Huyết thư bất tử của những người trai đất Việt

Lá thư liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm gửi bà Cẩm
Lá thư liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm gửi bà Cẩm
(PLO) -Hiện nay, các bảo tàng, khu di tích lịch sử trong cả nước còn lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hình ảnh, hiện vật về thư, nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là những bức thư thấm đẫm tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo PLVN trân trọng giới thiệu những dòng huyết thư như một lời ca bất tử của những người trai đất Việt thời thắng Mỹ.

“Con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”

Như linh tính, biết mình sẽ hy sinh, Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (quê quán: xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã viết một bức thư gửi người mẹ già đang mong ngóng đợi anh và người vợ mới cưới được 7 ngày đã phải xa chồng như một lời trăng trối. Lá thư đề ngày 11/9/1972, viết tại Quảng Trị.

Trong lá thư đó, anh Huỳnh nhắn nhủ mẹ: “Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”. 

Người lính ấy còn lo lắng cho người vợ trẻ: “Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh, chị anh…”.

Và dù còn sống, anh đã viết về nơi chôn cất mình để sau này khi có điều kiện người vợ và gia đình biết đường mà đi tìm: “Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… 

Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này...”.

Tết Dương lịch năm 1972, trước khi nhập ngũ, Lê Văn Huỳnh - chàng sinh viên Đại học Xây dựng từ Hà Nội về thăm nhà và quyết định cưới vợ - chị Đặng Thị Xơ, người cùng xã vào ngày 2/1/1972. Sau đám cưới, anh Huỳnh được ở nhà 3 ngày rồi tiếp tục lên trường. Tết Nguyên đán năm đó, anh được nghỉ và về nhà thêm 3 ngày nữa là 6.

Tri ân các liệt sĩ nhân ngày tháng 7
Tri ân các liệt sĩ nhân ngày tháng 7

Trước ngày lên đường nhập ngũ, anh tranh thủ thăm nhà được 1 ngày rồi vĩnh viễn không bao giờ trở về. Tính từ ngày cưới cho đến lúc anh hy sinh, vợ chồng anh chị ở bên nhau trọn vẹn được 7 ngày, 7 đêm. Tháng 5/1973, giấy báo tử mới chính thức gửi về nhà, cùng toàn bộ quân, tư trang của anh. Trên giấy ghi ngày hy sinh của anh là ngày 2/1/1973, đúng kỷ niệm tròn 1 năm ngày cưới, tức là sau hơn 3 tháng anh viết lá thư kể trên.

30 năm sau, vào năm 2002, bà Xơ mới có thể lên đường tìm mộ chồng và khi đi đúng như bức thư liệt sĩ viết, bà đã tìm thấy mộ Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ở thôn Nhan Biều, trên mộ có một tấm tôn ghi rõ tên anh: Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Người phụ nữ 44 năm sống một mình với 4 lá thư của người yêu

Trong thời gian chiến đấu tại Quảng Ngãi, năm 1972, anh Đỗ Ngọc Lâm (quê Hải Dương, ở Đại đội 506B, Tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi, hi sinh ngày 17/10/1974 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã gặp và yêu cô y tá Đặng Ngọc Cẩm (SN 1947, quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Chiến tranh khốc liệt, anh Đỗ Ngọc Lâm anh dũng hi sinh. Những gì chị Cẩm còn giữ lại được từ cuộc tình dang dở là 4 bức thư anh gửi cho chị những ngày đi chiến đấu.

Bà Cẩm không lấy chồng, ở vậy hơn 40 năm với đau đáu nguyện vọng gặp gia đình người yêu, muốn tìm lại người thân cho anh. Nhưng những thông tin về người yêu chỉ là tên Đỗ Ngọc Lâm, tên đơn vị và quê ở Hải Dương. Vì vậy bà không tìm được.

Năm 2017, lần theo lá thư thời chiến, các phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam đã tìm thấy gia đình Liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm. Người nhà Liệt sĩ vẫn còn giữ những lá thư anh gửi về từ chiến trường miền Nam. Trong một số bức thư, Liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm cũng kể chuyện về người yêu tại Quảng Ngãi của mình.

Còn gia đình Liệt sĩ bao năm qua không hề biết tin tức gì về hoàn cảnh chiến đấu, hi sinh của người thân. Những nén hương vẫn được thắp trong ngôi mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ với mong muốn tâm linh sẽ giúp anh Lâm trở về.  May mắn, sau đó, một cựu binh đã chia sẻ thông tin quý giá, có thể Liệt sĩ được an táng lại một nghĩa trang ở Quảng Ngãi.

Vậy là cả gia đình cất công đi tìm. Đến nghĩa trang ở Quảng Ngãi, đứng trước ngôi một đánh số 1/7, ghi tên Liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm, em trai liệt sĩ đã vỡ oà nước mắt.

Chết cho Tổ quốc và dân tộc sống

Trong cuốn sách “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, cố Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã kể lại lộ trình đến với bức thư “có một không hai” này: Vào mùa xuân năm 1984, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất, đoàn cán bộ Nông trường “Giải phóng” - tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương) do đồng chí Nhân - Thượng tá quân đội chuyển ngành, nguyên cán bộ Trung đoàn Bình Giã - dẫn đầu, ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng đồi rừng nguyên sinh đã xúc động, bàng hoàng trước một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng. 

Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han gỉ, một đôi dép cao su. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ giải phóng quân nhanh chóng được “giải mã” bởi bức thư bọc gói kỹ càng trong ni lông và được cột chặt ở đầu võng.

Tuy những dòng viết run rẩy, nguệch ngoạc (vì bị thương, đói, khát), nhưng với những ý tứ, câu từ rất sáng rõ. Những người viết tự giới thiệu: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê TP Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam…”. 

Bà Xơ bật khóc khi kể về lá thư của người chồng
Bà Xơ bật khóc khi kể về lá thư của người chồng

Hơn 50 năm trước, vào tháng 2/1966, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân Mỹ - Ngụy ở Bông Trang - Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có 3 anh Vũ, Chí, Dũng được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch để Trung đoàn trở về an toàn.

Tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng.

Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”.

Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Sau khi chọn cho mình cái chết, 3 chiến sĩ - người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau; các anh dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con, người thân, quê hương… và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.

Lần lượt, Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí vĩnh viễn ra đi. Người để lại những dòng lưu bút cuối cùng là Trần Viết Dũng với những dòng như dứt, rút từ gan ruột: “…Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm-10 năm tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi gửi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.

Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích. Và hơn thế nữa, nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.

Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam bộ.

Vũ Chí Dũng”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.