chung của CCN…
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, “Cụm công nghiệp sạch” này khiến hàng trăm hộ dân ở xung quanh phải khổ sở bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do các DN, cơ sở sản xuất gây ra. Năm 2007, bất chấp những cam kết ban đầu, một số DN xả trực tiếp nước thải, khói thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước và không khí; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Từ giai đoạn năm 2010 đến cuối năm 2012, hàng chục DN tại CCN ngừng sản xuất, chuyển sang kinh doanh mì lát và cho thuê nhà xưởng làm kho chứa nông lâm sản, phân bón, khoáng sản titan… gây bụi bặm, mùi hôi, khiến môi trường xung quanh khu vực bị ô nhiễm nặng.
Đặc biệt, từ khi nhiều DN chuyển sang kinh doanh kho bãi, mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải với tải trọng lớn tấp nập vào ra CCN để vận chuyển hàng hóa làm cho các con đường dẫn vào CCN (đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ) nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nặng, bụi bay mù mịt khắp nơi.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, một người dân ở khu vực 1, phường Nhơn Bình, bức xúc: “Cứ tầm 5 giờ chiều trở đi là những hộ có nhà nằm ở mặt tiền đường Võ Thị Sáu phải đóng kín cửa bởi không thể chịu nổi khói, bụi phát ra từ hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau từ CCN đi ra hướng đường Hùng Vương”.
“Từ khi có CCN này, hàng trăm hộ dân ở tổ 6 luôn chịu cảnh “sống chung” với ô nhiễm môi trường. Trước kia, người dân phải khổ sở với tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước; còn hiện nay thì phải hứng chịu mùi hôi của nông sản, của bụi bặm và tiếng ồn. Chúng tôi nhiều lần phản ảnh lên cấp trên để được xem xét, giải quyết nhưng chẳng có kết quả gì”, ông Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố 6, khu vực 1, phường Nhơn Bình, cho biết.
Từ giữa năm 2012 và đầu năm 2013, người dân sống xung quanh CCN liên tục dùng chướng ngại vật chặn tại các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Trương Vĩnh Ký, Phan Bá Vành… ngăn không cho xe tải chở hàng ra vào. Đặc biệt, một số người dân ở tổ 6, khu vực 1 còn mua xi măng, đá chẻ về xây dựng “bờ kè” kiên cố đầu đường Võ Thị Sáu để chặn xe…
Người dân ở tổ 6, khu vực 1 xây dựng “bờ kè” kiên cố chắn ngang đầu đường Võ Thị Sáu để chặn xe |
Loay hoay xử lý
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Cty PBC- cho biết: Trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân, Cty đã làm việc với các đơn vị liên quan và yêu cầu cam kết thực hiện một số nội dung về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các DN khi ký kết hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển hàng ra vào CCN phải thực hiện các yêu cầu như xe chở hàng phải phủ bạt và có biện pháp che chắn tránh phát tán mùi, bụi; xe lưu thông trên các tuyến đường chạy với vận tốc tối đa 5km/h…; trong thời gian hàng lưu kho phải phun chất khử trùng chống mối mọt, xử lý triệt để việc phát tán mùi hôi ra bên ngoài; trong quá trình xuất nhập hàng phải đóng kín các lam, cửa thông gió, hạn chế thấp nhất việc phát tán bụi…
“Từ khi chúng tôi thực hiện các biện pháp trên, tình trạng ô nhiễm môi trường do việc phát tán mùi hôi, mối mọt giảm đáng kể. Về tình trạng xe ra vào CCN khiến tuyến đường Điện Biên Phủ bị hư hỏng, dù tuyến đường này không thuộc trách nhiệm quản lý, sửa chữa của Cty nhưng để hạn chế tạm thời tình trạng phát tán bụi khi xe lưu thông, chúng tôi đã thuê đơn vị chuyên môn san lấp mặt đường, thường xuyên tưới nước”, bà Nga cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Lê Đình Thảo - Giám đốc Cty TNHH Quản lý - sửa chữa đường bộ Quy Nhơn, về lâu dài, UBND TP Quy Nhơn đã có chủ trương sử dụng một phần kinh phí thuộc Tiểu dự án vệ sinh Môi trường Quy Nhơn để nâng cấp, tu sửa tuyến đường Điện Biên Phủ nhằm đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện khi ra vào CCN Nhơn Bình.
Trước thực trạng bất khả kháng này, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án di dời CCN Nhơn Bình ra khỏi khu vực trung tâm TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức “chỉ đạo”, “nghiên cứu”; còn khi nào sẽ di dời CCN vẫn là “bài toán” chưa có “đáp số” cụ thể.
C.Minh