Buộc phải ly hôn vì chồng vô trách nhiệm
Tuổi đã xế chiều nhưng mỗi khi nhắc lại quyết định ly hôn chồng của mình từ ngày trẻ sau 9 năm chung sống, bà Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1954, quê Hà Nội) vẫn thấy đau lòng. Người phụ nữ này chia sẻ, bà là giáo viên mầm non. Chồng bà xuất thân trong gia đình khá giả, gốc Hà Nội, làm họa sĩ.
Thời điểm yêu nhau, ông là người đứng đắn, hiền lành. Tìm hiểu một năm, ông và bà mới về chung một nhà. Kể từ sau ngày cưới, hai vợ chồng nảy sinh bất hòa. Xung đột vợ chồng đẩy lên đến đỉnh điểm, hai vợ chồng quyết định ly hôn sau 9 năm chung sống.
“Hôn nhân là sự gắn kết, cùng nhau xây dựng tổ ấm giữa vợ và chồng nhưng ngần ấy năm, tôi không cảm nhận được sự vun vén, quan tâm của ông ấy với gia đình. Mỗi lần vợ chồng xích mích, bị chồng buông lời cay nghiệt, tình cảm trong tôi cũng dần nguội lạnh” - bà Phương kể.
Dẫu sống với chồng không hạnh phúc nhưng bà Phương tâm sự, mẹ chồng và gia đình chồng vẫn đối xử tốt với bà. Ngày vợ chồng con trai ly hôn, mẹ chồng bà rơi nước mắt, nhìn con dâu đưa cháu nội rời khỏi nhà.
Bà Lưu Thị Dung (sinh năm 1931, quê Thái Bình) được nhiều người biết đến bởi câu chuyện ly hôn chỉ vì chồng không rửa bát. Song không mấy ai biết rằng đằng sau câu chuyện bỏ chồng ấy lại là cả một đời đắng cay.
Bà Dung tâm sự bà và chồng là đồng nghiệp của nhau, sau khi chồng ly dị vợ cả thì hai người đã nảy sinh tình cảm. Khi về làm vợ người đàn ông kia, gần như việc nhà đều đổ dồn lên đầu bà, bà vẫn chấp nhận và cam chịu chỉ mong gia đình được yên ả qua ngày. Nhưng rồi dần dần những mâu thuẫn giữa bà với chồng và gia đình nhà chồng đã đẩy cuộc sống của bà đi vào bế tắc.
Ngoài việc “không một lần rửa bát” đó là cả một sự vô tâm, vô trách nhiệm của chồng. Bà Dung kể lại những lúc mệt mỏi, ốm đau cũng không thể nhờ chồng giúp việc nhà. Không con chung, nuôi con riêng của chồng như con đẻ nhưng cuối đời bà phải chịu đựng những lời chửi rủa thậm chí bị đuổi khỏi nhà của cả chồng và con, “có lọ thuốc bổ nào của họ hàng gửi về từ nước ngoài, là tôi nhường cho chồng để bồi bổ sức khỏe, nhưng tất cả những điều đó đâu có được ghi nhận mà tôi chỉ ngày càng tủi thân, sức khỏe tôi dần suy giảm…”, bà kể.
Không chịu được tình cảnh cặm cụi làm việc mà không được đáp lại, tháng 9/2014, bà Dung đệ đơn ra tòa, khi đó bà Dung đã ngoài 80 tuổi, mặc cho người đời dị nghị. Câu chuyện “chồng không chịu rửa bát” chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến người phụ nữ ấy chọn lựa một cuộc sống đơn độc cuối đời.
Vợ chồng phải biết dành thời gian cho nhau
Có không ít người khi nghe lý do ly hôn của hai người phụ nữ trên đã trách họ không biết phận mình vì người vợ “xuất giá tòng phu” trong gia đình phải cáng đáng việc nhà là chính. Nhưng ở đời phải ở trong chăn mới biết chăn có rận” và với hai người phụ nữ nói trên đằng sau câu chuyện bỏ chồng ấy cũng là cả một đời đắng cay. Họ buộc phải làm vậy vì sự vô trách nhiệm đến quá đáng của những đức ông chồng.
Có thể nói, yếu tố khởi đầu tạo nên gia đình chính là hôn nhân. Từ quan hệ hôn nhân tạo nên các mối quan hệ khác. Trong đó, hôn nhân là yếu tố nền tảng tạo sự bền vững của gia đình. Để duy trì được cuộc hôn nhân bền vững, mỗi người khi làm vợ, làm chồng không chỉ giữ gìn và thắp lửa tình yêu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà còn có trách nhiệm, bổn phận với nhau và với chính cuộc sống mà cả hai cùng tạo dựng.
Nghĩa vụ, trách nhiệm đó được thể hiện qua việc vợ chồng cùng chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà và đóng góp tài chính.
Nói về trách nhiệm của vợ chồng trong cuộc sống gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhấn mạnh việc khi đã là vợ, là chồng mỗi người cần phải biết dành thời gian cho nhau và cho con cái. Trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, dường như ai cũng có công việc, sự nghiệp riêng.
Nhiều người vì tính chất, áp lực công việc và những mục tiêu theo đuổi mà sao nhãng hoặc quên đi việc chăm sóc người bạn đời của mình, chăm sóc con cái. Khi công thành danh toại nhìn lại mới nhận ra rằng mình đã đánh mất đi một phần giá trị đích thực của cuộc sống.
Do đó, ngay từ những năm tháng đầu tiên của đời sống vợ chồng, cả hai cần có sự trao đổi, thống nhất về việc chăm sóc gia đình, con cái. Mỗi người hãy coi con cái như là sự nghiệp của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ biết cách sắp xếp công việc, dành thời gian cho con.
Cha mẹ luôn luôn cần phải biết nuôi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho con cái; chăm lo, tạo điều kiện học tập, phát triển đạo đức, trí lực, bảo vệ quyền lợi đồng thời là tấm gương sáng cho con. Tổ chức cuộc sống vợ chồng và chăm sóc, nuôi dạy con là trách nhiệm của cả vợ và chồng.
Do đó, người chồng cần tránh việc phó mặc mọi việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái cho vợ. Thay vào đó, cả hai hãy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình nhằm xây đắp tổ ấm hạnh phúc.
Bên cạnh đó, sự chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp về tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước đây, trong sự phân định chức năng, nghĩa vụ đối với gia đình ông cha ta từng nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Như vậy, trách nhiệm chính của người chồng là kiếm tiền nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho gia đình còn người vợ sẽ là người giữ gìn hơi ấm gia đình.
Tuy nhiên, ngày nay, trách nhiệm đó được san sẻ cho cả vợ và chồng. Vợ chồng phải cùng nhau gây dựng, chung lưng đấu cật, tìm kiếm cơ hội làm giàu, phát triển kinh tế gia đình. Tránh trường hợp mỗi người chỉ biết tạo dựng theo đuổi sự nghiệp cá nhân mà quên đi hoặc coi khinh người bạn đời của mình.
Hoặc đôi khi một người vợ hoặc chồng chỉ an phận thủ thường, ỷ lại vào người kia, sống lười biếng, vô trách nhiệm. Nếu trong cuộc sống vợ chồng cả hai không có đóng góp chung về tài chính, kinh tế gia đình khó khăn dễ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và những rạn nứt không đáng có, hậu quả có thể là “ai đi đường nấy”, “tan đàn xẻ nghé”.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, hạnh phúc gia đình cần được tạo dựng từ nền tảng vững chắc mà hơn hết là việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất, đồng thời là cơ sở để đáp ứng nhu cầu tinh thần. Khi cả hai nhu cầu đó được thỏa mãn thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, vui vẻ, cùng chung sức chung lòng tạo dựng mái ấm gia đình.