Theo đó, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc xem xét phê duyệt các đối tượng xin nhập cảnh (trong đó chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp) phải đảm bảo đúng đối tượng ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo.
Các đơn vị cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên và các trường hợp nhập cảnh trái phép, đồng thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ.
Các đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam bao gồm:
Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao (sau đây gọi tắt là chuyên gia) và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
Học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Công dân Việt Nam: doanh nhân; trí thức; học sinh, sinh viên; người già; người đi thăm thân, du lịch hết hạn; lao động hết hạn hợp đồng; hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài; người ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người hết hạn visa.
Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và các trường hợp đặc biệt khác.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng lưu ý, việc tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước, người nước ngoài xin nhập cảnh phải đúng theo lộ trình kế hoạch được duyệt, phù hợp năng lực cách ly y tế và phòng chống dịch COVID-19; đảm bảo chặt chẽ, an toàn, công khai, minh bạch, tránh trục lợi.
Các trường hợp được xem xét nhập cảnh phải phù hợp với đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo, các trường hợp đặc biệt khác phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Các tổ chức, đơn vị đứng tên xin nhập cảnh phải gửi đề nghị bằng văn bản và cung cấp đầy đủ thông tin (địa chỉ, số điện thoại, email) kèm theo tài liệu chứng minh về các lý do xin được nhập cảnh.
Các đơn vị này phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong văn bản đề nghị và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh theo quy định. Đồng thời phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong văn bản đề nghị và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh.
Các cá nhân đứng tên đề nghị được nhập cảnh, thuộc đối tượng xem xét nhập cảnh theo quy định phải cung cấp đầy đủ thông tin (địa chỉ, số điện thoại, email, hộ chiếu) và kèm theo tài liệu chứng minh về các lý do xin được nhập cảnh.
Các cá nhân này phải có xác nhận thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con) của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (cấp xã) nơi người nhập cảnh sau khi hết cách ly về lưu trú. Đồng thời phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong văn bản đề nghị và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh.
Ban chỉ đạo Quốc gia giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp xem xét cho ý kiến về các trường hợp xin nhập cảnh theo đề xuất của các Bộ, ngành liên quan và tổ chức việc cấp phép, tiếp nhận, quản lý các trường hợp người nhập cảnh theo quy định.