Trong hai ngày (2-3/10/2011) trên địa bàn huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, hai cây cầu bê tông cốt thép có tuổi đời sử dụng chưa lâu liên tiếp theo nhau sập xuống sông. Nguyên nhân sập cầu đến nay vẫn chưa được điều tra, làm rõ, trong khi sự cố cũng không được khắc phục, người dân vẫn ngày ngày đi trên chiếc cầu tạm rất nguy hiểm.
Cầu tạm bên cây cầu đã sập |
Đã bốn tháng trôi qua kể từ khi hai cây cầu Bản và cầu La Oh nối liền đường giao thông của hai xã vùng sâu, vùng xa với trung tâm huyện Chư Pảh bị sập. Đây là hai cây cầu rất quan trọng đối với việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con các xã khó khăn của huyện Chư Pảh. Cả hai cây cầu đều được thiết kế dạng bê tông cốt thép kiên cố, vĩnh cửu và còn khá mới.
Cầu La Oh bị sập khi vừa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng được khoảng một tháng. Còn cầu Bản cũng mới chỉ sử dụng 9 năm kể từ ngày xây dựng. Nguyên nhân cầu sập đến nay vẫn chưa thấy công bố, trách nhiệm về chất lượng về chất lượng công trình cũng dường như cũng “chìm” nốt xuống sông với bê tông, sắt thép.
Việc hai cây cầu liên xã trọng yếu nối các xã khó khăn của huyện Chư Pảh cùng “hẹn nhau” sập đã khiến hàng nghìn người dân các xã Hà Tây, Đak Tơver, Ia Khươl… bị chia cắt, gặp khó khăn đủ bề trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Khó khăn nhất chính là việc đi học của hơn 100 học sinh ở hai xã Đak Tơ Ve và Hà Tây.
Thời điểm cầu vừa sập, các em đã buộc phải tạm nghỉ học vì gia đình và nhà trường không dám mạo hiểm để các em qua suối. Để đáp lại với những phản ứng của người dân, Ủy ban nhân dân huyện Chư Pảh đã cho làm hai cây cầu tạm ngay bên cạnh. Chị Rơ Lan Pi, làng Bok, xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Pảh, cho biết: “Trước đây bà con đi lại để sản xuất rất thuận lợi, vì có cây cầu bắc qua suối. Giờ cầu sập rồi, bà con hết sức khó khăn. Bây giờ bà con chỉ mong muốn Nhà nước làm lại cây cầu cho chắc chắn để được an toàn và sản xuất thuận lợi hơn, bởi đi cầu tạm như thế này rất nguy hiểm”.
Trao đổi với chúng tôi anh A Cấp, trưởng làng Tuyết, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pảh cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính của việc cầu sập là chính quyền địa phương cho khai thác cát bừa bãi, khiến cho chân cầu bị rỗng đế bảo vệ, không còn trụ đứng. Cách cầu chỉ chừng hơn trăm mét là có từ 5 đến 7 điểm hút cát hoạt động suốt ngày đêm.
Cộng vào đó là việc cầu chỉ cho xe có tải trọng từ 10 đến 13 tấn đi qua nhưng ở đây có khoảng 70 xe Ka-maz chở cát lên tới trên 30 tấn vẫn đi qua hàng ngày. Ngay sau khi hai cây cầu sập, một số chủ hộ khai thác cát đã vội di chuyển đi địa điểm khác. Tuy nhiên vẫn còn hai chủ hộ lỳ lợm ở lại để tiếp tục khác thác cát. Bà con chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp cần làm triệt để vấn đề khai thác cát này.
Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến chuyện cầu sập vừa qua, mà nó còn ảnh hưởng đến đời sống của bà con lâu dài. Cụ thể là họ càng khai thác cát, dòng chảy càng sâu, đất trên ruộng nương của bà con mỗi khi mưa xuống lại bị xói lở”.
Theo sự hướng dẫn của bà con chúng tôi đã đi dọc con suối và chứng kiến: tại khu vực suối Ra Ver, cụm 3 xã là Đăk Tơ Ve, Hà Tây và Ia Khươl, hai máy nổ cùng các nhân công vẫn tươi cười giòn giã hút cát một cách công khai. Điều này đã khiến những người dân ở đây đặt câu hỏi nghi vấn: Liệu có hay không việc chính quyền địa phương cố tình bao che cho những ông chủ khai thác cát lắm tiền, nhiều(?!)
Hiện tại người dân ở đây không chỉ đơn thuần mong muốn xây dựng lại những cây cầu đã sập, mà họ còn mong muốn chính quyền địa phương vào cuộc để ngăn chặn nạn khái thác cát bừa bãi, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống lâu dài của bà con. Không biết ước mong nhỏ nhoi mà chính đáng ấy của người dân nơi đây đến khi nào mới được thỏa mãn.
Ngọc Anh