Chắp cánh ước mơ
Xuất hiện trong Festival Thu Hà Nội năm 2023, chiếc đèn hình con ong mật khổng lồ với những họa tiết, hoa văn sống động như thật đã thu hút ánh nhìn của rất nhiều người tham gia.
Trước khi đến với Festival Thu Hà Nội, chiếc đèn ong khổng lồ đã tranh tài cùng 16 đội khác và đạt giải Nhì trong đêm hội “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây, xứ Đoài” do Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Sơn Tây tổ chức. Sau khi đạt giải ở hội thi, mô hình đèn đã vinh dự được UBND TP Hà Nội lựa chọn để tham dự Festival Thu Hà Nội.
Chiếc đèn ong với chiều cao hơn 4m, chiều rộng đạt đến 3,5m mang tên “Chắp cánh ước mơ” nói lên khát vọng của xã Kim Sơn đối với việc phát triển du lịch gắn liền với sản phẩm OCOP địa phương tôn vinh văn hoá bản địa, chú trọng bảo vệ môi trường. Cụ thể, chiếc đèn đã được cán bộ lãnh đạo xã Kim Sơn phối hợp cùng những thợ thủ công lành nghề lên ý tưởng và thực hiện trong nhiều tháng trời. Ý tưởng làm chiếc đèn “Chắp cánh ước mơ” xuất phát từ thế về mạnh du lịch và sản phẩm OCOP của xã. Điều đó được thể hiện rõ qua hình ảnh “linh vật” con ong đậu trên hũ mật và chiếc thuyền.
Manh nha từ năm 1986, ban đầu xã chỉ có vài hộ nuôi ong nhỏ lẻ, đến nay mật ong trở thành một sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, thị xã Sơn Tây và được tham gia đánh giá, chấm điểm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hội đồng OCOP TP Hà Nội phân hạng 4 sao. Đồng thời, trong tháng 5 năm 2023 vừa qua, xã Kim Sơn nhận được một tin vui khi thôn Lòng Hồ được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch. Đây chính là hai yếu tố “thúc đẩy” cán bộ và người dân xã Kim Sơn sáng tạo nên chiếc đèn ong mật khổng lồ này.
Người dân ở đây cũng cho biết, xứ Đoài (tên gọi cổ của thị xã Sơn Tây) từ xa xưa đã nổi tiếng với hàng trăm làng nghề truyền thống, lập nghiệp trên đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ, tạo nên sự thịnh vượng của Thăng Long - Hà Nội. Như nghề chạm gỗ thuộc xứ Đoài: Chàng Thôn, Nhân Hiền, Chàng Sơn, Quốc Oai; nghề rối nước làng Gia, gốm Phú Nhi; nghề Đá ong Đường Lâm… Vì vậy, ngay ở xã Kim Sơn hiện nay có rất nhiều thợ thủ công, kiến trúc sư tay nghề cao.
Chiếc đèn “Chắp cánh ước mơ” được thực hiện trong nhiều tháng trời, là một sản phẩm được đầu tư vô cùng công phu, tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, tâm huyết với sự tham gia của hai kiến trúc sư, ba người thợ thủ công lành nghề (xin phép được giấu tên) và công sức hỗ trợ của tất cả bà con trong xã.
Đầu tiên, chiếc đèn được sử dụng vật liệu chính từ sắt hộp. Sau đó được bắn khung, uốn nắn để tạo hình con ong mật, hũ mật với tỷ lệ 1:1. Vật liệu phủ ở bên ngoài con ong làm chủ yếu từ mica. Để tạo độ chân thực cho con ong, người làm đã phải dùng bút tự tay vẽ họa tiết, màu sắc, đường vân, đôi mắt của “linh vật” con ong. Những người thợ thủ công cũng chia sẻ, màu sắc của con ong phải lựa chọn kĩ càng, sao cho không quá chóe như ong bắp cày, mà phải giống màu của ong mật.
Ngoài ra, để bảo đảm ánh sáng cho chiếc đèn, những người thợ đã cuốn dây đèn led để sáng từ trong ra ngoài. Bởi một chiếc đèn trung thu đúng theo truyền thống phải sáng từ trong hắt ra. Vì vậy, hệ thống đèn led được bố trí rất kĩ càng, tỉ mỉ khi chiếc đèn đi diễu hành vào buổi tối, người xem có thể thấy rõ từng chi tiết, màu sắc của con ong. Đặc biệt, chiếc đèn còn được các cán bộ địa phương và những nghệ nhân gửi gắm thông điệp (slogan) như “Kim Sơn ecolop”, để động viên tinh thần của người dân trong xã tiếp tục phấn đấu, cố gắng phát triển du lịch, sản phẩm OCOP gắn liền với bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp.
Đặc biệt, qua hình ảnh mô hình đèn “Chắp cánh ước mơ”, xã Kim Sơn không chỉ hướng đến người trưởng thành mà còn mong muốn gửi tới các em thiếu nhi - những chủ nhân tương lai của đất nước niềm tự hào về cội nguồn và khát vọng, ước mơ, tích cực học tập, nỗ lực phấn đấu rèn luyện, cống hiến góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Chiếc đèn động viên tinh thần ngườidân xã Kim Sơn tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống và nỗ lực xây dựngquê hương, đất nước giàu mạnh. (Nguồn: Long Vân) |
“Căng buồm” bứt phá trong tương lai
Trong mô hình “Chắp cánh ước mơ”, có một phần quan trọng không kém hình ảnh con ong mật, đó là chiếc thuyền căng buồm rẽ sóng ra khơi. Thể hiện khát vọng phát triển du lịch, kinh tế của người dân xã Kim Sơn. Đặc biệt, hiện nay, xã Kim Sơn có Lòng Hồ - một địa điểm đẹp, thơ mộng, cách Hà Nội gần 50km, thu hút rất nhiều người đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Trong thời gian vừa qua, thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn vừa được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch. Đây là một tin vui để xã Kim Sơn tiếp tục nỗ lực phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân tại đây.
Ông Trần Long Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, từ một địa phương thuần nông để làm du lịch phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Nhưng làm sao phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi một chiến lược phù hợp. Hiện tại, xã liên kết khoảng 20 hộ đang làm về du lịch hướng tới thành lập một hợp tác xã du lịch để gắn kết các hộ với nhau để lên những tour, lịch trình. Xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn để hợp tác xã du lịch có quy chuẩn riêng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ví dụ, du khách đến với xã Kim Sơn, sẽ liên hệ trực tiếp với hợp tác xã du lịch để được đón tiếp, cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, hợp tác xã du lịch sẽ được đào tạo bài bản để có thể phục vụ được tất cả phân khúc khách hàng.
Ông Vân chia sẻ thêm, du lịch muốn phát triển phải gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội - văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, xã Kim Sơn luôn hướng đến việc phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và văn hóa bản địa. Được biết, mọi công trình đều được quy hoạch, quản lý chặt chẽ. Các homestay, khu nghỉ dưỡng được khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên.
Cùng với đó, trong bối cảnh du lịch của xã Kim Sơn đang được nỗ lực đẩy nhanh tốc độ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững và đi vào chiều sâu. Việc phát huy thế mạnh từ tài nguyên là các sản phẩm OCOP, đóng vai trò quan trọng để tạo ra không gian phát triển mới, độc đáo hơn. Qua đó, thu hút du khách quảng bá và mua bán sản phẩm địa phương.
Hiện tại, mật ong đang là sản phẩm OCOP chủ lực của xã Kim Sơn, giúp hàng chục hộ có nguồn thu nhập. Lấy ví dụ đầu năm 2018, Tổ liên kết hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn được thành lập với 30 hộ thành viên. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 80 - 200 đàn, cho lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân ở một thôn như thôn Kim Tân vào năm 2019 đạt 70 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn xã. Năm 2022, thôn Kim Tân đã nâng cao chất lượng đời sống, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh, dịch vụ, du lịch, nâng thu nhập người dân.
Ngoài mật ong, xã Kim Sơn còn định hướng phát triển thêm những sản phẩm liên quan đến sữa. Với lợi thế gần 100 hộ có kinh nghiệm nuôi bò sữa. Xã định hướng tạo nên “phong trào” phát triển kinh tế với nghề chăn nuôi bò sữa và làm ra các sản phẩm từ sữa. Hơn nữa, nhận thấy giá trị của cây chè, hiện tại, xã Kim Sơn đang từng bước đầu tư và mở rộng thêm diện tích trồng chè sạch, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ vậy, cây chè thực sự trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, góp phần nâng cao đời sống và từng bước làm giàu người dân. Điều thuận lợi là thị trường xuất khẩu chè có xu hướng phát triển, bên cạnh đó giá chè búp tươi ổn định, khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích.
Ông Trần Long Vân cho biết, việc phát triển du lịch bền vững gắn liền với những sản phẩm OCOP rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, chính quyền, nông dân nhằm kết nối hệ thống du lịch toàn diện. Để từ đó, mỗi một xã, thôn đều có khả năng phát triển mạng lưới sản phẩm OCOP, kết nối các thương hiệu với nhà tổ chức du lịch lữ hành và thiết lập mạng lưới du lịch nông nghiệp kết hợp tiêu thụ sản phẩm.