Làm giả giấy tờ “tẩu tán” xe thuê
Đặng Hồng Anh (SN 1979, ngụ xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) từng là giáo viên tiểu học ở huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Trong thời gian công tác, giảng dạy, để kiếm thêm thu nhập, Anh chăm chỉ đi bỏ mối xăng dầu cho các trạm phát sóng viễn thông ở đồi núi cao. Thấy thu nhập làm thêm cao hơn, Anh quyết định bỏ nghề dạy học, thành lập công ty riêng để thực hiện giấc mộng làm giàu.
Lúc đầu, công ty của Đặng Hồng Anh làm ăn phát đạt, phất lên như diều gặp gió. Trong mắt đồng nghiệp cũ và những người xung quanh, Anh là doanh nhân thành đạt. Nhưng rồi, việc ăn chơi và lao vào cờ bạc khiến cuộc đời Anh xuống dốc không phanh. Để cứu vãn tình thế, đối tượng đã nghĩ ra chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong khoảng từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, Đặng Hồng Anh đã cấu kết với Trần Duy Đông (SN 1986, ngụ xã Tân Thành, huyện Yên Thành) thực hiện hàng loạt hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn là thuê xe ô tô tự lái, thuê làm đăng ký giả rồi đưa đi cầm cố lấy tiền.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, nhóm lừa đảo do Anh đứng đầu đã thuê 18 xe tự lái và làm giả 24 giấy đăng ký xe ô tô. Số tiền cầm cố thu về có giá trị lên đến 7,29 tỷ đồng.
Thủ đoạn mà các đối tượng áp dụng là mỗi lần “có” xe, Đặng Hồng Anh và Trần Duy Đông lại dùng tên mình, tên vợ hoặc nhờ các đối tượng Nguyễn Văn Đạo (SN 1988), Cao Thị Lý (SN 1991), Phan Văn Thanh (SN 1977), Đinh Minh Đức (SN 1981, cùng ngụ tỉnh Nghệ An) “đứng tên làm chủ”. Chúng đến thuê Phạm Thế Anh (SN 1982, ngụ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thợ in ấn quảng cáo) làm giả giấy đăng ký ô tô để có giấy tờ “chính chủ” trước khi mang đi cầm cố.
Tần suất thực hiện lừa đảo của nhóm diễn ra liên tục. Riêng chỉ trong dịp tết Bính Thân 2016, các đối tượng đã thực hiện 12 vụ, cứ trung bình 4 ngày thì thực hiện thành công một vụ. Với hành vi trên Đặng Hồng Anh, Trần Duy Đông bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đối tượng Phạm Thế Anh, Đạo, Đức, Thanh, Lý bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trong phiên tòa diễn ra vào hai ngày 20 – 21/6, khi được HĐXX hỏi lý do lừa đảo, Hồng Anh và Đông nói rằng vì làm ăn thua lỗ nên mới làm liều. Tuy nhiên, nhóm này lại không giải thích được vì sao lại thua lỗ nhanh như vậy. Chỉ trong 1 tháng Tết, hai bị cáo trên đã “làm ăn thua lỗ” đến 3,39 tỷ đồng. Ngày đỉnh điểm “thua lỗ” đến 700 triệu đồng?
Trong vụ án này, một số bị hại được xác định là những chủ xe đã cho nhóm đối tượng thuê. Do trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã trao trả ô tô nên những người này không bị thiệt hại gì. Tại phiên tòa cả 12 bị hại đều vắng mặt và có đơn xin giảm án cho các bị cáo.
Trong khi đó, những chủ hiệu cầm đồ - nơi nhóm đối tượng đã thực hiện các hành vi cầm cố được xem xét là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Người bị thiệt hại nhiều nhất là Nguyễn Văn Hạnh với 1,95 tỷ đồng, tiếp đến là bà Nguyễn Thị Hường với số tiền 1,61 tỷ đồng.
Đường dây làm giả giấy tờ, mang xe thuê thuê đi cầm cố |
Nhờ con cháu trả nợ
Tham dự phiên tòa, luật sư đại diện cho bà Hườngcho rằng thân chủ mình là nạn nhân trong vụ lừa đảo và cần được xếp vào nhóm bị hại. Luật sư cũng phân tích các đối tượng Lý, Đạo, Thanh, Đức phải bị truy tố tội lừa đảo. Đặc biệt, đối tượng Lý đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chứ không chỉ truy tố riêng tội làm giả giấy tờ.
Đại diện VKS cho rằng, hành vi phạm tội đã hoàn thành sau khi các đối tượng thuê xe. Hợp đồng cầm cố tài sản là một quan hệ dân sự đơn thuần, sự việc xảy ra là một rủi ro nghề nghiệp. Vì vậy các chủ hiệu cầm đồ dù có thiệt hại nhưng không phải người bị hại. Còn các bị cáo Lý, Đạo, Đức, Thanh không phải đồng phạm trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mà bị Hồng Anh và Đông lợi dụng.
Trước khi HĐXX bước vào nghị án, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối lỗi và xin nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Các bị cáo Đạo, Thanh, Đức nói vì tin tưởng và có nợ nần với các đối tượng Đặng Hồng Anh và Đông nên mới chịu đứng tên trên các giấy tờ giả.
Thế Anh cho rằng mình đã vô tình tiếp tay mà không ý thức được hậu quả. Bị cáo Lý nói do có quan hệ “tình cảm xã hội” với Thế Anh, nhiều lần được người này giúp đỡ nên cả nể, vô tình tiếp tay cho tội phạm.
Hai đối tượng cầm đầu là Đông, Hồng Anh đều tỏ ra hối lỗi và cam đoan sẽ bồi thường các thiệt hại gây ra. Riêng Hồng Anh nói trước tòa: “Xin tòa giảm án để bị cáo sớm được trở về lao động kiếm tiền bồi thường thiệt hại đã gây ra. Nếu đời bị cáo không trả được thì sẽ viết di chúc để con, cháu trả hết khoản nợ đó”.
“Bị cáo không bao giờ chối bỏ trách nhiệm, mong nhận được sự khoan hồng để khi quay về còn có cơ hội, có sức lao động làm việc. Trong thực tế thì quan điểm của bị cáo là mục đích khắc phục hậu quả mình gây ra là quan trọng nhất. Nhưng nếu bị cáo lãnh mức án 19 năm tù (đại diện VKSND tỉnh đề nghị phạt 18-19 năm tù) thì khi ra tù bị cáo đã 60 tuổi rồi thì khi đó bị cáo không còn sức nữa”.
Chủ tọa phiên tòa nói: “VKSND tỉnh đề nghị mức án 18 - 19 năm chứ HĐXX đã tuyên án đâu mà bị cáo bi quan như vậy. Lời nói sau cùng phải lạc quan để vợ, con tin tưởng”. Lúc này, người thân bị cáo Hồng Anh ngồi phía dưới ứa nước mắt.
Sau khi xem xét hành vi của từng bị cáo, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Đặng Hồng Anh 16 năm tù, bồi thường cho các bị hại 3,37 tỷ đồng. Trần Duy Đông nhận mức án 12 năm tù, chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại số tiền 2,62 tỷ đồng. Phạm Thế Anh chịu mức án 3 năm tù, Đinh Minh Đức 2 năm tù, Nguyễn Văn Đạo 6 tháng tù. Các đối tượng Cao Thị Lý, Phan Văn Thanh nhận mức án 6 tháng tù treo, thử thách 12 tháng.
Với mức án trên, những chủ tiệm cầm đồ cho rằng tòa “nhẹ tay” và lo sợ số tiền của mình khó có thể đòi lại được.