Những cuộc “rẽ ngang” bất ngờ
Cho đến nay, Thúy Hằng, tức Hằng “Eden”, chủ một cửa hàng quần áo tự thiết kế online khi nhớ lại vẫn còn ngạc nhiên về sự lựa chọn của mình. Là sinh viên Khoa Công nghệ may, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, ra trường, Hằng có thời gian làm việc cho phòng thiết kế một thương hiệu thời trang khá có tiếng ở TP HCM, làm việc tại Bình Dương.
Mức lương của Thúy Hằng so với bạn bè là khá cao, gần 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau khi đi làm ba năm, tích lũy cho mình một số kinh nghiệm khá, cô gái trẻ bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ mở cho mình một cơ sở kinh doanh thời trang thiết kế riêng. Tuy nhiên, do không có vốn, Hằng quyết định đi con đường “dễ thở” hơn, kinh doanh online. Hằng lập ra một trang facebook và một website riêng, những mẫu quần áo do mình thiết kế và hoàn tất thành phẩm, Hằng đăng lên mạng rao bán. Dần dà, với mẫu mã lạ và giá cả phải chăng, cô gái trẻ bắt đầu có lượng khách hàng kha khá, rồi dần dà trở thành một địa chỉ mua hàng quen thuộc của người mua hàng trên mạng. Hàng tháng, thu nhập của Hằng không dưới 20 triệu đồng.
Mạng xã hội cũng không ít những người bán hàng online nổi tiếng, tạo dựng được những thương hiệu uy tín, mà chủ nhân đều là những cử nhân, thạc sỹ như Yến Linh, nữ nhà văn trẻ, chủ thương hiệu thời trang online YeLi được giới trẻ ưa chuộng, Bạch Nữ, cô cử nhân từ ước mơ làm bánh đã bỏ học, làm bánh bán online và trở thành chủ cửa hàng online Dona Bakery…
Một số trí thức, từ cương vị quản lý tại các công ty lớn cũng bỏ ngang lập nghiệp với nghề bán hàng online, sau đó lập ra được những thương hiệu lớn, đó là trường hợp của chị Linh Nguyễn, với hai bằng đại học, quản lý tại một công ty truyền thông, sau đó buôn bán qua mạng và lập ra một loạt thương hiệu bán hàng online thuộc nhiều lĩnh vực như Món Quê, Tiệm Lạc Xoong; chị Thanh Xuân, quản lý tại một tạp chí giải trí, bỏ nghề để bán mỹ phẩm online và nay là chủ thương hiệu Chợ Tình của Boo đình đám.
Ranh giới mong manh
Mạng xã hội đã chứng kiến nhiều cuộc “rẽ ngang” rất bất ngờ, có những người rời bỏ công việc văn phòng an nhàn, chấp nhận khởi nghiệp kinh doanh online, vừa làm người bán, vừa tự rong ruổi ngoài đường giao hàng, những người làm lương cao đến ngàn USD vẫn về nấu nướng, bán từng ly nước mát… Sự phát triển của mạng xã hội đã mở ra cho người trẻ nhiều cơ hội khởi nghiệp trong mơ như không tốn kém mặt bằng, không tốn nhiều thời gian, có thể phát huy sở trường của bản thân. Cùng với thực tế là không ít người đã thành công rực rỡ với việc bán hàng online, tạo ra thu nhập khổng lồ, nên công việc này đã trở nên lý tưởng trong mắt nhiều người trẻ. Tuy nhiên, sự thật có phải luôn dễ dàng như thế?
Bỏ việc tại một ngân hàng, Thanh Hương quyết định theo nghề bán trang sức online, sau khi thấy bạn bè mình nhiều người làm tàn tàn, không cần 8, 9 tiếng một ngày mà vẫn sống khỏe. Tuy nhiên, sau ba tháng buôn bán ế ẩm, Thanh Hương đành phải chuyển hướng sang kinh doanh trái cây sạch. Được vài ngày đầu có khách, sau đó là hai tháng ròng chẳng bán được cho ai, cô gái này tiếp tục chuyển thêm vài mặt hàng khác nữa, và cuối cùng đành lọ mọ xách hồ sơ đi xin việc.
Có rất nhiều trường hợp như Thanh Hương, bị thu hút bởi sự dễ dàng và “hái ra tiền” của việc bán hàng qua mạng, để rồi sau khi bỏ việc, ập vào, mới thấy mọi thứ không dễ dàng. Không ít trường hợp những người trẻ, vì đặt ra cho mình mục tiêu “bán cho được hàng” mà chấp nhận bán hàng “chụp giật” kiểu rao một đằng bán một nẻo, hoặc kinh doanh các loại hàng giả, kem trộn…
Trong “cơn sốt” của nghề kinh doanh qua mạng, một số cử nhân ra trường đã không chịu làm việc ở những nơi ổn định, ập vào buôn bán đủ mặt hàng, để rồi một thời gian sau, khi thất bại, đi xin việc thì đã bị chậm nhịp, thiếu kinh nghiệm so với bạn bè đồng trang lứa. Tất nhiên, mạng internet vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những người có đam mê kinh doanh, và theo như các chuyên gia, trong vài năm nữa vẫn là một thị trường đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, đó cũng là mảnh đất khắc nghiệt, nơi chỉ dành cho những người có định hướng, có ước mơ thật sự, chứ không phải là những người trẻ chưa kinh qua thử thách đã muốn có công việc “tự do, thu nhập cao”. Chưa lăn lộn tìm kiếm kinh nghiệm đã muốn làm chủ, nuôi những ước mơ thành công một sớm một chiều.
Ranh giới giữa ước mơ và sự vọng tưởng, giữa mục tiêu thật sự với toan tính thực dụng là khá mong manh, nếu người trẻ không phân định được rõ ràng, thì mạng internet, thay vì là bệ đỡ, sẽ trở thành mạng nhện khiến họ vùng vẫy không tìm thấy lối ra.