Một đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản không bị truy cứu trách nhiệm đã trở thành Giám đốc Cty và lớn tiếng yêu cầu xử lý nghiêm các bị cáo và… đồng bọn.
Cty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn vốn là một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2004, Cty được cổ phần hóa với sự tham gia góp vốn của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin. Nhưng, cũng giống như các thương vụ “góp vốn” khác, Tập đoàn Vinashin chỉ góp bằng “thương hiệu” chứ không góp bằng tiền. Vì thế dù phần vốn nhà nước do Tập đoàn Vinashin làm đại diện trên 51% nhưng thực tế, vốn của Cty chủ yếu do các cổ đông khác, trong đó có phần vốn góp của ông Nguyễn Khắc Sơn (Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Kim Hoa (Kế toán trưởng).
Từ tháng 6/2007 đến tháng 1/2011, ông Sơn và bà Hoa cùng các nhân viên đã có sai phạm trong việc lập và sử dụng các chứng từ khống để rút tiền của Cty, chi tiêu trái pháp luật, Tổng số tiền mà CQĐT phát hiện đã chi tiêu trái pháp luật liên quan đến gần 400 chứng từ lập khống, lập sai quy định là hơn 16 tỷ đồng. Vì lý do trên, CQĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố ông Nguyễn Khắc Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Hoa về tội “Tham ô tài sản” và tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái, quá trình điều tra, xét xử đã đủ cơ sở xác định các bị cáo đã lập và ký các chứng từ khống để rút tiền của Cty hơn 16 tỷ đồng. Trong số tiền rút được từ việc sử dụng chứng từ, hóa đơn không đúng pháp luật, ông Sơn đã tư túi hơn 1,8 tỷ đồng, bà Hoa cũng chiếm đoạt khoảng 1,4 tỷ đồng. Do đó, ông Sơn và bà Hoa bị kết tội “Tham ô tài sản” đối với hành vi chiếm đoạt số tiền trên.
Ngoài ra, hơn 13 tỷ còn lại được sử dụng vào các mục đích khác nhau nhưng được xác định là không đúng pháp luật, như chi mua hóa đơn khống, chi thưởng tết cho nhân viên và cả việc chi “phong bì” đối ngoại cho các cá nhân thuộc cơ quan, doanh nghiệp khác nhân dịp lễ, tết. Hậu quả của việc làm trái pháp luật này là tội danh “Cố ý làm trái” dành cho cả giám đốc và kế toán trưởng của Cty.
Cùng sai phạm với giám đốc và kế toán trưởng là nhân viên kế toán Quyền Thị Ngọc Anh, thủ quỹ Phạm Thu Hiền. Bà Ngọc Anh đã lập và ký các chứng từ khống để giúp ông Sơn, bà Hoa rút tiền của Cty. Thủ quỹ Phạm Thu Hiền cũng bị truy tố về tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi chi tiền theo 333 hóa đơn khống mà theo sự chỉ đạo của kế toán trưởng Nguyễn Thị Kim Hoa.
Thế nhưng, một cá nhân khác có liên quan chặt chẽ đến sai phạm của ông Sơn và bà Hoa là ông Nguyễn Hữu Thiệp (thành viên HĐQT, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Cty) lại không bị xử lý. Theo lời khai của các bị cáo trong vụ án và các chứng cứ khác, ông Thiệp có tham gia bàn bạc, lập và sử dụng chứng từ khống để rút tiền của Cty.
Bản thân ông Thiệp là thành viên HĐQT nên thường xuyên phải bàn bạc, thông qua các chủ trương “đối ngoại” bằng phong bì với đối tác. Với vai trò là Trưởng phòng Tổ chức hành chính thì chính ông Thiệp còn lập danh sách chi tiền và cầm “phong bì” đi ngoại giao với nhiều cá nhân, bằng chính số tiền mà giám đốc, kế toán trưởng đã duyệt chi.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/1/2013, đại diện VKS tỉnh Yên Bái cho rằng, CQĐT còn bỏ lọt tội phạm trong vụ án này vì CQĐT đã không điều tra, làm rõ các cá nhân có liên quan, trong đó có ông Thiệp. Cũng với nhận định trên, tại bản án số 10/2013/HSST ngày 4/2/2013, TAND tỉnh Yên Bái đã nhận định ông Nguyễn Hữu Thiệp có vai trò đồng phạm trong sai phạm của ông Sơn và bà Hoa.
Trong đó, ông Thiệp là người biết ông Sơn, bà Hoa có hành vi chi tiền trái pháp luật nhưng đã giúp ông Sơn, bà Hoa lập danh sách, thậm chí còn ký hộ danh sách chi tiền với vai trò là người nhận. Vì thế, HĐXX thấy hành vi này “có liên quan” đến tội cố ý làm trái. Tuy nhiên, sự liên quan này của ông Thiệp chưa được “điều tra làm rõ” mà thực chất là để lọt người lọt tội.
Việc CQĐT không khởi tố đối với ông Thiệp đã dẫn đến một nghịch lý trong vụ án này là hiện nay ông Thiệp đã thay ông Sơn làm giám đốc Cty, trở thành đại diện của nguyên đơn dân sự trong vụ án. Khi bản án được tuyên, chính ông Thiệp đã làm đơn kháng cáo, đề nghị xử lý nghiêm đối với ông Sơn và “đồng bọn”.
Việc xử lý không công bằng, để lọt người lọt tội đối với đồng phạm trong vụ án này rõ ràng là thiếu sót lớn của CQĐT và VKS, được chính VKS phát hiện tại phiên tòa. Hơn nữa, với việc ông Thiệp không bị xử lý để rồi đứng ra yêu cầu xử lý nghiêm đối với các bị cáo khác đã khiến cho các bị cáo trong vụ án này rất bất bình. Với đơn kháng cáo yêu cầu xử lý nghiêm đối với ông Sơn, bà Hoa và “đồng bọn” của ông Thiệp cũng như việc VKS nhận ra thiếu sót khi bỏ lọt tội phạm thì việc xem xét, xử lý đối với ông Nguyễn Hữu Thiệp là cần thiết.
Việc để lọt tội phạm có ảnh hưởng như thế nào đến việc giải quyết vụ án, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường - Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lạng Sơn- về vấn đề này: Thưa Luật sư, việc để lọt tội phạm có ảnh hưởng như thế nào đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can, bị cáo khác? - Trong một vụ án có đồng phạm, mỗi bị can phai chịu trách nhiệm đối với việc họ đã làm và chịu trách nhiệm chung đối với tội phạm mà họ cùng thực hiện. Nếu bỏ qua, không xử lý một cá nhân có vai trò đồng phạm trong vụ án thì đương nhiên các cá nhân khác phải gánh chịu trách nhiệm thay, đặc biệt là trách nhiệm dân sự. Do vậy, hình phạt và trách nhiệm dân sự đối với những cá nhân khác sẽ bị bất lợi hơn khi xem xét trách nhiệm của tất cả các đồng phạm trong vụ án. Nếu VKS và HĐXX đều cho rằng có để lọt tội phạm, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông? - Theo tôi, CQĐT cần phải xem xét các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đặc biệt là ý kiến của VKS và Tòa án. Khi có đủ cơ sở thì phải khởi tố đối với người có liên quan. Nhiều trường hợp, án sơ thẩm đã bị hủy bỏ để điều tra lại, xử lý người liên quan để đảm bảo tính khách quan, thống nhất của vụ án. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh