Đối với người vợ, bị phản bội là một trong những điều đau đớn nhất. Có những người vợ, vừa bị ngoại tình, lại còn trở thành nạn nhân của những vở kịch độc ác và hoàn hảo do chính chồng mình và kẻ thứ ba dựng nên...
Màn kịch hoàn hảo của "em dâu"
Đó là trường hợp của Phan Thị Kim Minh ở Quy Nhơn, một câu chuyện gia đình buồn đang được cộng đồng mạng quan tâm thời gian qua. Kim Minh sinh năm 1987, vừa tốt nghiệp Sư phạm ở Huế thì đi lấy chồng.
Ban đầu, Kim Minh cũng dự tính sẽ sớm đi làm, thế nhưng, sau đám cưới Kim Minh có thai, rồi sinh con, vì thế đành cam phận ở nhà làm bà nội trợ, chờ con lớn rồi tính tiếp. Chồng Kim Minh làm nhân viên xuất nhập kho cho một công ty thuỷ sản, lương cũng kha khá, đủ nuôi gia đình.
Một lần, chồng cô cho biết là suýt gặp một nạn lớn vì vào sổ sai số hàng với mức chênh lệch cao, may nhờ một đồng nghiệp tốt bụng hết lòng giúp đỡ nên thoát được, tránh khỏi bị đền với số tiền hơn trăm triệu.
Sau vụ ấy, vợ chồng chị Kim Minh có mời người nữ đồng nghiệp ấy về chơi. Thấy người nữ đồng nghiệp của chồng vui vẻ, hiền hậu, lại tốt bụng, chị Kim Minh ngỏ ý muốn làm mai cho em trai mình hiện đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Từ câu chuyện đùa ấy, họ xưng với nhau là "chị dâu" và "em dâu", mối quan hệ ngày càng thân thiết hơn. Không có em gái, đi đâu, làm gì chị cũng rủ cô "em dâu tương lai" đi theo, rồi tư vấn, chia sẻ đủ chuyện. Thậm chí, nhiều lúc bận quá, chị còn nhờ cô giữ con dùm, cô không có xe, chị còn bảo chồng lấy xe đi đón cô "em dâu" dùm.
Khi có người cho biết chồng ngoại tình và thấy các dấu hiệu bỏ bê gia đình nơi chồng, cô "em dâu" chính là người đầu tiên chị Kim Minh tìm đến để tâm sự, tỉ tê, và cũng chính cô ta là người chia sẻ, khuyên nhủ chị, mà lời khuyên nhiều nhất là nên li dị với người chồng trăng hoa, đồng thời hứa sẽ giúp chị bằng cách đến "nói chuyện với ông anh".
Chị chỉ thực sự nghi ngờ khi một hôm, nhà mẹ chị có giỗ, chị đi cả buổi sáng, đến chiều về nghe con trai ba tuổi bi bô nói: "Mẹ ơi, trưa nay con khát nước, con kêu ba không thấy, con ra ngoài uống nước thấy ba và cô My không mặc quần áo chơi trò gì á mẹ". Chị xây xẩm mặt mày, để rồi khi để tâm theo dõi, sự thật quá phũ phàng, người đàn bà khiến chồng chị trở thành kẻ phản bội lại chính là cô "em dâu" chị rất đỗi tin tưởng.
Rồi chị được biết, hoá ra cô ta thích chồng chị từ lâu, kết thân với chị chỉ là một màn kịch cô ta bày ra để bước chân vào nhà chị, quyến rũ chồng chị và khiến chị không mảy may nghi ngờ. Chị mất chồng chỉ vì sự cả tin.
Trắng tay vì "bà chị kết nghĩa"
Một câu chuyện khác được nhiều người biết ở xóm miền biển thuộc Hàm Tân, Bình Thuận. Hai vợ chồng chị Huỳnh Thị Tám là những người lao động bình thường. Chị buôn bán vặt trước nhà, chồng chị chạy xe ôm ngoài cảng.
Trong số những người buôn cá có chị Lê Thị Thuỳ, từ chỗ mối đi xe quen biết, trở thành bạn thân của hai vợ chồng chị Tám hồi nào không hay. Thuỳ hơn vợ chồng chị Tám gần chục tuổi nên nhận nhau là "chị em kết nghĩa". Họ thân thiết với nhau như người nhà, cách vài ngày Thuỳ lại đem hải sản xuống nhà vợ chồng Tám, ăn nhậu vui vẻ.
Thuỳ chết chồng nên nhà cửa có hư điện hư khoá gì Tám vẫn bảo chồng sang "giúp chị". Thân đến mức nghe lời chồng, Tám đem số tiền hai vợ chồng dành dụm bấy nay, hùn với Thuỳ mua miếng đất, đứng tên Thuỳ vì hai vợ chồng Tám chưa có hộ khẩu.
Cho đến ngày, cháu họ của chị Tám đi học trung cấp ở Sài Gòn, ghé về thăm dì. Chồng Tám có việc ra ngoài, cô cháu họ tình cờ mượn máy của chồng Tám lắp sim thì phát hiện trong máy có rất nhiều tấm ảnh khoả thân của chồng Tám và "bà chị kết nghĩa" giấu khá kĩ.
Lúc này Tám như bị một cú đánh vào đầu, sốc đến như người ngẩn ngơ. Chị Tám ôm điện thoại đến nhà chị mình nhờ xem lại có đúng không, vì trước đến nay chị chưa biết sử dụng điện thoại. Sau khi được khẳng định đó là sự thật, chị khóc la trời la đất: "Em tin tưởng nó, coi nó như chị em, còn hùn mua đất với nó nữa. Nó đau bệnh gì em cũng nhờ chồng em chở đi khám, đâu có ngờ chúng nó làm như vậy với em".
Phải nói thêm là "bà chị kết nghĩa" tuy lớn tuổi nhưng lại biết ăn diện, trắng trẻo và còn rất "ngon mắt", khác hẳn chị Tám vì lo cho chồng, cho con quá nên ốm nhom, đen đúa, bởi thế mà xóm làng đều trách chị Tám quá dại dột, để rơi vào bẫy gã chồng và "bà chị" bất lương. Hiện chị đang làm đơn ly hôn, và lo sợ mất luôn miếng đất có tiền mình chắt bóp nửa đời vào tay hai kẻ phản bội.
Lỗi cũng do mình
…Còn rất nhiều câu chuyện đáng buồn khác. Có chị vì nhẹ dạ mà ra tay cưu mang, rồi cuối cùng bị "kẻ thứ ba" lừa cho trắng tay, mất cả chồng lẫn nhà, có chị vì quá uất ức vì bị rơi vào màn kịch của kẻ phản bội, bị lợi dụng tình cảm trắng trợn, nên đã một phút nông nổi, ra tay với tình địch, để rồi đối diện với lao tù...
Nhưng có một điều cần phải nhìn nhận, rằng các chị tuy là nạn nhân của những kẻ vô lương tâm, nhưng nguyên nhân sâu xa của bi kịch, một phần cũng từ các chị, khi hầu hết trường hợp đều vì quá thương chồng, thương con mà quên chăm chút cho bản thân, rồi quá "mất cảnh giác" và cả tin, rước "rắn" vào nhà, gián tiếp tạo điều kiện cho sự phản bội nảy mầm ngay trong tổ ấm của mà mà không hay. Để rồi, khi nhận ra thì đã mất mát quá nhiều: mất chồng, mất của cải, mất cả hạnh phúc và niềm tin ở con người.
Trân Trân