Phát biểu trong phiên thảo luận của QH về Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phân tích: Chúng ta có trên 3.200 km bờ biển, đặc biệt trong lòng biển chứa tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên khoáng sản như dầu khí, hải sản và đa dạng sinh học.
Đó là còn chưa kể đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chiếm hơn 1 triệu km2. Điều này cho thấy việc ban hành Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo vô cùng cần thiết, nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng của biển Việt Nam.
Theo ĐB Bùi Thị An, vấn đề quy hoạch tổng thể về kinh tế biển và hải đảo rất quan trọng. Sau khi có quy hoạch tổng thể về biển và hải đảo thì lúc đó chúng ta sẽ phân cho các cơ quan chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành. Vì vấn đề tầm quan trọng của quy hoạch biển và hải đảo, ĐB An đề nghị Chính phủ nên giao cho một đồng chí Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm làm vấn đề này.
Theo nhận định của bà, hiện nay, việc quản lý tài nguyên biển và vùng thềm lục địa bị chia tách nhỏ ví dụ Bộ tài nguyên môi trường quản lý một mảng., Bộ nông nghiệp một mảng, Bộ giao thông vận tải một mảng, Bộ quốc phòng, công an hay Bộ văn hóa thể thao du lịch một mảng. Việc phân công quản lý theo chuyên ngành sâu cũng tốt. Tuy nhiên, việc phối hợp lại chưa tốt lắm. Cho nên giai đoạn vừa qua việc phối hợp còn cần rút kinh nghiệm nhiều. Việc chồng chéo nên từ quy hoạch, đánh giá tiềm năng, điều tra và khai thác biển chưa có hiệu quả.
Từ những lý do trên nữ ĐB đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập một bộ kinh tế biển để làm sao khai thác quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành lĩnh vực kinh tế này.
“Vì hiện giờ ngành kinh tế biển đã đóng góp cho đến khoảng 50% và theo dự báo là cỡ từ 54 đến 55% của GDP cả nước. Do đó, tôi thấy nên nghiên cứu thành lập bộ này. Trong chuyện tinh giảm bộ máy, chỉ tinh giảm những bộ máy nào không cần thiết. Còn những bộ máy nào cần thiết thì tôi nghĩ vẫn có thể phải thành lập thêm. Tôi cho rằng việc thành lập Bộ kinh tế biển sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn Việt Nam.” – bà phát biểu.
Bảo vệ ý kiến của mình, ĐB An đưa thêm dẫn chứng: Vừa qua tôi có tham gia Đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội do đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban dân nguyện làm trưởng đoàn đi các vùng, các nơi. Chỉ với một nội dung là giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân.Tôi đến một vài tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Ngãi. Tôi đến huyện đảo Lý Sơn, tôi thấy riêng chỉ 1 vấn đề của hòn đảo Lý Sơn đã liên quan đến tất cả các bộ, các ngành và chỉ một vấn đề đã phải xin ý kiến rất nhiều nơi.
Ví dụ, vấn đề phải xây bến neo đậu. Hay tương tự như liên quan đến vấn đề dự báo khí tượng thủy văn, rồi lưu thông, chế biến, bảo quản. Tôi nói như thế để muốn Chính phủ nghiên cứu thành lập bộ này để ta tập trung quản lý đầu mối. Tôi nghĩ nên nghiên cứu để thành lập bộ này, ta tập trung vào một đầu mối quản lý thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn và sẽ kinh tế hơn.”