Khoảng 22.000 - 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh mỗi năm
Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nhưng qua các nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nằm trong khoảng 1,5 - 2% dân số. Với ước tính này, hàng năm cả nước có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Nói riêng về căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), đây là căn bệnh có tần suất cao nhất trong tất cả các bệnh lý di truyền và để lại gánh nặng, nỗi đau tinh thần cho người bệnh và gia đình. Thalassemia là bệnh di truyền lặn. Bệnh di truyền qua nhiều thế hệ nên ảnh hưởng xấu tới giống nòi.
Nếu cả hai vợ chồng cùng mang gene lặn, khi sinh con có 25% khả năng bị bệnh mức độ nặng do nhận cả hai gene của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh mức độ nhẹ, hoặc là người mang gene bệnh của bố hoặc của mẹ truyền cho.
Việt Nam hiện có trên 5 triệu người mang gene bệnh và khoảng 20.000 người mắc bệnh ở thể nặng gây tử vong sớm.
Cũng như nhiều căn bệnh mang tính di truyền khác, Thalassemia có thể được ngăn chặn nếu như loại trừ được việc cả hai người cùng mang gene lặn lấy nhau và điều này sẽ đạt được khi cả hai bên nam – nữ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN).
Không phải đến bây giờ câu chuyện về khám SKTHN mới được đề cập tới. Tuy nhiên, dường như con số mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, chiếm khoảng 1,5 - 2% dân số chưa đủ để làm những người sắp kết hôn nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung sợ.
Hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn, tuy nhiên vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa biết, e ngại hoặc phản đối việc đến cơ sở y tế để khám SKTHN. Bằng chứng là mới đây, khi Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM đề xuất góp ý bổ sung nội dung kiểm tra SKTHN là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, đã gặp không ít những quan điểm không tán đồng vì nhiều lý do.
Có luật hóa được không?
Sự không tán đồng này cũng không mới bởi cách đây mấy năm, trong quá trình bàn bạc để sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề khám SKTHN đã được nhà làm luật cân nhắc để luật hóa. Tuy nhiên, ngay chính đại diện ngành y tế có mặt tại buổi họp ban soạn thảo cũng không nhất trí với lý do ngành vốn đã luôn quá tải sẽ không đủ nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng.
Ở góc độ xã hội, phân tích việc các đôi nam nữ chưa mặn mà với khám SKTHN, bà Đoàn Thị Hương - chuyên viên tham vấn tâm lý của Trung tâm Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống cho rằng mỗi người đều có lý do khiến họ chưa sẵn sàng đi khám SKTHN.
Có người sợ bị phát hiện ra bệnh tật, sợ bạn bè và người thân dị nghị “chắc là có vấn đề mới đi phải khám”, sợ rằng tình yêu của người kia không đủ mạnh để có thể vượt qua cú sốc, cuộc hôn nhân sẽ tan vỡ... Những suy nghĩ này trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh nếu bắt buộc phải tham gia.
Ở một số quốc gia trên thế giới, việc khám SKTHN đã được luật hóa, nếu không thì cũng thành thông lệ bắt buộc với tất cả những ai muốn kết hôn. Tuy nhiên, vì những lý do trên Việt Nam mới chỉ dừng lại ở góc độ “khuyến khích và tạo điều kiện” theo như Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Dân số quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn… ; Điều 25 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP cũng quy định tương tự.
Mới đây, trả lời báo giới, ông Trần Văn Trị - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho rằng khám SKTHN là nội dung trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ khám cho cặp nam nữ sau này trở thành vợ chồng mà còn là khám cho đứa con trong tương lai. Thế nên theo ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong dự thảo Luật Dân số sắp tới chắc chắn sẽ có quy định bắt buộc khám SKTHN. Nhưng cần phải cân nhắc xem xét để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách thuận lợi và có hiệu quả.
Có thể quy định bắt buộc khám SKTHN ở một số vùng. Còn những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì nên khuyến khích vì không có điều kiện khám sức khỏe, xét nghiệm máu…
Khám sức khỏe tiền hôn nhân có phải quyền cá nhân?
Để phản đối việc luật hóa, bắt buộc khám SKTHN, nhiều người cho rằng khám sức khỏe là quyền của cá nhân. Tuy nhiên con số hàng năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh sẽ dẫn đến một thực tế rằng nhiều gia đình con sinh ra bị tàn tật nếu cha mẹ không nuôi nổi nên phải dựa vào phúc lợi Nhà nước. Điều này gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hơn nữa, hiện nay theo khảo sát của ngành DS-KHHGĐ, tỉ lệ vô sinh hiện nay của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 10%, trong đó 40% do người chồng, 40% do người vợ, 10% do cả hai người và 10% chưa rõ nguyên nhân.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì sẽ biết vô sinh do ai và từ đó tiến hành điều trị trước khi kết hôn.
Vì chất lượng và số lượng dân số quốc gia, thiết nghĩ những cặp nam – nữ sắp kết hôn nên cân nhắc tới điều này trước khi nói tới “khám SKTHN là tự do cá nhân, không ai có thể can thiệp”./.