Vụ tranh chấp căn nhà số 143 Nguyễn Văn Trỗi (nay là 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ), phường 11, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đã được Báo PLVN số ra ngày 7/10/2011phản ánh qua bài “Bức xúc sau phán quyết của hai cấp Tòa” .
Tòa nhà 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa |
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 34/2012/QĐ-GĐT ngày 26/7/2012 của Hội đổng thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 164/2011/DSPT ngày 17/6/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh và Bản án Dân sự sơ thẩm số 1860/2010/DSST ngày 29/11/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh về giải quyết vụ “Tranh chấp quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Châu Văn Được, bà Lê Thị Liên với bị đơn Công ty du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam).”
Sau hơn 20 năm,việc mua bán nhà để xuất cảnh của bà Lê Thị Liên đang định cư ở nước ngoài, đã được lật lại bằng một vụ kiện. Bà Liên đã kiện Công ty du lịch phục vụ dầu khí (nay là Cty TNHH MTV du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam- OSC) đòi lại căn nhà 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong khi Cty OSC Việt Nam cho rằng việc mua bán nhà 143 giữa bà Liên và Công ty đã hoàn thành xong, bà Liên đã nhận tiền và giao nhà trước khi đi xuất cảnh, thì bà Liên lại cho rằng số tiền đã nhận là do Công ty OSC Việt Nam hỗ trợ để bà Liên giao nhà cho Công ty OSC quản lý sử dụng.
Khác với nhận định của hai bản án phúc và sơ thẩm bị hủy, nội dung quyết định giám đốc thẩm đã đánh giá toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì cuối năm 1985 bà Lê Thị Liên được phép xuất cảnh ra nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Ngày 18/8/1985 bà Liên có đơn đề nghị bán ngôi nhà 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN).
Trước đó, tháng 2/1984 chồng bà Liên là ông Châu Văn Được đi biểu diễn ở nước ngoài bị bắt cóc, nhưng sau này ông Được không về nước mà định cư ở lại nước ngoài. Như vậy ông Được ở lại nước ngoài là không hợp pháp. Lẽ ra, khi bà Liên xin định cư ở nước ngoài, Nhà nước phải tịch thu 1/2 căn nhà 143 NKKN, nhưng vì chính sách đối với nhân sỹ khi đó nên nhà nước đã chấp nhận cho bà Liên được bán toàn bộ căn nhà.
Việc mua bán căn nhà 143 NKKN giữa bà Liên với Cty OSC đã được lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và thường trực UBND quận Phú Nhuận cho ý kiến, và bà Liên đã giao cho Giám đốc Cty OSC là ông Lê Quang Hiển với nội dung: “Tôi bằng lòng để ông Hiển đứng ra lo thủ tục xin được phép mua nhà của tôi”. Công ty OSC đã mua căn nhà của bà Liên với giá 6.600 đồng ( tiền cũ).
Việc giao nhận tiền được hai bên ghi nhận như biên nhận ngày 13/2/1985 có nội dung: “Tôi là Lê Thị Liên, hiện là chủ sở hữu căn nhà số 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hôm nay 13/12/85 tôi có nhận của Công ty du lịch phục vụ dầu khí do anh Nguyễn Văn Hồng đại diện giao đợt hai 400.000 đồng, số tiền còn lại như đã thỏa thuận công ty có trách nhiệm thanh toán dứt điểm trong ngày chủ nhật 15/12/1985”. Và thực tế bà Liên đã giao nhà số 143 NKKN cho Công ty OSC, không phải giao nhà cho Sở nhà đất quản lý.
Tuy nhiên, TAND TP. HCM và Toà Phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM lại đánh giá gần như nhau về tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án rằng khi được xuất cảnh bà Liên chưa bán cho Cty OSC Việt Nam căn nhà 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dẫn đến việc bà Liên bán nhà thành chưa bán, gây búc xúc trong dư luận.
Ngày 01/12/2011 Chánh án TANDTC đã có Quyết định kháng nghị số 714/2011/KN-DS đối với Bản án Dân sự phúc thẩm số 164/2011/DSPT ngày 17/6/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 34 /2012 QĐ-GĐT ngày 26/7/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xem xét tổng hợp và toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ, không so sánh số tiền bà Liên đã nhận với giá trị ngôi nhà tại thời điểm bà Liên nhận tiền mà đã xác định không có việc mua bán nhà, ngôi nhà 143 NKKN vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Được, bà Liên và buộc Công ty OSC trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho ông Được, bà Liên là chưa đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án.
Đồng thời, quyết định giám đốc thẩm cũng yêu cầu cần làm rõ một số nội dung liên quan đến giá trị căn nhà như theo biên bản định giá ngày 20/2/1986 của Công ty quản lý nhà thì nhà 143 NKKN có giá trị 82.463,26 đồng nhưng tại sao Công ty OSC phải trả 400.000 đồng và chiếc Ti vi có tổng trị giá gấp 6 lần giá trị ngôi nhà; và theo chính sách của nhà nước khi đó, người xuất cảnh phải chứng minh không còn tài sản ở Việt Nam, nên cần xác minh hồ sơ xuất cảnh của bà Liên để làm rõ việc giải quyết đối với căn nhà 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và quan điểm của địa phương về vấn đề này..
Còn những người theo dõi vụ kiện đang rất muốn được làm rõ việc - ai đã lật ngược lại việc mua bán nhà đã hoàn thành cách đây hơn 20 năm để làm tốn kém thời gian, tiền bạc theo đuổi vụ kiện của các bên đương sự ?
Nguyễn Đình Bích