Trên cơ sở buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường –Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại với lãnh đạo một số UBND, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố nơi thực hiện thí điểm Thừa phát lại, mới đây Bộ Tư pháp đã ra thông báo kết luận của Bộ trưởng về vấn đề nói trên.
Theo đó, mặc dù đã có sự cố gắng, nhưng việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại còn chậm ở cả TƯ và địa phương so với yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội, Đề án được Thủ tướng phê duyệt và kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần khẩn trương thực hiện ngay một số công việc. Trước hết, phải thống nhất về mặt nhận thức “Thừa phát lại là công lại”, Văn phòng Thừa phát lại là doanh nghiệp đặc thù; đồng thời phải có sự khuyến khích Chấp hành viên tham gia làm Thừa phát lại; Thừa phát lại là tương lai của thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án phải hợp tác, phối hợp với Thừa phát lại để có thêm sự lựa chọn cho người dân.
Đối với công tác xây dựng, Bộ trưởng giao thời hạn cụ thể cho việc ban hành một số thông tư liên tịch về Thừa phát lại, quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay với Lãnh đạo Bộ để thống nhất với lãnh đạo Bộ, ngành liên quan có biện pháp giải quyết.
Về bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm phải tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương thành lập tối đa số lượng Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt. Các địa phương phải có hướng dẫn, hỗ trợ để các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập kiện toàn tổ chức, sớm đi vào hoạt động có hiệu quả.
Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu để Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản gửi Tỉnh ủy/Thành ủy các địa phương thực hiện thí điểm chế định này, đề nghị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện, trong đó có việc thành lập, đăng ký hoạt động và tổ chức để các Văn phòng Thừa phát lại mới được thành lập đi vào hoạt động có hiệu quả và đề nghị quan tâm, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo kế hoạch công tác, có trách nhiệm tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, nắm bắt tình hình và có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng cũng giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Thừa phát lại ở cả TƯ và địa phương trong suốt thời gian thực hiện thí điểm.
Hôm qua (7/2), các Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Nguyễn Thúy Hiền đã nghe báo cáo về kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại. Tại cuộc họp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, đến nay ngoài TP.Hồ Chí Minh đã có 8 Văn phòng Thừa phát lại (sắp tới con số này sẽ là 10), các địa phương đã lập Văn phòng là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của người dân và ngay cả cán bộ, công chức đối với chế định Thừa phát lại còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế định này. Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch tuyên truyền về Thừa phát lại và đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cơ bản nhất trí với các đề xuất của Tổng cục, đồng thời lưu ý thời gian không còn nhiều, trong khi đây là công việc vô cùng quan trọng, do đó phải tập trung nguồn lực thực hiện. Với công tác tuyên truyền, Thứ trưởng giao chậm nhất đến ngày 20/2 phải có kế hoạch, 13 địa phương làm thí điểm cũng phải tăng cường lồng ghép các quy định về Thừa phát lại trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Thứ trưởng cũng giao Vụ Phổ biến pháp luật làm đầu mối; giao Tổng cục Thi hành án dân sự chuẩn bị nội dung, các cơ quan báo chí của ngành mở các chuyên trang, chuyên mục… để tuyên truyền về Thừa phát lại.