Sau gần 17 tháng kể từ khi thụ lý vụ kiện thì vào ngày 10/9 tới, TAND quận Hà Đông (Hà Nội) sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính của cụ Nguyễn Thị Hà (vợ liệt sỹ, SN 1938, trú tại khu cầu Đơ 2, phường Hà Cầu, quận Hà Đông) kiện ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Hà Cầu - người đã ký Quyết định và tổ chức phá dỡ nhà của bà Hà vào tháng 10/2010…
Thửa đất của bà Hà (phần trùm bạt) và thửa đất của bà Hoài (phần giáp công trình đang xây dựng) sau khi bị chính quyền phá dỡ nhà |
Phá nhà kiểu… “bịt mắt”
Vụ kiện xuất phát từ Quyết định do ông Hùng ký hồi tháng 10/2010 với nội dung: “Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” của bà Hà. Lý do vi phạm được đưa ra là “lấn chiếm đất công để xây dựng trái phép”. Trong khi đương sự còn đang khiếu nại Quyết định nêu trên, thì UBND phường Hà Cầu đã vội vã tổ chức lực lượng xuống cưỡng chế phá dỡ nhà khiến cụ bà 74 tuổi phải sống vạ vật, bát hương thờ cúng liệt sỹ được chính quyền để ở trụ sở UBND phường hàng tháng trời trước khi đưa đi gửi ở Chùa. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoài ở cùng dãy cũng bị chính quyền phá dỡ cùng đợt này với lý do tương tự.
Tuy quy kết gia đình bà Hà, bà Hoài “lấn đất công” nhưng UBND phường Hà Cầu đã không đưa ra bất cứ một chứng cứ gì để chứng minh nội dung trên. Hồ sơ địa chính liên quan thửa đất đã bị “giấu nhẹm” khiến cụ bà 74 tuổi phải ngược xuôi tìm hiểu thì được biết, ngôi nhà bị phá dỡ của mình không nằm trên “đất công” như quy kết của ông Chủ tịch phường.
Chính hồ sơ lưu trữ tại UBND phường thể hiện, ngôi nhà này nằm trên thửa đất số 5, tờ bản đồ số 14 (2B- I- B- d) năm 1998 xã Hà Cầu (nay là phường Hà Cầu- PV) có diện tích 31,8 m2, mang ký hiệu “T” (tức “Thổ cư”). Sổ mục kê thể hiện bà Nguyễn Thị Hà là chủ quản lý, sử dụng thửa đất. Còn thửa bên cạnh mang số 16, rộng 20,1m2 có nhà bà Hoài cũng có ký hiệu là “T”
Với hồ sơ trên thì gia đình bà Hà, bà Hoài hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp Sổ đỏ. Vậy nhưng, không hiểu sao thay vì phải hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Sổ đỏ thì UBND phường Hà Cầu lại cố tình quy chụp “lấn đất công” để phá dỡ nhà của 2 gia đình một cách oan uổng.
Đáng nói hơn, người dân phường Hà Cầu chưa hết ngỡ ngàng trước việc phá dỡ vội vã trên thì đã thấy 1 công trình xây dựng phía sau nhà bà Hoài xuất hiện, được “trồi” ra mặt tiền và lấn vào nền nhà cũ của bà Hoài cả chục m2. Từ đây, nhiều người nghi ngờ về động cơ của việc UBND phường Hà Cầu khi bất chấp nguồn gốc thửa đất để phá dỡ 2 ngôi nhà đã từng yên ổn ở đó cả chục năm trời.
Ông Chủ tịch có 2 chữ ký “đá nhau”
Bức xúc trước việc làm trên, bà Nguyễn Thị Hà đã khởi kiện vụ án hành chính đối với Chủ tịch UBND phường Hà Cầu Nguyễn Văn Hùng vào tháng 12/2010. Thế nhưng, khi Tòa chưa tiến hành thụ lý vụ án, thẩm phán Hoàng Anh Chiến đã gọi 2 bên đến tiến hành hòa giải để rồi 4 tháng sau mới tiến hành thụ lý vụ án (theo quy định là 7 ngày).
Đã kéo dài thời gian thụ lý vụ kiện, thẩm phán Chiến còn kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử lên 17 tháng (trong khi quy định thời hạn này chỉ là 4 tháng). Bức xúc, đại diện người khởi kiện đã có đơn đề nghị xin thay đổi thẩm phán vì cho rằng, thẩm phán Chiến “không vô tư, khách quan và cản trở, gây khó khăn cho người khởi kiện”. Tuy nhiên, đề nghị này không được Chánh án TAND quận Hà Đông chấp nhận.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 10/9 tới đây sẽ do thẩm phán Chiến làm chủ tọa. Người dân chờ đợi sự lý giải của Chủ tịch UBND phường Hà Cầu đối với Quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà mà mình đã ký, nhất là về chữ ký của chính ông Hùng trong “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất” năm 1997.
Theo đại diện của bà Hà thì tài liệu này (cùng với Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, Bản đồ xã Hà Cầu) hiện đang được lưu giữ tại Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội mà nội dung của nó hoàn toàn phù hợp với bản đồ, sổ mục kê đang được lưu giữ tại UBND phường Hà Cầu. Tức là thửa đất số 5, rộng 31,8m2 (mục đích sử dụng: để ở) mang tên bà Nguyễn Thị Hà. Quan trọng hơn, nó còn có cả chữ ký của ông Nguyễn Văn Hùng - thời điểm đó là cán bộ địa chính xã Hà Cầu.
Vẫn là thửa đất này nhưng 13 năm sau, ông Nguyễn Văn Hùng - lúc này là Chủ tich UBND phường - lại ký văn bản quy kết là…“đất công”. Phải chăng ông Chủ tịch đã quên bút tích của mình năm 1997 hay cách nhìn nhận “đất công” của ông Chủ tịch đã khác so với cách nhìn nhận của 1 cán bộ địa chính?.
Trước những chứng cứ rành rành như trên nhưng vào tháng 3/2012, trong văn bản gửi TAND quận Hà Đông và báo cáo cấp trên, ông Hùng vẫn khăng khăng:“Qua kiểm tra, rà soát, UBND phường nhận thấy hành vi của bà Hà là lấn chiếm đất công để xây dựng công trình trái phép”. Không hiểu cái gọi là “kiểm tra, rà soát” của UBND phường Hà Cầu được tiến hành ra sao mà không phát hiện ra tờ bản đồ và sổ mục kê có tên bà Hà trong đó?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính trên đây.
Khoa Lâm