“Theo truyền thống”, “phi truyền thống” đó là cách người Việt nhìn nhận về nghề nghiệp của đàn ông và đàn bà. Bởi theo suy nghĩ của nhiều người, thật lạ đời khi phụ nữ làm lái xe, cảnh sát, phi công… và thật nực cười khi đàn ông trông trẻ, nội trợ. Lối suy nghĩ này vô hình trung đã “kéo” định kiến giới xâm lấn vào lĩnh vực nghề nghiệp.
Hình ảnh Nữ cảnh sát giao thông đang được người dân yêu mến |
Em tuýt còi ngoài đường
Nữ thiếu úy CSGT (thuộc Phòng CSGT thành phố Hà Nội ) Nguyễn Mai Huyền thật xinh đẹp và chững chạc trong bộ cảnh phục. Cô cho biết, nghề cảnh sát giao thông là một nghề vất vả với cả hai giới chứ không riêng gì phụ nữ, với tần suất làm việc nhiều giờ ngoài đường mỗi ngày giữa khói bụi, hiểm nguy.
“Nhưng, tôi yêu nghề và không bao giờ ân hận vì đã chọn nghề. Dù rằng để theo đuổi nghề, tôi phải biết hy sinh nhiều lợi ích cá nhân” – Mai Huyền khẳng định. Đổi lại, với thế mạnh của nữ CSGT, mỗi khi trên phố, Mai Huyền luôn nhận được sự chấp hành và nụ cười ủng hộ của người tham gia giao thông.
Cũng như Mai Huyền, để trụ lại với công việc mình yêu thích, nữ phi công Võ Thanh Thảo - một trong bảy nữ phi công của Việt Nam, hiện là cơ phó máy bay A320-321 của Tổng Công ty Hàng không Việt, đã vượt qua muôn vàn sự khắt khe của yêu cầu nghề nghiệp và khó khăn trong tập luyện.
“Tuyệt đối không có sự ưu ái nào cho nữ phi công trong hai năm rưỡi tu nghiệp, cũng như giờ đây khi sải cánh trên những đường bay” – nữ phi công Thanh Thảo cho biết – “bởi trách nhiệm nghề nghiệp đối với cả nam và nữ giới đều như nhau, tính mạng, sự an toàn của hành khách trông cả vào mình”.
Theo Thanh Thảo, mỗi người đều có thể thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời, miễn sao có đam mê vì “chúng ta chỉ có một cuộc đời, đừng giới hạn mình bởi định kiến nghề nghiệp của xã hội”
Anh uyển chuyển điệu múa
Nghề nghiệp không quy định giới tính, miễn sao có niềm đam mê – đó là đúc kết của nam nghệ sĩ múa ba lê Cao Chí Thành sau nhiều năm miệt mài với ánh đèn sân khấu, đôi giày mũi cứng và gặt hái được nhiều thành công.
Giao lưu làm nghề “phi truyền thống” tại sự kiện “Phá bỏ định kiến giới về nghề nghiệp” |
Cao Chí Thành cho biết, anh ước ao được múa từ khi còn là cậu bé 13-14 tuổi nấp sau cánh gà xem những vở kịch múa. Thi vào trường múa, mải mê tập luyện, anh không hề chạnh lòng mỗi khi bị chúng bạn, người đời nhăn mũi chê: “Đàn ông mà chọn nghề lạ đời”, rồi “đàn ông làm nghề đàn bà”.
Sự tinh tế trong nghề không hề làm cho nét nam tính của người nghệ sĩ suy giảm, mà ngược lại sức dẻo dai, quyết tâm của một người đàn ông đã giúp anh ngày một trưởng thành với nghề.
“Tôi yêu những đứa trẻ nên chưa bao giờ gặp trở ngại gì trong nghề” – anh Nguyễn Trọng Việt - giáo viên mầm non ở thị trấn Thanh Sơn, Sơn Động, Bắc Giang tâm sự.
Anh Việt đến với nghề giáo viên mầm non từ một sự quyết định chín chắn của bản thân. Trước khi quyết định đâm đơn thi vào trường cao đẳng mầm non, anh đã suy nghĩ rất kỹ và “tầm sư học đạo” ở những người đi trước.
“Gia đình tôi phản ứng dữ dội, nhưng tôi đã quyết chọn nghề” – mỗi khi bế ẵm, nâng niu những đứa trẻ trên tay, dạy chúng hát múa, anh Việt lại một lần nữa khẳng định rằng mình đã không sai lầm.
Ủng hộ sự đa dạng
Có hay không định kiến giới trong nghề nghiệp? Câu trả lời rằng có! Dù rằng trên đây là những người đàn ông/phụ nữ có thật, đang làm tốt những công việc “trái truyền thống” theo quan điểm số đông xã hội. Nhưng, có một thực tế khẳng định rằng, không hề có một nghề nghiệp nào chỉ dành riêng cho đàn ông, nữ giới cấm bén mảng và ngược lại.
Hay nói như bà Suzette Mitchell, Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ LHQ tại Việt Nam: “Hãy đừng giới hạn bản thân bạn, bạn bè của bạn, các thành viên trong gia đình bạn bằng những gì bạn làm hoặc bạn nói về người khác. Hãy ủng hộ sự đa dạng và mở rộng cơ hội cho chúng ta!”
Minh Dương